Thay thế PT-76 của VN: Ứng viên xe tăng lội nước Sprut SD
Xe tăng bơi PT – 76 được đưa vào biên chế 60 năm trước. Hiện nay vẫn còn gặp PT-76 trong biên chế của quân đội nhiều nước trên thế giới, xe tăng đã tham chiến ở Việt Nam trên chiến trường Làng Vây, An Lộc và tham gia chiến dịch giải phóng Căm Phu Chia.
Cho đến thời điểm hiện nay, trong biên chế của QĐND Việt Nam, bao gồm cả hải quân đánh bộ có khoảng 300 xe, những chiếc xuồng thép gắn pháo PT – 76 vẫn tham gia các cuộc diễn tập đổ bộ đường biển yểm trợ hải quân đánh chiếm mục tiêu. Thực tế cho thấy, PT – 76 đã lỗi thời trong các hoạt động tác chiến hiện đại do khả năng bảo vệ thấp, hỏa lực chống tăng và các mục tiêu kiên cố yếu, tầm bắn của pháo tăng hạn chế. Một trong những phương án thay thế PT – 76 dành cho hải quân đánh bộ có thể là pháo tự hành 2S25 "Sprut-SD."
Các xe thiết giáp lội nước PT-76 đã có tuổi đời cao trong biên chế trực chiến của quân đội Việt Nam
Trong triển lãm vũ khí trang thiết bị xuất khẩu Russian Arms Expo-2013 tại thành phố Nizhny Tagil ngày 25.09, tập đoàn Nhà máy Công cụ máy kéo đã giới thiệu Pháo tự hành 2S25 "Sprut-SD" đã được hiện đại hóa, có hỏa lực rất mạnh, tác chiến hiệu quả với các xe tăng, xe bọc thép, xuống chiến đấu và các công sự kiên cố của đối phương, xe có khả năng lội nước tốt, có thể từ các tàu đổ bộ, tự hành tiếp cận bờ biển và yểm trợ hỏa lực hiệu quả cho hải quân đánh bộ tiêu diệt mục tiêu.
Pháo tự hành 2S25 "Sprut-SD" được phát triển trên thân xe đổ bộ BMD – 3. Để có thể lắp đặt tháp pháo hạng nặng các nhà thiết kế Vongograd đã chỉnh sửa lại cấu trúc tổng thể nhằm phát huy tối đa khả năng của xe. Thân xe được kéo dài để có thể lắp đặt các bộ phận lớn hơn, hệ thống chuyển động được tăng cường thêm 2 bánh chịu nặng và áp dụng những giải pháp kỹ thuật của xe tăng hạng nhẹ trên thế giới.
Thân xe 2S25 có cấu trúc tương tự BMD – 3, được chế tạo từ nhôm hợp kim. Vỏ hợp kim chịu được tất cả các loại đạn bắn thẳng cho đến đạn xuyên thép 23 mm từ khoảng cách 500 m. Tháp pháo 2S25 “Sprut – SD” cũng được chế tạo từ nhôm hợp kim, nhưng gia cường bằng những tấm thiết giáp.
Tương tự như các xe pháo tự hành (SAU) khác. Khoang mũi xe được bố trí buồng lái và vị trí của lái xe, bên cạnh lái xe là vị trí ngồi của trưởng xe và pháo thủ trong thời gian hành quân. Khi xe sẵn sàng chiến đấu, trưởng xe và pháo thủ sẽ về vị trí của mình trên tháp pháo. Từ vị trí hành quân, trưởng xe và pháo thủ có thể di chuyển đến tháp pháo mà không ra khỏi xe. Khoang chiến đấu nằm ở giữa thân xe, khoang động lực ở phần đuôi xe.
Model 3D pháo tự hành Sprut - SD
Xe SAU được lắp động cơ đa nhiên liệu diesel 2V-06-2S công suất 510 sức ngựa. Với khối lượng 18 tấn, công suất riêng của xe là 28 sức ngựa/ tấn. Gắn kết với động cơ là hệ thống ly hợp, hộp số thủy lực, bộ phận hãm quay xe thủy lực. Ly hợp – hộp số có 5 số tiến và một số lùi. Bánh chủ động bố trí ở phía cuối xe. Hệ thống chuyển động của xe SAU “Sprut – SD” tương tự như xe BMD – 3 có tới 7 bánh chịu nặng mỗi bên. Các bánh chịu nặng đều có hệ thống treo giảm xóc riêng biệt. Hệ thống treo cho phép tăng giảm khoảng sáng dưới xe từ 190 mm đến 590 mm tùy theo địa hình cơ động, từ đó làm thay độ độ cao của xe. Những trạng thái kỹ thuật của hệ thống chuyển động được điều chỉnh từ buồng lái, sự tăng giảm khoảng sáng gầm xe cho phép xe cơ động tốt trên mọi địa hình chiến trường phức tạp của Việt Nam. Xe có tính năng cơ động rất cao, trên đường nhựa và bê tông có thể chạy với tốc độ 70 km/h, trên đường đất và địa hình là 40 – 45 km/h. Dự trữ hành trình trên đường nhựa là 500 km. Khi vượt chướng ngại vật nước, xe SAU sử dụng hai chân vịt ở phần đuôi xe bơi với tốc độ 8 - 10 km/h. Các bộ phận thân xe kin nước cho phép xe có thể bơi và bắn khi biển động đến cấp 3. Điểm đặc biệt duy nhất là pháo chỉ có thể bắn khi bơi trong góc hướng là 70o.
Model 3D pháo tự hành Sprut - SD
Được gọi là xe tự hành săn tăng do vũ khí chủ yếu của “Sprut – SD” là pháo nòng trơn 125 mm 2А46 (2A75), sử dụng trong các xe tăng Xô viết, được hiện đại hóa hệ thống hãm lùi cho khoảng lùi của pháo giới hạn trong 700 mm. Pháo có thể sử dụng tất cả các loại đạn dành cho 125 mm nòng trơn. Góc tầm của pháo là từ - 5o đến 17o , góc hướng quay được 360o theo góc quay tháp pháo. Xe được trang bị hệ thống ổn định tầm hướng. Theo truyền thống, pháo 125 mm có hệ thống nạp đạn tự động, trong trống quay có 22 quả đạn các loại. Nạp đạn được tự động hóa hoàn toàn theo mệnh lệnh của pháo thủ hoặc trưởng xe, tốc độ bắn là 7 phát/phút. Ngoài 22 quả đạn có trong trống quay còn có 18 quả đạn đặt ở các vị trí khác nhau trong tháp pháo và thân xe, nếu bắn hết số đạn có trong trống, phải nạp đạn thủ công và giảm rất nhiều tốc độ bắn. Song song với nòng pháo là súng máy 7,62mm PKTM với 2000 viên đạn trong 1 dây băng. Pháo thủ và trưởng xe có chế độ điều khiển hỏa lực song song ưu tiên trưởng xe. Kính quan sát – ngắm bắn trưởng xe có lắp đặt hệ thống đo xa laser đa năng vừa dùng để đo khoảng cách mục tiêu, dẫn bắn tên lửa bắn qua nòng pháo. Pháo thủ và trưởng xe hoàn toàn độc lập khi quan sát tình huống chiến trường, địa hình, phát hiện mục tiêu và lấy đường ngắm cho pháo tăng. Cả trưởng xe và pháo thủ đều có khả năng sử dụng pháo tăng, súng máy hay tên lửa chống tăng bắn qua nòng pháo.Thông số chung của xe:
Chiều dài thân xe : 7085mm (cả pháo là 9776 mm) Chiều rộng thân xe 3152 mm; Chiều cao thân xe: 2720..2990 mm. Hiện xe tăng nâng cấp sử dụng pháo tăng 2A75, nòng pháo có bộ phận bọc lót cách nhiệt, thiết bị đo xa laser và chỉ thị mục tiêu cho tên lửa bắn qua nòng pháo và đạn có đầu tự dẫn laser, cho phép tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách đến 4 km.
Giữa tháng 8, trên thông tin đại chúng xuất hiện các xe SAU “Sprut – SD” có lắp các tấm chắn giáp phản ứng nổ bên sườn, cũng theo đại diện Tập đoàn nhà máy Công cụ máy kéo Volgograd, xe được lắp đặt các bộ phận tiên tiến của BMD – 4, trong đó có hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống quan sát camera quang ảnh nhiệt và thông tin liên lạc.
Cùng với những phương án cải tiến các xe PT – 76, những pháo tự hành săn tăng 2S25 “Sprut – SD” sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho hải quân đánh bộ Việt Nam do khả năng yểm trợ hỏa lực, hiệp đồng tác chiến trong đội hình tăng thiết giáp đổ bộ đường biển bảo vệ hải đảo Tổ Quốc.
Theo Trịnh Thái Bằng (quocphonganninh.edu.vn)