Thầy giáo khuyết tật nổi tiếng ở Trung Quốc từng phải đi ăn xin
Từng phải đi ăn xin trên đường phố, cuộc đời anh Jiang bước sang chương mới khi quyết định trở thành thầy giáo của các em nhỏ miền núi nghèo khó.
Nằm sâu trong các dãy núi ở phía tây nam Trung Quốc, một người thầy giáo khuyết tật trở thành tấm gương sáng cho các em học sinh nghèo noi theo khi chứng minh chân lý không trở ngại hay khó khăn nào trong cuộc đời là không thể vượt qua.
Thầy giáo Jiang Shengfa, người bị mất một phần cánh tay phải cách đây 25 năm, làm công việc dạy học cho các em nhỏ vùng quê nghèo khó đã 18 năm nay. Anh Jiang bị mất đi một phần cánh tay phải, nhưng đó không phải là trở ngại đối với người thầy giáo. Để dùng phấn viết bảng, anh Jiang buộc phấn vào chiếc dây cuốn quanh bắp tay. Anh Jiang dùng miệng để lật giở từng trang sách khi đứng lớp giảng bài.
Thầy giáo khuyết tật nổi tiếng ở Trung Quốc từng có thời gian phải đi ăn xin. (Ảnh: SCMP) |
Vượt qua hoàn cảnh tật nguyền, anh Jiang vẫn ngày ngày đi bộ 8 km tới trường để dạy học cho các em nhỏ với mức lương hàng tháng ít ỏi chỉ là 1.500 nhân dân tệ (235 USD). Nhưng 18 năm nay, anh Jiang vẫn kiên trì theo đuổi nghề giáo.
Anh Jiang bị mất một phần cánh tay phải vào năm 1996 khi đang cố sửa chữa đường dây điện ở ngôi làng Anle thuộc tỉnh Vân Nam. Đây cũng chính là nơi anh được sinh ra và lớn lên. Sau vụ tai nạn, người vợ của anh Jiang bỏ đi và mang theo cả cậu con trai. Người mẹ già của anh Jiang cũng qua đời sau đó vài năm.
Trong khoảng thời gian tăm tối nhất của cuộc đời, anh Jiang từng phải lăn lê trên các con phố ở một số thành phố lớn để ăn xin với hy vọng có chút tiền sống qua ngày.
Cuộc đời anh Jiang thay đổi khi người anh lớn nghỉ hưu và thôi dạy học tại ngôi trường làng. Người anh đã khuyên anh Jiang thay mình đứng lớp dạy học. Bởi anh Jiang là một trong số vài người trong ngôi làng Anle được học hết cấp 3.
“Tôi từng lo lắng mình sẽ không thể trở thành một người thầy giáo tốt, bởi tôi không có kinh nghiệm giảng dạy. Nhưng nếu như tôi không đi dạy, bọn trẻ sẽ phải đi rất xa để tới được trường học ở nơi khác”, Thepaper.cn dẫn lời anh Jiang.
Sau hơn 10 năm dạy học, anh Jiang hiện được đánh giá là một trong những thầy giáo đáng kính nhất ở các khu vực nông thôn nghèo khó của Trung Quốc. Bởi đây là những nơi luôn thiếu nguồn nhân lực lao động là người trưởng thành, do họ đã di chuyển lên các thành phố lớn để kiếm việc làm, chỉ để lại trẻ em và người già ở quê nhà.
Anh Jiang tâm sự anh cảm thấy rất hạnh phúc khi được dạy học cho bọn trẻ, bởi nhiều phụ huynh đã bỏ làng quê lên thành phố xin làm những công việc có mức lương cao hơn.
Thậm chí, anh Jiang từng từ chối sang làm việc cho một tổ chức giáo dục khác với mức lương cao hơn rất nhiều. Nói về lý do, anh Jiang cho hay, “Tiền không phải là điều khiến tôi trở thành một giáo viên. Lý do chính là những đứa trẻ vùng núi, chúng cho tôi sự tự tin và cổ vũ tôi sống tiếp”.
Trước tiết học, anh Jiang thường nhờ các em học sinh buộc viên phấn vào phần còn lại của cánh tay phải để viết bài giảng lên bảng.
Anh Jiang còn luyện viết thư pháp bằng cách ngậm cán bút lông vào miệng. Những bức thư pháp của người thầy giáo miền núi vẫn thường được ca ngợi về độ khéo tay.
Đoạn video ghi lại hình ảnh thầy giáo Jiang buộc phấn vào phần bắp tay để viết bảng, dùng áo khoác thay cho giẻ lau bảng đã nhanh chóng trở thành một trong những chủ đề “hot nhất” nhận được sự quan tâm trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
“Điều kiện trường học trong làng vô cùng nghèo nàn, nhưng tôi không bao giờ từ bỏ. Sau khi gặp tai nạn, cuộc đời tôi từng rơi vào cảnh khó khăn trong một khoảng thời gian ngắn. Chính các em nhỏ đã mang lại niềm hạnh phúc và sự tự tin cho tôi. Bọn trẻ đã tiếp thêm sức mạnh để tôi sống tiếp. Đó là tất cả những gì tôi mong muốn”, anh Jiang nói.
Trung Quốc sẽ sớm bỏ cách ly dài ngày và xét nghiệm diện rộng để ngăn Covid-19?
Trung Quốc kiên định thực hiện cách ly dài ngày và xét nghiệm diện rộng để ngăn Covid-19, dù nhiều nước khác đã thay đổi phương thức chống dịch.
Minh Thu (lược dịch)