Tàu ngầm Kilo và đòn tập kích trên Biển Đông
Đây là tàu ngầm thứ 5 trong số 6 chiếc được Việt Nam đặt mua của Nga theo hợp đồng được ký năm 2009. Trước đó, ngày 17/12/2015, chiếc tàu ngầm diesel-điện Kilo thứ 5 của Việt Nam đã khởi hành từ thành phố St. Petersburg lên đường trở về cảng Cam Ranh.
Tàu ngầm lớp Kilo trong biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam |
Tàu ngầm 186 Đà Nẵng là tàu thứ hai được Nga chuyển giao cho Việt Nam trong năm 2015. Hồi tháng 7/2015 vừa qua, tàu Kilo 185 Khánh Hòa cũng đã cập cảng Cam Ranh an toàn. Trong năm 2013 và 2014, ba chiếc tàu ngầm Kilo 182 Hà Nội, 183 TP Hồ Chí Minh, 184 Hải Phòng lần lượt được đưa về Việt Nam.
Hợp đồng mua bán 6 tàu ngầm diesel-điện đề án 636.1 "Varshavyanka" (tàu ngầm Kilo được NATO gọi là "hố đen đại dương") được ký kết vào năm 2009 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Moscow. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tàu ngầm Hải quân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong tác chiến trên biển, có sức mạnh răn đe lớn.
Tàu Rolldock Star chở tàu ngầm Kilo về Cam Ranh. |
Chính vì vậy, năm 1996, Trung đoàn tàu ngầm 196 được thành lập với trang bị chính là các tàu ngầm loại nhỏ. Hiện nay, các lực lượng mới (tàu ngầm, không quân hải quân, tàu mặt nước, đặc công hải quân…) của Quân chủng đã và đang được xây dựng phát triển, đưa vào biên chế trong đội hình sẵn sàng chiến đấu, trong đó lực lượng tàu ngầm Hải quân được xác định là lực lượng nòng cốt trong tác chiến trên biển.
Với việc xây dựng, phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại của Hải quân, Lữ đoàn 189 tàu ngầm được thành lập và trang bị 6 tàu ngầm lớp Kilo 636 do Nga sản xuất (Việt Nam đã đưa vào hoạt 4 chiếc), cùng với hệ thống các cơ sở đảm bảo toàn diện.
Tàu ngầm với khả năng hoạt động bí mật, bất ngờ tiến công và giành thắng lợi trước lực lượng của địch mạnh hơn; khả năng tác chiến toàn diện… là lực lượng có sức mạnh răn đe lớn với đối phương cả trong thời bình và thời chiến, tạo ra sự nguy hiểm ngầm thường xuyên trên biển, mang đến cho địch sự đe dọa ở mọi lúc, mọi nơi trên chiến trường biển và đại dương.
Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân khẳng định, lực lượng tàu ngầm của Quân chủng được thành lập với hệ thống chỉ huy chặt chẽ từ Sở chỉ huy Quân chủng, các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh đến đơn vị Lữ đoàn tàu ngầm và hệ thống các cơ sở bảo đảm khép kín.
Những chiếc tàu ngầm Kilo-636 sau khi tiếp nhận, Quân chủng đã nhanh chóng tổ chức huấn luyện, trong thời gian thời gian ngắn đã hoàn thành xuất sắc mọi khoa mục huấn luyện, các chuyến đi biển an toàn, vận hành tàu với các thông số đạt và vượt tính năng.
Bốn tàu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Khánh Hòa đã chính thức biên chế vào đội hình sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, song song với quá trình tiếp nhận, huấn luyện chuyển giao, huấn luyện làm chủ các tàu ngầm, theo Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Quân chủng đã triển khai đồng bộ các công tác bảo đảm cho lực lượng tàu ngầm, xây dựng hệ thống Cơ sở bờ, Trung tâm huấn luyện tàu ngầm, các kho trạm đảm bảo hậu cần, kỹ thuật hiện đại đồng bộ phục vụ tốt nhất cho mọi hoạt động của tàu ngầm hiện tại và những năm tiếp theo.
Xây dựng lực lượng tàu ngầm cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xây dựng Quân chủng Hải quân hiện đại.
Trong đó, xây dựng lực lượng tàu ngầm cách mạng là nền tảng; xây dựng chính quy là động lực; nâng cao trình độ tinh nhuệ về tác chiến là then chốt; từng bước làm chủ và không ngừng hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật là trọng tâm.
“Tuyệt đối hóa hay hạ thấp bất cứ nội dung nào cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc củng cố, tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng tàu ngầm. Coi trọng và thực hiện đồng bộ cả bốn yếu tố đó chính là cơ sở bảo đảm cho lực lượng tàu ngầm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới”- Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam- Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân nhấn mạnh.
Nguồn: Baodatviet.vn