Thay vì vui mừng, mẹ bầu nên cẩn trọng khi sinh con to trên 4000 gram
Việc sinh con to mang yếu tố tâm lý “to lớn” khiến gia đình mẹ bầu vui, nhưng các bác sĩ cho rằng thai to phụ nữ mang thai đứng trước nhiều nguy hiểm.
Ngày 4/1, Bệnh viện Hùng Vương cho biết, một bé trai nặng hơn 5kg vừa chào đời tại bệnh viện. Thai phụ là chị T.T.N, 37 tuổi, hiện ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM. Đây là con thứ 3 của chị N.
Theo đó, ngày 2/1, chị N. chuyển dạ và nhập viện. Quá trình theo dõi ở phòng khám tư, thai nhi đã được chẩn đoán nặng trên 3kg. Do thai khỏe mạnh, mẹ đủ sức vượt cạn nên được chỉ định sinh thường.
Chị N. cho biết, chị tăng hơn 25kg trong thai kỳ. Hai con đầu của chị nặng khoảng 3,2kg/bé. Trong lần khám thai cuối, bác sĩ phòng khám tư nhân cảnh báo con chị N. có cân lớn nên cho chế độ ăn kiêng. Chị N, chỉ nghĩ cháu khoảng hơn 3kg thôi, không ngờ cháu nặng gần 5,2kg.
TS Nguyễn Hữu Trung - Trưởng Phòng khám Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2) cho biết trẻ sơ sinh quá to không phải là tín hiệu đáng mừng. Đa số các thai phụ khi mang thai đều vui mừng khi nghe bác sĩ chuyên khoa báo thai to.
Cần biết rằng thai to chỉ có ý nghĩa rằng thai nhi đang được dinh dưỡng tốt trong bụng mẹ. Tuy nhiên, nếu dinh dưỡng quá nhiều cũng không phải lúc nào cũng tốt. Điều này tương tự như một đứa trẻ nếu được cho ăn uống nhiều quá thì sẽ béo phì và xuất hiện nhiều bệnh lý.
Bé sơ sinh nặng ký mới chào đời tại TP.HCM. |
Bởi vì những trẻ sơ sinh con to trên 4000 gram có nguy cơ cao bị chấn thương khi sinh.
Các biến chứng hay gặp như kẹt vai khi sinh, thai nhi có kích thước đầu to hơn thân mình của thai nên dễ bị kẹt ở phần khung xương chậu của mẹ. Khi đầu của những thai nhi có cân nặng bình thường sinh ra khỏi “cửa mình” của người mẹ, vai và thân mình của trẻ được “trôi ra” một cách nhẹ nhàng nhưng kích thước thân mình của trẻ thường quá lớn so với đầu thai nhi sinh thường qua ngả âm đạo, lúc đầu thai đã ra ngoài “cửa mình” của người mẹ, vai và thân mình của thai vẫn còn “kẹt” lại bên trong mà không thể ra được.
Để cuộc sinh tiếp tục, người bác sĩ sản khoa phải dùng những lực mạnh hơn mức bình thường và có thể sử dụng những thủ thuật đặc biệt. Nguy cơ chấn thương xương, khớp và có thể cả các dây thần kinh của thai rất cao. Đây là những tình huống rất khó khăn, rất khó tiên lượng trước được, mà thai nhi con to có thể gặp phải khi trải qua cuộc chuyển dạ sinh ngả âm đạo.
Ngoài ra, với trẻ sơ sinh lớn ký có thể có những nguy cơ như hạ đường huyết, nguy cơ suy hô hấp. Các nghiên cứu cho thấy những trẻ sơ sinh càng lớn ký, nguy cơ phải nhập các đơn vị chăm sóc nhi khoa đặc biệt càng cao. Ngoài ra, khi lớn lên, những trẻ này rất dễ bị béo phì, đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa khác.
Bản thân bà mẹ mang thai quá to cũng đứng trước nhiều nguy cơ. Ví dụ như bà mẹ phải trải qua cuộc sinh sẽ đối diện nhiều nguy cơ. Đó là nguy cơ phải mổ sinh, chấn thương cơ quan sinh dục khi sinh ngả âm đạo, băng huyết sau sinh, vỡ tử cung… Những tai biến này nếu không được xử trí đúng, kịp thời sẽ kết sức nguy hiểm, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo nhiều trẻ sinh ra quá to và mắc các bệnh lý phát sinh phải điều trị tại viện ngày càng gia tăng. Điều lo lắng nhất với những ca sơ sinh nặng cân là trẻ dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt biến chứng nguy hiểm như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Điều này làm trẻ sơ sinh có thể xuất hiện phản ứng chậm chạp, tiếng khóc nhỏ, yếu, trường hợp nặng có thể ngưng thở từng cơn.
Các bác sĩ đều cho rằng thay vì vui mừng, các bà mẹ nên cẩn thận khi thấy con mình chào đời hoặc tiên lượng ra đời nặng hơn 4kg bởi lẽ có đến 90% trường hợp trẻ lúc sinh ra nặng hơn 4kg là có vấn đề về sức khỏe, mặc dù rất nhiều trường hợp không phát hiện được ngay tức thì.
Khi một thai phụ có cân nặng quá lớn, các bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh ăn quá nhiều, nhất là đồ ngọt, tinh bột… để tránh tăng cân quá mức.
Khánh Chi