Thanh Hóa: Khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020
![]() |
Tỉnh Thanh Hóa khuyến khích việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp |
Xây dựng vùng thâm canh lúa hiệu quả cao tại miền núi
Qua đó việc xây dựng, thực hiện các dự án, quy hoạch vùng và các mô hình được UBND tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí và xây dựng các cơ sở hạ tầng để phục vụ việc phát triển ngành nông nghiệp.
Việc tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp trong đó có việc hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi.
Các xã được hỗ trợ thuộc các huyện miền núi và các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng có diện tích đất 2 vụ từ 50 ha trở lên, đất ở khu vực được quy hoạch ổn định, không nằm trong vùng quy hoạch khu công nghiệp, đô thị. Đất được quy hoạch phải có năng suất bình quân 3 năm gần nhất đạt 55 tạ/ha ở vụ xuân và 50 tạ/ha ở vụ mùa trở lên.
Vùng được chọn thâm canh lúa là những địa phương có truyền thống, tích cực chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp; nông dân có trình độ thâm canh khá; cấp ủy, chính quyền có kinh nghiệm và quyết tâm trong điều hành chỉ đạo sản xuất lúa. Cũng như có đăng ký thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và được UBND tỉnh chấp thuận.
Khi được UBND tỉnh chấp thuận vùng thâm canh lúa sẽ được hỗ trợ hệ thống kênh mương nội đồng, hỗ trợ kiên cố hóa giao thông nội đồng, hỗ trợ mua máy cấy, máy thu hoạch lúa.
Phát triển sản xuất rau an toàn tập trung
Đối với việc sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh hỗ trợ các tổ chức (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác) trang trại, hộ gia đình, cá nhân sản xuất rau an toàn quy mô từ 3 ha tập trung trở lên đối với vùng đồng bằng, ven biển hoặc 2 ha tập trung trở lên đối với vùng miền núi, nằm trong vùng sản xuất rau an toàn tập trung của tỉnh.
Nếu như đăng ký sản xuất rau an toàn với các điều kiện như đầu tư dự án đầu tư phát triển rau an toàn và đăng ký tiến độ triển khai dự án được UBND huyện, thị, thành phố chấp thuận; phải đảm bảo hạ tầng sản xuất rau an toàn; đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; có hợp đồng hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm cho vùng sản xuất; kiểm soát chất lượng đủ tiêu chuẩn theo quy định của nhà nước sẽ được hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án.
Ngoài phát triển vùng thâm canh trồng lúa ở miền núi và rau an toàn thì tỉnh Thanh Hóa còn phát triển hỗ trợ việc mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng; hỗ trợ vùng thâm canh cây luồng...
![]() |
Nhiều mô hình được hỗ trợ kinh phí để phục vụ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp |
Hỗ trợ sản xuất tập trung quy mô lớn, GPMB cho Doanh nghiệp
Theo đó, việc hỗ trợ (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác) trang trại, hộ gia đình, cá nhân có dự án đầu tư thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh để sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn khi dự án được UBND tỉnh hoặc UBND huyện chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án cam kết phải sản xuất ít nhất 5 năm; có trụ sở hoặc chi nhánh được cấp giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh tại Thanh Hóa; các nhà đầu tư phải có hợp đồng thuê đất với hộ gia đình, cá nhân...
Ngoài ra, hỗ trợ UBND xã (chủ đầu tư) xây dựng hạ tầng đến chân hàng rào khu trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn xã đã được quy hoạch trong quy hoạch xã nông thôn mới...
Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX liên kết với hộ gia đình, cá nhân để sản xuất và bao tiêu các sản phẩm cây trồng như: khoai tây, ngô ngọt, ngô bao tử, dưa bao tử, dưa xuất khẩu, ớt xuất khẩu, cà chua, hành, tỏi, rau màu...cỏ và các loại làm thức ăn chăn nuôi.
Đối với việc hỗ trợ các cây ngô ngọt, ngô bao tử, dưa bao tử, ớt xuất khẩu.... phải có tối thiểu 10ha liền vùng, liền thửa; đối với các loại cây cà chua, khoai tây, bí xanh...phải có 5 ha liền vùng, liền thửa trở lên.
Về hình thức tổ chức sản xuất phải có hợp đồng liên kết sản xuất hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa hộ gia đình, cá nhân và HTX hoặc doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư chế biến nông, lâm, thủy sản; các cơ sở giết mổ tập trung; các cơ sở sản xuất con giống trên địa bàn tỉnh được bàn giao mặt bằng sạch để xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, nhà kho, hệ thống bể...
Để được hỗ trợ về mặt bằng các dự án thực hiện phải được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, mặt bằng phải phù hợp với đất cấp huyện được UBND tỉnh phê duyệt.
UBND tỉnh cũng bố trí 100% kinh phí để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp để xây dựng cơ sở, nhà xưởng...
Trong đó, việc thực hiện đề án khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa được thực hiện trong vòng 5 năm với nguồn kinh phí từ nguồn sự nghiệp kinh tế phân bổ hàng năm của ngân sách tỉnh.