“Tàu ma” của Mỹ đã vượt qua cuộc kiểm tra quan trọng
Làm cách nào để bạn có thể theo dõi các tàu ngầm đang ngày càng bí mật hơn? Đối với quân đội Mỹ, câu trả lời là một loại tàu tự động để theo dõi chúng từ trên mặt nước.
Năm 2010, Cơ quan Nghiên cứu Dự án Phòng thủ tiên tiến của Mỹ (DARPA) đã công bố họ đang chế tạo một con tàu tự động dài 40m để theo dõi các tàu ngầm chạy bằng diesel của đối phương. Chương trình này được tên là Tàu Do thám Chống tàu ngầm Không người lái (ACTUV).
Minh họa tàu ACTUV của DARPA. |
Đầu năm nay, thiết bị này đã vượt qua một cuộc kiểm tra quan trọng và đang tiến gần hơn tới việc được đưa vào hoạt động. Nhiều khả năng nó sẽ không chỉ thay đổi bộ mặt của hải chiến, mà còn cả cách con người, tàu chiến và các hệ thống tự động liên lạc trên biển.
Trong 6 tuần kiểm tra trên một vùng biển dài 35 hải lý gần cửa sông Mississippi, các kỹ sư của công ty Leidos và DARPA đã cho ACTUV hoạt động trong 100 điều kiện khác nhau. Con thuyền thử nghiệm, chỉ được trang bị với các linh kiện rađa, một hải đồ kỹ thuật số và vài phần mềm chức năng khác, đã có thể tự mình hoàn thành một hành trình dài mà không đâm vào đá ngầm, mắc cạn ở vùng nước nông hay va vào những con tàu khác. Trong tương lai, con thuyền sẽ phải theo dõi một mục tiêu cụ thể ở khoảng cách 1km.
Quan trọng hơn cả, cuộc thử nghiệm cho thấy con tàu tự động này có thể tự thực hiện một nhiệm vụ quân sự khó khăn mà không vi phạm luật vùng biển theo Công ước về Các quy định quốc tế về Đâm va trên biển (COLREG). Chúng cũng chứng minh rằng các loại robot lớn có thể di chuyển trên vùng biển rộng cùng với các tàu chiến. Thử nghiệm tiếp theo của ACTUV sẽ có nội dung tương tự, nhưng với các “tàu địch” có ý định ngăn chặn nó. Trong tương lai, hải quân sẽ gồm toàn những con tàu tự động không bao giờ cập bến.
Phát biểu tại Sự kiện Hiệp hội Quốc phòng tại bang Virginia (Mỹ), giám đóc chương trình này của DARPA là ông Ellison Urban nói về lý do vì sao Hải quân cần các loại robot săn tìm tàu ngầm. Tàu ngầm diesel có động cơ gần như không gây ra tiếng động khiến chúng rất khó theo dõi từ xa. Chúng có giá thành tương đối rẻ với chỉ từ 200 đến 300 triệu USD một chiếc, do đó có thể được những nước như Iran mua về. Hiện nay Iran được cho là có một hạm đội tàu ngầm diesel gồm 17 chiếc.
“Thay vì đuổi theo các loại tàu này và theo dõi bằng các tàu ngầm hạt nhân đắt tiền như chúng ta đang làm, chúng tôi muốn thử chế tạo thiết bị này với giá rẻ hơn rất nhiều. Nó sẽ có thể tự vượt một quãng đường dài hàng ngàn km trên các đại dương và có thể hoạt động nhiều tháng. Nó có thể tìm kiếm một tàu ngầm đối phương và thông báo vị trí của nó”, ông Urban nói.
Leidos hiện đang hoàn thành chế tạo phiên bản thử nghiệm của ACTUV, có tên là Sea Hunter, dự kiến sẽ được tung ra vào mùa thu này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo trang tin công nghệ quốc phòng Defense One của Mỹ. Defense One chuyên cung cấp tin tức, các bài phân tích về các chủ đề và xu hướng sẽ định hình tương lai của quốc phòng và an ninh quốc gia Mỹ.