Thanh niên 21 tuổi hoang mang khi thấy 'hạt ngọc' chỉ như thiếu niên 10 tuổi
Bệnh nhân có giọng nói thanh không trầm ồm như các thanh niên khác, đáng ngại hơn bệnh nhân đã 21 tuổi nhưng có tinh hoàn 2 bên chỉ nhỏ như thiếu niên 10-12 tuổi.
Mới đây, bác sĩ Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám và điều trị một ca bệnh khá đặc biệt.
Đó là nam thanh niên 21 tuổi, đến khám vì lý do đau tức vùng bìu. Qua hỏi bệnh, thăm khám bác sĩ thấy bệnh nhân có tinh hoàn 2 bên nhỏ (chỉ tương đương với thiếu niên 10-12 tuổi); Lông sinh dục kém phát triển.
Đặc biệt bệnh nhân có giọng nói thanh không trầm ồm như các thanh niên khác. Ngoài ra, bác sĩ nhận thấy hệ cơ của thanh niên 21 tuổi này kém phát triển.
Bệnh nhân được chỉ định làm một số các xét nghiệm chuyên sâu, phát hiện ra tình trạng hormone sinh dục vô cùng thấp: LH=2.18, FSH=2.41, testosterone=1.01.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc Hypothalamic hypogonadism (HH) - suy sinh dục dưới đồi. Bệnh nhân được kê đơn thuốc Pregnin tiêm bắp hàng ngày với liều phù hợp.
Kết quả sau 2 tháng điều trị bệnh nhân tự nhận thấy cơ thể có nhiều thay đổi kì diệu: anh cảm thấy nhiều năng lượng hơn, lông sinh dục phát triển nhanh, giọng nói ồm hơn. Đặc biệt, xét nghiệm testosterone=27.7 nmol/dl.
Ảnh minh hoạ |
Theo TS. BS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, suy sinh dục vùng dưới đồi là tình trạng vùng dưới đồi hoặc tuyến yên sản xuất ít hoặc không sản xuất hormone gonadotropins (1 loại hormone kích thích sản xuất hormone sinh dục).
Kết quả là, sự phát triển giới tính có thể bị dừng lại hoặc chậm lại ở trẻ em, và người lớn có thể gặp các vấn đề về khả năng sinh sản hoặc có ham muốn tình dục thấp.
Biểu hiện suy sinh dục sẽ rất khác nhau ở trẻ em và người lớn. Theo đó, nếu trẻ em bị suy sinh dục vùng dưới đồi sẽ có các biểu hiện: Thiếu phát triển ở tuổi dậy thì (phát triển có thể rất muộn hoặc không đầy đủ); Sự kém phát triển của vú và thời kỳ kinh nguyệt (ở phụ nữ); Chậm phát triển giới tính như tinh hoàn và dương vật không to, giọng nói trầm hơn và lông mặt (ở trẻ em trai); Không có khả năng ngửi (được gọi là anosmia, điều này đặc biệt xảy ra ở những người mắc hội chứng Kallmann); Tầm vóc thấp (trong một số trường hợp).
Còn với người lớn mắc suy sinh dục vùng dưới đồi thì các triệu chứng rất khác nhau nhưng thường có những biểu hiện chung như: Mất hứng thú với tình dục (ham muốn tình dục) ở nam giới; Mất kinh (vô kinh) ở phụ nữ; Giảm năng lượng và hứng thú với các hoạt động; Mất khối lượng cơ ở nam giới; Tăng cân; Thay đổi tâm trạng; Khô khan; Vô sinh.
Nguyên nhân gây bệnh là do bình thường, não sản xuất GnRH ở vùng dưới đồi, kích thích tuyến yên sản xuất ra FSH và LH. Những hormone này chỉ huy buồng trứng nữ sản xuất estrogen, hoặc tinh hoàn của nam giới sản xuất testosterone, là những hormone chi phối một loạt các quá trình sinh lý trong cơ thể.
Nếu vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc các khu vực xung quanh bị tổn thương theo bất kỳ cách nào có thể cản trở việc sản xuất ra các hormone sinh dục LH và FSH. Điều này ngăn cản sự trưởng thành sinh dục bình thường ở trẻ em và cản trở chức năng của tinh hoàn hoặc buồng trứng ở người lớn, gây nên bệnh cảnh HH.
Theo các bác sĩ, có một số nguyên nhân gây ra suy sinh dục dưới đồi:
Tổn thương tuyến yên hoặc vùng dưới đồi do phẫu thuật, chấn thương, khối u, nhiễm trùng hoặc bức xạ.
Các tình trạng di truyền như hội chứng Kallmann, thiểu năng sinh dục tự phát vô căn bình thường (giảm nồng độ steroid sinh dục) và hội chứng CHARGE.
Sử dụng liều cao hoặc lâu dài thuốc opioid hoặc steroid (glucocorticoid).
Mức prolactin cao (một loại hormone do tuyến yên tiết ra).
Stress nặng.
Vấn đề dinh dưỡng (tăng cân nhanh hoặc giảm cân).
Các bệnh nội khoa mãn tính, bao gồm viêm mãn tính hoặc nhiễm trùng.
Sử dụng ma túy, chẳng hạn như heroin hoặc sử dụng hoặc lạm dụng thuốc dạng thuốc phiện (kê đơn).
Bác sĩ cũng lưu ý, đôi khi rất khó để biết bạn có bị suy sinh dục hay không và hầu như không thể biết đó có phải là suy sinh dục vùng dưới đồi hay không ngay cả khi bạn nghi ngờ mình mắc bệnh này.
Nếu bạn gặp vấn đề với khả năng sinh sản, ham muốn tình dục thấp, đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn không sản xuất đủ hormone sinh dục. Hiện nay với những tiến bộ của y học thì căn bệnh này có thể được điều trị thành công bằng liệu pháp thay thế hormone sinh dục và phương pháp khác.
Vì vậy các bác sĩ khoa Nam học và Y học giới tính khuyến cáo nam giới khi có những triệu chứng của suy sinh dục, hãy tìm đến các bác sĩ nam khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
H. Phong