Thanh Hóa: Chỉ có mấy thửa ruộng bậc thang, sao chàng trai 8X này kiếm ra nửa tỷ mỗi năm?
Dựng nhà sàn bên ruộng bậc thang để làm Homestay, mỗi năm chàng trai trẻ vùng cao Lục Văn Cường (SN 1987, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) đem về thu nhập nửa tỷ đồng.
Chưa từng học qua về du lịch, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lục Văn Cường như bao thanh niên khác ở bản Báng về làm ruộng cùng gia đình. Cho đến khi, tình cờ trong chuyến tham quan mô hình du lịch cộng đồng tại bản Lác (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), thấy mô hình du lịch Homestay tại đây phù hợp, anh quyết định vận động gia đình làm theo.
Bản Báng nơi Cường sinh sống nằm giáp ranh với khu du lịch cộng đồng tại bản Đôn (xã Thành Lâm) và Kho Mường. Cũng giống như bản Đôn, nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu mát mẻ, những ruộng bậc thang đẹp ngỡ ngàng.
Nhận thấy phong cảnh đẹp từ những ruộng bậc thang có thể thu hút du khách, Cường nảy sinh ý tưởng về việc xây dựng nhà sàn truyền thống bên ruộng bậc thang để làm Homestay.
Cường kể, "Du khách đến với Pù Luông trước đây chủ yếu biết đến bản Đôn với cung ruộng bậc thang đẹp. Nhưng ít ai biết ở Thành Sơn này cũng có khung cảnh đẹp tương tự như thế. Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho quê hương tôi khí hậu trong lành, cảnh quan đẹp như thế thì tại sao lại không tìm hướng đi mới để thay đổi…".
Ý tưởng là vậy, nhưng phải khó khăn lắm anh mới thực hiện được giấc mơ của mình. Để giúp con thực hiện ước mơ, bố mẹ Cường đã phải bán đi một mảnh đất lấy tiền cho con khởi nghiệp. Bán đất được 500 triệu đồng, cường mạnh dạn vay thêm bạn bè và ngân hàng khoảng 300 triệu nữa để đủ vốn làm kinh tế.
Với 800 triệu trong tay, chàng thanh niên trẻ xứ Mường bắt tay vào công việc. Ý tưởng về một mô hình du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa vùng đồng bào thiểu số, anh cho xây dựng một nhà sàn truyền thống gần 100m2 bên cạnh những cung ruộng bậc thang của gia đình.
Phía dưới chân nhà sàn anh tự thiết kế vườn hoa, tạo khuôn viên, dựng cảnh để có được không gian đẹp hướng ra những cung ruộng bậc thang đẹp ngỡ ngàng.
Gần 1 năm xây dựng, giữa năm 2018 Homestay Mạnh Cường chính thức đi vào hoạt động. Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm về làm du lịch nên Homestay của gia đình anh không có khách đến lưu trú, nhiều lúc Cường đã có ý định bỏ cuộc sau tháng ngày dài vắng khách.
"Thời kỳ đầu là thời kỳ khủng hoảng đối với tôi, gần 2 tháng ròng rã không có khách đến tham quan, lưu trú. Tiền vay mượn ngân hàng và bạn bè thì lãi suất cứ thế sinh ra khiến tôi suy sụp. Nhiều lúc chán nản chỉ muốn bỏ cuộc", Cường chia sẻ.
Giữa lúc bế tắc, nhờ chiếc điện thoại thông minh, anh lục tìm các trang web rồi tìm cách làm du lịch. Nhận thấy mạng xã hội Facebook, Zalo đang chiếm phần đa số người sử dụng smartphone, Cường nhanh chóng lập fanpage Mạnh Cường Homestay rồi chụp ảnh check in những phong cảnh đẹp trên ruộng bậc thang đến chào đón khách.
Qua mạng xã hội, Homestay của Mạnh Cường được nhiều người biết đến, đặt phòng và tìm đến tham quan rầm rộ. Mỗi dịp mùa vàng trên những cung ruộng bậc thang chín vàng, tại Homestay của anh đón hàng chục lượt khách lưu trú mỗi ngày, đem về thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.
Với giá lưu trú qua đêm 100 nghìn đồng/1 người, 60.000 đồng/1 suất ăn, Homestay của anh được nhiều người đánh giá là phù hợp với du lịch cộng đồng, lại lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo người dân địa phương, Lục Văn Cường là người đầu tiên tại bản Báng làm dịch vụ Homestay. Từ gương điển hình của chàng bí thư chi bộ thôn, đến nay, trên địa bàn bản Báng đã có gần 10 mô hình làm du lịch Homestay như gia đình anh Cường, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Định hướng về tương lai, Cường tâm sự: "Với lượng khách như hiện nay, để phát triển hơn nữa mô hình Homestay thì thời gian tới tôi sẽ nâng cấp lại một hai phòng lưu trú. Nhưng cốt lõi để níu chân du khách thì vẫn phải giữ nguyên bản sắc văn hóa truyền thống. Đây là yếu tố quan trọng được nhiều du khách đến đây cảm nhận và thích thú, ấn tượng nhất.
Theo danviet