Thầy chủ nhiệm cảm hóa cậu học trò rơi vào danh sách "đen" của trường

Có những học sinh mà nếu ta càng phạt thì học sinh càng không sợ, càng thách thức giáo viên, nhưng nếu mình dùng tình cảm để cảm hóa giống như “lạt mềm buộc chặt” thì các em ấy lại rất hợp tác và nghe lời...

Dự thảo mới của Bộ GD&ĐT có hình thức kỷ luật cao nhất là học sinh bị tạm dừng học tập tối đa 2 tuần, bỏ hoàn toàn hình thức đuổi học 1 năm như hiện hành.

Nhiều ý kiến lo lắng, nếu bỏ hình thức đuổi học thì phải có hình thức kỷ luật cứng rắn khác để răn đe và tạo 'cái roi trong tâm tưởng' của học sinh, để học sinh ngỗ ngược phải thấy đó như một bức rào và tự dặn mình không được phép vượt qua.

Infonet xin đăng tải bài viết chia sẻ quan điểm của Thầy giáo Hoàng Công Thành – từng là giáo viên tại Trung tâm GDTX Hà Tây (nay là Trung tâm GDNN - GDTX Quận Hà Đông, Hà Nội) về một câu chuyện dạy và học đối với một em học sinh khác biệt:

Gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp học sinh nghịch ngợm, quậy phá. 

Nhiều người nói với tôi rằng, đã có quy định về kỷ luật, học sinh hư thì phạt sao phải mất thời gian nhưng tôi không bao giờ lôi hình phạt ra để dọa nạt hay răn đe các em, nhất là việc đuổi học những học sinh hư lại càng không.

Những biện pháp cứng rắn, thô bạo chưa hẳn làm các em chăm ngoan hơn mà đôi lúc có tác dụng ngược khi các em coi thường giáo viên.

Hơn chục năm về trước, tôi có một học trò mồ côi cha mẹ, sống với chú thím nhưng chú thím bận kiếm tiền lại cũng bận con cái nên cũng có nhiều thời gian dạy dỗ em. Cậu học trò của tôi được chú thím nuôi ăn uống, học hành nhưng lại không được quan tâm về đời sống tinh thần.

Trong khi ấy, cậu bé sống cảm tính, để che đậy sự thiếu thốn tình cảm liền tỏ ra là một học sinh sống bất cần, đánh bạn, chửi thầy, xé sách… không thiếu hành động ngỗ ngược nào.

Lên cấp 3, mới những ngày đầu đến trường cậu bé đã gây chú ý bởi cách ăn mặc khác biệt, nhuộm tóc 3 màu, đeo khuyên tai… rồi tìm cách gây gổ với những học sinh lớp lớn để thể hiện "cái tôi" của mình.

Vậy là cứ dăm bữa cậu bé lại đánh lộn, lại bị giáo viên trách mắng, kỷ luật. Giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh mãi rồi cũng nản, lắc đầu và đề xuất với hiệu trưởng xin đổi giáo viên.

Biết cậu bé rất thích chơi bóng rổ nên thỉnh thoảng sau giờ tan học tôi rủ cậu bé ở lại đấu bóng với tôi. Chơi bóng tới mệt thì hai thầy trò vào căng tin ngồi uống nước, trò chuyện.Tôi tình cờ được giao làm chủ nhiệm lớp của cậu bé. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh, tôi nhận ra nguyên nhân dẫn tới những hành xử chưa đúng mực của cậu bé. Tôi nghĩ mình cần phải tìm cách để giúp em học sinh này.

Có hôm cả trường đã về hết còn lại hai thầy trò ở sân bóng. Lúc ra về thì xe của cậu bé lại bị thủng xăm, vậy là hai thầy trò lại đèo nhau về.

Sau những lần như vậy, cậu bé dần tin tưởng tôi hơn, tâm sự nhiều hơn, nghe lời tôi bớt "nổi loạn" hơn.

Khi mọi thứ vừa đi vào kiểm soát thì chú thím cậu bé làm ăn thua lỗ tới mức vỡ nợ, phải bán nhà bỏ đi nơi khác sống. Cậu bé buồn rầu bảo tôi “chắc em phải nghỉ học thầy ạ”.

Tôi động viên cậu bé cứ bình tĩnh nhưng thực sự lúc ấy tôi cũng rất hoang mang không biết làm sao để giúp cậu bé.

May thay, sau khi nghe tôi chia sẻ câu chuyện thì vợ tôi bảo rằng chúng tôi có thể tạm đưa cậu bé về nhà rồi tính tiếp, chứ đang lớp 11 mà phải bỏ học thì tội lắm.

Thế rồi vợ chồng tôi đưa cậu học trò ấy về nhà mình thật. Trong quá trình sống chung cậu bé tỏ ra là người lớn, ngoài giờ đi học còn phụ giúp vợ chồng tôi cơm nước, tắm táp cho 2 nhóc con trai tôi.

Kể từ khi chúng tôi sống như một gia đình cậu bé cũng không còn tên trong danh sách “đen” của trường nữa. Hơn thế, cậu bé còn giúp một số bạn khác trở nên chăm ngoan, tiến bộ hơn.

Sau hơn 1 năm cậu bé ở nhà tôi, đúng lúc sang học kỳ II của năm lớp 12 thì chú thím cậu bé bất ngờ trở về và đề nghị đưa cậu bé vào Sài Gòn sống cùng vì bây giờ họ đã ổn định cuộc sống rồi.

Băn khoăn mãi rồi cậu bé cũng quyết định đi theo chú thím. Ngày chia tay chúng tôi là lần đầu tiên tôi thấy cậu bé khóc. Cậu bé nói không có chúng tôi cưu mang thì lúc ấy nó đã thành đứa trẻ mồ côi, lang thang nơi nào rồi. Vợ chồng tôi cũng cảm động khóc theo.

Chục năm nay tôi vẫn giữ liên lạc với cậu học trò.

Giờ đây em ấy đã thành một người đàn ông mạnh mẽ, một bác sĩ giỏi. Tôi tự hào vì có một học trò như vậy.

Suốt bao năm đứng lớp giảng dạy, chưa bao giờ tôi dùng từ "học sinh cá biệt” để gọi học trò. Với tôi, mỗi học sinh là một sự khác biệt. Các em còn nhỏ tuổi, chưa làm chủ được toàn bộ hành vi và chưa nhận thức hết được hành động sai hay đúng là điều dễ hiểu.

Khi học sinh quậy trong lớp, không nghe giảng, không làm bài tập... bao giờ tôi cũng tự hỏi mình trước: Phải chăng những bài giảng của tôi chưa lôi cuốn, chưa thuyết phục được học sinh?

Nếu ai làm công tác chủ nhiệm lớp thì sẽ thấy rất rõ, đa phần những học sinh hay quậy phá và ngang ngược lại là những bạn sống rất nội tâm. Có những học sinh mà nếu ta càng phạt thì học sinh càng không sợ, càng thách thức giáo viên, nhưng nếu mình dùng tình cảm để cảm hóa giống như “lạt mềm buộc chặt” thì các em ấy lại răm rắp nghe lời.

Một thực tế là với học sinh tôi càng quan tâm, gần gũi, chia sẻ, động viên thì những em này thay đổi rất nhanh và còn có tác động “lôi kéo” nhiều em khác cùng ý thức để tiến bộ trong học tập, trong xây dựng lớp học đoàn kết. 

Với mỗi học sinh khác biệt, tôi luôn đặt mình vào vị trí của các em để hiểu được cảm xúc của các em. Đặt biệt trước mặt học trò, tôi tối kỵ nhất là xúc phạm các em, không cho mình cái quyền áp đặt tư tưởng lên các em.

Ghét hay bỏ mặc một học sinh chưa chăm ngoan là điều không khó nhưng giáo dục, cảm hóa để các em trở thành người tốt mới là điều mà giáo viên nên làm.

Thầy giáo Hoàng Công Thành

‘Kẻ trộm lương thiện’ trong trí nhớ của người thầy 75 tuổi

Với thầy Khang, dạy học, dạy kiến thức là điều bắt buộc, nhưng điều quan trọng hơn chính là dạy cách làm người, dạy cách sống, cách đối nhân xử thế.

Cô giáo 'làm mới' những đứa trẻ ngỗ ngược, lầm lỡ

Bằng tâm huyết và trách nhiệm, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa, giáo viên Trường Giáo dưỡng số 2 (Bộ Công an) đã giúp nhiều trẻ vị thành niên ngỗ ngược, lầm lỡ thay đổi nhận thức, sống hướng thiện.

Trao tặng 230 xe lăn, hơn 600 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó

Trong khuôn khổ CSR Day lần thứ 2, Ban tổ chức đã trao tặng 230 xe lăn cho người khuyết tật và 630 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Nữ giáo sư trẻ nhất ngành y quê Thái Bình, học đại học nổi tiếng trong nước

Chị Trịnh Thị Diệu Thường là tân giáo sư trẻ nhất ngành y năm 2024, hiện làm việc tại Bộ Y tế. Chị quê ở Thái Bình, được đào tạo hoàn toàn trong nước.

Con đứng nhất lớp, học thêm tốn gấp 10 lần học chính, mẹ vẫn lo bị tụt phía sau

Khi thấy những đứa trẻ học thêm tối ngày, nhiều người chỉ trích bố mẹ đặt quá nhiều áp lực mà không biết chúng tôi đang vừa phải gồng gánh kiếm tiền nuôi dạy, vừa 'cân' sức khỏe tinh thần, thể chất và lối vào tương lai của con.

'Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm'

Nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm. Việc này cũng cần được áp dụng cho tất cả các trường học trên toàn quốc.

Cô giáo xin mua laptop không được giảng dạy đến hết năm học

Cô giáo xin mua laptop ở Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM không được đứng lớp giảng dạy từ nay đến hết năm học 2024-2025.

'Nhìn thầy cô từ chối miễn học phí cho con, nhân viên trường học càng tủi’

"Trong trường học đâu chỉ có nhà giáo, chúng tôi - nhân viên văn thư, kế toán... cũng cống hiến, có khi một lúc phải kiêm vài nhiệm vụ, lương bèo bọt, không phụ cấp, nhưng lại bị 'quên' trong đề xuất miễn học phí của Bộ GD-ĐT", một độc giả bày tỏ.

Học sinh nhiều năng lực, có khát vọng nhưng thiếu định hướng

Theo PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương Đỗ Duy Hưng, nhiều học sinh có năng lực và khát vọng nhưng thiếu định hướng dẫn đến lựa chọn sai nghề nghiệp, gây lãng phí.

Cô giáo xin mua laptop: Chỉ những phụ huynh có ăn học mới thích tôi

Liên quan vụ cô giáo xin mua laptop, trong cuộc họp với lãnh đạo Trường Tiểu học Chương Dương, cô Trương Phương Hạnh lớn tiếng nói chỉ những phụ huynh hiểu chuyện, có ăn học mới thích cô.

Đang cập nhật dữ liệu !