Thai phụ 26 tuần tử vong vì cúm, lời cảnh báo không thừa
Chị V. với đủ các thiết bị máy móc hỗ trợ nhưng vẫn không qua khỏi |
Thai phụ tử vong vì cúm
Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai vẫn tiếp nhận các trường hợp cúm biến chứng năng thậm chí có trường hợp chỉ 2, 3 ngày sau cúm đã dẫn đến suy hô hấp và suy đa tạng.
Trường hợp một bệnh nhân N.T.V là thai phụ (31 tuổi, ở Thanh Hóa) dù đã được các y bác sĩ nỗ lực bằng mọi cách cấp cứu nhưng đành “buông tay” vì gia đình xin về. Chị V. chỉ là công nhân ở Thanh Hóa, chị mang thai 26 tuần thì thấy dấu hiệu của cảm cúm. Vì sợ ảnh hưởng tới con nên chị cố chịu không đi bệnh viện khám. Đến khi thấy dấu hiệu khó thở chị mới đi viện thì quá muộn. Sau khi cấp cứu ở tuyến dưới chuyển lên Hà Nội thì bệnh nhân đã bị suy đa phủ tạng nên dù đã sử dụng đến giải pháp dùng ECMO hỗ trợ hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể, cũng không cứu được.
Song thai 26 tuần sảy và bác sĩ hi vọng có thể cứu được mẹ nhưng tất cả đều vô vọng. Giáo sư Nguyễn Gia Bình – nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh nhân vào viện đã suy đa tạng dù ECMO hỗ trợ nhưng chỉ có 5 % cơ hội sống trong khi đó điều kiện gia đình khó khăn. Dù có BHYT hỗ trợ nhưng chi phí lọc máu quá lớn, tiên lượng dè dặt và người nhà bệnh nhân đã quyết định xin cho bệnh nhân về.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thế Anh, Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bạch Mai: “Trường hợp này rất đáng tiếc, bởi bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh cúm trước đó, nhưng vì thai phụ chủ quan, cố ở nhà không đến viện. Chỉ đến khi diễn tiến bệnh nặng, suy hô hấp, gia đình mới đưa đến cấp cứu. Lúc đó đã rất muộn, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sức khỏe nguy kịch”.
Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị cúm gây ho khan, sổ mũi, nhức đầu, đau mình mẩy, nhưng chỉ 2-3 ngày sau, bệnh nhân sốt và khó thở. Có bệnh nhân chưa kịp đến viện đã bị sốc nhiễm khuẩn, sốc tim và khi vào viện chi phí điều trị khó khăn, tốn kém, thậm chí tử vong.
Mặc dù hiện nay có các kỹ thuật mới cứu người bệnh như kỹ thuật lọc máu hiện đại, kỹ thuật ECMO nhưng GS. Nguyễn Gia Bình cho rằng mọi người cũng không được coi thường bệnh cúm.
Ám ảnh mùa lễ hội
Giáo sư Bình cho biết năm nào vào mùa lễ hội cũng khiến ông lo sợ dịch cúm vì cúm rất dễ lây nó có trong không khí, càng nơi đông người càng tăng nguy cơ lây cúm và chỉ một con vi khuẩn cũng đủ đánh bại cả người vài chục kg.
Trường hợp của bệnh nhân N.T.L 25 tuổi, Phú Thọ cũng chỉ bị cúm với dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi và đến hôm sau thì L. bị đau thắt ngực đưa vào bệnh viện tuyến dưới bác sĩ phải cấp cứu với dấu hiệu của viêm cơ tim cấp. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy tuần hoàn. Theo bác sĩ Thế Anh, nếu chỉ đặt máy chậm một giờ, bệnh nhân này có thể đã đối mặt với nguy cơ tử vong. Trước khi nhập viện, bệnh nhân có đầy đủ dấu hiệu của bệnh cúm, và đã tự ý mua thuốc cảm cúm tại hiệu thuốc để sử dụng. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, chị A. cảm thấy đau tức ngực, khó thở, gia đình vội đưa đi cấp cứu và được chẩn đoán sốc tim do vi rút cúm gây nên.
Giáo sư Bình cho biết cách phòng bệnh tốt nhất đó là tránh xa nơi đông người, những lễ hội tụ tập đông người thì nguy cơ mắc vi rút cúm càng cao. Nếu phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang phòng bệnh. Có thể tiêm phòng cúm tuy nhiên có nhiều chủng vi rút khác nhau nên việc tiêm phòng cũng chỉ hỗ trợ với những người suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính.
GS Bình nhấn mạnh khi gặp các triệu chứng lâm sàng của cúm như sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan… đến ngày thứ 2-3 bệnh nhân thấy mệt hơn hoặc khó thở thì hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để khám để tránh biến chứng của bệnh sớm nhất thay vì cố chịu ở nhà như trường hợp của chị V.