Tàu chỉ huy hải quân Mỹ tiến vào biển Baltic làm gì?
Tàu chỉ huy của hải quân Mỹ USS Mount Whitney tiến vào Biển Baltic |
Con tàu sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Baltops (Baltic Operations) 2019, sẽ được tổ chức từ ngày 9 đến 21/6 tại Biển Baltic.
Tổng cộng có 18 quốc gia thành viên NATO và các đối tác của Liên minh quân sự này sẽ tham gia tập cuộc tập trận trên. Và khoảng 12.000 binh sĩ, 44 tàu chiến và hơn 40 máy bay và trực thăng các loại.
Trong khuôn khổ cuộc tập trận hải quân Baltops 2019, NATO lên kế hoạch thực hiện các hoạt động đổ bộ, triển khai các hoạt động phòng không và chiến đấu chống lại lực lượng tàu nổi và tàu ngầm của một kẻ thù tiềm tàng. Cuộc tập trận Baltops 2019 sẽ được tổ chức ở phía Nam Biển Baltic và gần bờ biển Đức, Ba Lan, Latvia, Litva, Thụy Điển và Đan Mạch.
Tàu khu trục Tethys của Đan Mạch |
Trước đó, một nhóm tàu chiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do tàu khu trục Tethys của Đan Mạch dẫn đầu đã tiến vào biển Baltic. Thông tin này được xác nhận thông qua dữ liệu tài nguyên giám sát Intel Ska & Air.
Cụ thể, tàu khu trục Đan Mạch cùng với nhóm tàu quét mìn của 4 nước gồm Hà Lan, Bỉ, Na Uy và Đức đã tiến vào biển Baltic.
Dữ liệu của Cơ quan MarineTraffic cho hay nhóm tàu này đã đi qua Eo biển Öresund vào tối 1/5. Hiện các tàu này đang ở gần đảo Bornholm của Đan Mạch.
Hôm 18/4, nhóm tàu NATO do tàu khu trục hạm Gravely của Mỹ dẫn đầu, cũng như các tàu khu trục Pulaski của Hải quân Ba Lan, tàu Gekova của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và tàu Juan de Borbon của Hải quân Tây Ban Nha đã tiến vào biển Baltic. Quân đội Nga đã theo dõi chặt chẽ hoạt động này.
Tàu chiến Mỹ |
USS Mount Whitney - loại tàu chỉ huy lớp Blue Ridge. Tàu này có thể truyền và nhận một lượng lớn dữ liệu được bảo vệ đến bất kỳ điểm nào trên Trái đất thông qua các kênh liên lạc khác nhau. Tàu được đưa vào hoạt động từ tháng 1/971, được trang bị nhiều khẩu pháo cỡ nòng nhỏ, súng máy…
Trong những năm gần đây, Nga đã tuyên bố hoạt động chưa từng có của NATO tại biên giới phía Tây nước này. Liên minh NATO mở rộng các sáng kiến và gọi đó là nhằm "ngăn chặn sự xâm lược của Nga".
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga – ông Dmitry Peskov cho biết trước đó rằng Moscow không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai, nhưng sẽ không coi thường các hành động có thể gây nguy hiểm cho lợi ích quốc gia của Nga. Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga - Valery Gerasimov cũng kêu gọi NATO ngừng hoạt động quân sự ở biên giới nước này để giảm căng thẳng.