Tàu ngầm Kazan - vũ khí 'tối thượng' để Nga thay đổi cuộc chơi với Mỹ
Tàu ngầm Kazan mới vào biên chế của Nga được đánh giá là có sức mạnh “vô đối” và là vũ khí để Nga thay đổi cuộc chơi hạt nhân với Mỹ.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 7/5 thông báo tàu ngầm hạt nhân Kazan của Nga đã chính thức được biên chế cho Hạm đội Phương Bắc. Đây là tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên trên thế giới được trang bị tên lửa vượt siêu thanh.
Các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng, động thái của Nga đã mở rộng việc sử dụng vũ khí siêu thanh sang một không gian khác. Đưa vũ khí siêu thanh lên tàu ngầm hạt nhân, điều này sẽ tạo thêm biến số gì cho cuộc chơi giữa các cường quốc?
Tàu ngầm Kazan type 885M mới đưa vào biên chế của Nga. Nguồn: people.com.cn. |
Theo đuổi điều tối thượng, bậc thầy của công nghệ tàu ngầm Nga
Tàu ngầm hạt nhân vừa được biên chế lần này là tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng thế hệ thứ tư mới nhất của Nga có khả năng mang nhiều loại tên lửa khác nhau. Nó là phiên bản cải tiến của tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Yasen, tức là tàu ngầm hạt nhân tấn công type 885M.
Ngay từ những năm 1980, Hải quân Liên Xô đã bắt đầu phát triển tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ thứ tư, đòi hỏi các thông số kỹ chiến thuật của nó phải cao hơn nhiều so với tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ thứ ba type 971.
Năm 2013, chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 885 đầu tiên là tàu ngầm hạt nhân tấn công Severodvinsk được biên chế cho Hải quân Nga, tính ưu việt của nó đã làm Mỹ và NATO phải “sửng sốt”.
Hải quân Nga cho rằng, tàu ngầm hạt nhân tấn công type 885 vẫn còn nhiều không gian có thể cải tiến được, nên sau khi đóng chiếc tàu đầu tiên "Severodvinsk, Nga đã ngừng chế tạo và chuyển sang phát triển tàu ngầm hạt nhân tấn công type 885M tiên tiến hơn. Con tàu đầu tiên "Kazan" bắt đầu được đóng vào năm 2009, hạ thủy vào tháng 3/2017 và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 7/5/2021.
"Kazan" áp dụng những thành tựu công nghệ của ngành công nghiệp tàu ngầm Nga trong thế kỷ mới, và hiệu suất tổng thể của nó được cải thiện rất nhiều so với loại 885. Đặc biệt, nó được trang bị tên lửa tấn công vượt siêu thanh Zircon, đồng thời có thể được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr, có thể tấn công các mục tiêu quan trọng nằm sâu dưới đáy đại dương từ vùng biển ven bờ của Nga.
“Quái vật”xuất hiện làm lu mờ những “gã khổng lồ kỳ cựu”
885M là thế hệ tàu ngầm mới nhất trên thế giới và hoàn toàn đánh bại tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia của Mỹ về mặt thông số kỹ thuât. Tàu ngầm này có khả năng tác chiến đa dạng hơn, ở cả biển sâu và ngoài khơi với mức tiếng ồn gần như bằng 0.
Xét về độ sâu lặn sâu, tàu ngầm hạt nhân 885M có khả năng che giấu và sống sót vượt trội hơn so với tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia. Vỏ tàu 885M được làm bằng vật liệu mới (hợp kim titan) để tăng khả năng chịu tải áp lực.
Độ sâu lặn tối đa của nó có thể đạt 800 mét, trong khi độ sâu lặn tối đa của lớp Virginia là dưới 500 mét. Ở độ sâu 800 mét, tàu ngầm sẽ trở nên khó theo dõi và định vị chính xác hơn.
Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ. Nguồn: people.com.cn. |
Đặc biệt, theo lý thuyết, cứ xuống 100 mét, thì khả năng tàu nổi phát hiện tàu ngầm thông qua bức xạ tiếng ồn sẽ giảm 10 decibel, điều này có nghĩa là khả năng phát hiện của tàu nổi sẽ giảm khoảng 16% và khả năng tấn công của vũ khí chống ngầm sẽ giảm khoảng 22% khi tàu Kazan hoạt động ở độ sâu 800 mét.
Dưới góc độ hệ thống vũ khí, tàu ngầm hạt nhân 885M nhỉnh hơn một chút so với tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia. Tàu ngầm hạt nhân 885M có tải trọng vũ khí tối đa là 60 quả tên lửa, có 8 bệ phóng tên lửa đa năng, có thể mang theo 24 tên lửa SS-N-26.
Khi thực hiện các cuộc tấn công vào mục tiêu đối đất, tàu ngầm có thể sử dụng tên lửa RK-55 (SS-N-21) hoặc tên lửa 3M-14 (SS-N-27). Ống phóng ngư lôi cũng có thể mang và phóng Tên lửa 3M-54 Club. Tàu type 885M được trang bị 4 ống phóng ngư lôi thủy lực cân bằng đa năng 650 mm ở mạn trái và mạn phải.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ chỉ có 12 ống phóng thẳng đứng tên lửa và 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, tính linh hoạt không bằng loại 885M, tốc độ nạp đạn cũng chậm hơn, ngoài ra còn có các tên lửa chống hạm.
Nó mang theo là loại tên lửa như tên lửa Harpoon và tên lửa chống hạm Tomahawk với tốc độ cận âm và khả năng xuyên phá thấp, chỉ có loại ngư lôi MK48 mà nó mang theo có thể so sánh với ngư lôi loại 65 của Nga. Nhìn chung, hệ thống vũ khí của tàu ngầm hạt nhân 885M mạnh hơn tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia.
Xét về hệ thống động lực và sức bền, tàu ngầm hạt nhân 885M cũng vượt trội hơn hẳn so với tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia. Khả năng tự duy trì của tàu ngầm hạt nhân 885M khoảng 100 đến 120 ngày. Nó sử dụng lò phản ứng nước tích hợp VM/ KTP-6 thế hệ mới, có thể cung cấp công suất 50.000 mã lực.
Chu kỳ thay thế nhiên liệu hạt nhân của lò phản ứng chừng 25 - 30 năm, gần bằng tuổi thọ của thân tàu. Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia có khả năng tự duy trì trong khoảng 90 ngày, được trang bị lò phản ứng nước điều áp S9G với công suất là 40.000 mã lực, tuổi thọ nhiên liệu hơn 30 năm, hầu như không phải thay thế trong toàn bộ chu kỳ phục vụ của tàu ngầm hạt nhân. Từ góc độ chu kỳ thay thế nhiên liệu hạt nhân, các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia tốt hơn, nhưng từ quan điểm về khả năng tự duy trì, sức bền thì 885M mạnh hơn.
Vũ khí hạng nặng có thể làm “câm lặng” sức mạnh quân sự của cường quốc
Theo kế hoạch, Hải quân Nga sẽ đóng 8 tàu ngầm hạt nhân tấn công type 885M, chúng sẽ được chuyển giao vào năm 2027-2028. Các chuyên gia quân sự cho rằng, tàu ngầm hạt nhân tấn công type 885M sẽ trở thành trụ cột trong các hoạt động dưới nước của Nga sau năm 2030, bảo vệ lợi ích quốc gia và vị thế cường quốc của Nga.
Tàu ngầm hạt nhân type 885M đã tăng cường hiệu quả khả năng tấn công của Nga trên quy mô toàn cầu. Các nhà phân tích quốc phòng Mỹ và NATO tin rằng, tàu ngầm hạt nhân tấn công type 885M của Nga sử dụng tên lửa hành trình tầm xa Kalibr đủ để bao phủ toàn bộ Bán đảo Scandinavia, Bắc Âu và Iceland.
Nó cũng có thể “lặng lẽ” đi ra ngoài Bắc Đại Tây Dương và mở rộng phạm vi tấn công tới bờ biển phía đông của Mỹ, vốn được coi là khu vực an toàn cho các tàu của Mỹ. Ngoài ra, sự ra đời của tên lửa tấn công vượt siêu thanh Zircon sẽ nâng cao hơn nữa khả năng tấn công của tàu ngầm hạt nhân tấn công 885M.
Hiện tại, hệ thống phòng không và chống tên lửa của Mỹ triển khai ở châu Âu không thể đánh chặn những tên lửa như vậy.
Tại sao Mỹ trang bị ‘sát thủ mặt nước’ NSM cho tàu chiến ven bờ?
Mỹ đã chính thức công bố kế hoạch trang bị siêu tên lửa diệt hạm NSM cho các tàu chiến đấu ven biển.
Đức Trí (lược dịch)