Thất nghiệp, sinh viên xếp hàng dài đến chùa cầu may
Áp lực học tập và công việc
Các ngôi chùa Phật giáo và đền Đạo giáo trên khắp Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng người trẻ đổ xô đến cầu nguyện, theo Six Tone. Họ đến để tìm cách tạm thời thoát khỏi những lo âu cá nhân trong học tập và công việc.
Theo dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến của Trung Quốc Trip.com, cuối tháng 2/2023, lượng đặt chỗ cho các chuyến viếng thăm đền thờ đã tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, người trẻ tuổi chiếm một nửa.
“Giữa việc yêu cầu bản thân tự lực và kêu cầu sự giúp đỡ của người khác, tôi chọn cầu xin Đức Phật”- một câu trích dẫn phổ biến trên mạng Trung Quốc.
Được biết, học sinh, sinh viên và người mới đi làm thường đổ xô cầu nguyện học tập, đỗ đạt và thăng tiến tại Lạt Ma Tự và Ngọa Phật Tự- những địa điểm Phật giáo nổi tiếng ở thủ đô Bắc Kinh với trung bình hơn 40.000 du khách/ngày.
Trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, lượt tìm kiếm các chuyến viếng thăm chùa đã tăng 580% trong những tháng đầu năm 2023, theo nhà cung cấp dịch vụ tiếp thị trực tuyến Ocean Engine.
Trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu, đã có hơn 820.000 bài đăng chia sẻ mọi thứ, từ mẹo đi chùa đến nghi thức thờ cúng. Họ coi các chuyến tham quan là “một trải nghiệm thanh lọc tâm hồn”.
Áp lực thất nghiệp
Trong khi đó, không ít sinh viên mới ra trường cũng đi chùa để cầu nguyện tìm được việc làm trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, theo Japan Times.
“Tôi hy vọng tìm được chút bình yên trong các ngôi chùa”, Wang Xiaoning, 22 tuổi nói. Áp lực tìm việc làm và chi phí nhà ở đang nằm ngoài khả năng chi trả của cô.
Cùng cảnh ngộ, Chen, 19 tuổi, đang cầu nguyện cho bản thân sớm kiếm được một công việc. Chen cho biết: “Ngưỡng cửa việc làm tiếp tục cạnh tranh gay gắt. Áp lực quá lớn ngay cả sinh viên chưa tốt nghiệp như em".
Wang nằm trong số 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học của đất nước tỷ dân phải đối mặt với thị trường việc làm đang cạnh tranh khốc liệt.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỉ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi từ 16 - 24 tuổi trong tháng 2/2023 là 13,1%, vượt xa tỉ lệ thất nghiệp ở đô thị trên toàn quốc là 5,5%. Tỉ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên nêu trên không thay đổi so với quý 1 năm 2020, thời điểm Covid-19 đạt đỉnh tại Trung Quốc.
Cải thiện triển vọng nghề nghiệp cho sinh viên mới ra trường là một vấn đề đau đầu đối với các nhà chức trách Trung Quốc, những người muốn nền kinh tế tạo ra 12 triệu việc làm mới vào năm 2023, tăng so với mức 11 triệu của năm ngoái.
Zhang Qidi, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Quốc tế Trung Quốc, cho biết: “Có một tình trạng thừa cung nghiêm trọng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học và ưu tiên của những người này là sự sống còn”. Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi kể từ khi các biện pháp hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ vào tháng 12/2022, nhưng hoạt động tuyển dụng vẫn gặp nhiều trở ngại.
Trong khi đó, cơ quan giáo dục cũng cho biết lần đầu tiên số lượng sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ ở Bắc Kinh vượt quá sinh viên đại học.
“Việc viếng thăm chùa chiền mở ra cơ hội mới để mọi người nghỉ ngơi và tạm thời thoát khỏi căng thẳng. Các thế lực thần bí từ những vị thần khiến những người trẻ tuổi cảm thấy an tâm và nhờ đó có khả năng chữa lành khỏi sự kiệt quệ về tinh thần,” nhà bình luận về các vấn đề xã hội Song Yuqian nhận định.
Trong khi đó, Nhật báo Bắc Kinh cho biết trong một bài xã luận hồi tháng Ba rằng những lo lắng về công việc và học vấn là có thể hiểu được. “Tuy nhiên, những người trẻ tuổi thực sự đặt hy vọng vào thần phật khi gặp áp lực rõ ràng cũng đang đi lạc hướng", tờ này nhận định.
Tử Huy