Tăng cường đảm bảo ATGT dịp Tết và Lễ hội xuân 2023
Tăng cường giải pháp chống ùn tắc giao thông cuối năm
Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an về nâng cao hiệu quả công tác, kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội dịp Tết và các Lễ hội đầu Xuân 2023, lực lượng CSGT sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, phòng ngừa, giải quyết cơ bản tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn các thành phố lớn.
Bố trí lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm trật tự ATGT, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên toàn địa bàn, nhất là Hà Nội, Tp.HCM và các tuyến cửa ngõ ra, vào thành phố.
Theo đó, Công an các địa phương cần chỉ đạo tổ chức tốt công tác nắm chắc tình hình đặc điểm, hoạt động giao thông trên tuyến, địa bàn phụ trách, tính chất, đặc thù về tình hình giao thông trong các giờ cao điểm, các ngày nghỉ, lễ, tết để bố trí lực lượng trên tuyến, tại các điểm phức tạp về trật tự ATGT.
Đối với các địa phương giáp ranh, địa phương trên các tuyến đường hướng về Hà Nội, Tp.HCM , các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT thực hiện công tác phân luồng giao thông từ sớm, từ xa theo nội dung tại phương án của Cục CSGT.
Vào các khung giờ cao điểm hàng ngày (từ 6h - 9h và 16h - 19h30), phải bố trí lực lượng, phương tiện trực chốt thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực địa bàn giáp ranh và các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông để làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông; phối hợp trao đổi thông tin, thực hiện phân luồng giao thông từ xa, hạn chế tối đa phương tiện có tải trọng lớn di chuyển vào khu vực nội đô thành phố; việc bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chỉ huy, phân luồng giao thông phải phù hợp với đặc điểm tuyến, địa bàn đối với từng thời gian cao điểm trong ngày (quy luật ùn tắc giao thông trên từng tuyến đường, chiều đường tương ứng với từng khoảng thời gian trong ngày; chủng loại xe, đối tượng di chuyển là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông; địa điểm trụ sở các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học, khu công nghiệp trên địa bàn có lượng người tham gia giao thông đến và đi đông gây ùn tắc giao thông...).
Đối với Hà Nội và Tp.HCM thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch, đặc biệt hoạt động tuần tra kiểm soát lưu động bằng mô tô trên các tuyến đường, các tuyến cửa ngõ ra, vào thành phố để kịp thời phát hiện, giải quyết các vụ việc, các điểm tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông; bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với Phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn; Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT và Phòng CSGT Công an các địa phương giáp ranh thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình giao thông tại khu vực các cửa ngõ và trên tuyến đường hướng vào thành phố để triển khai phân luồng giao thông từ sớm, từ xa theo nội dung tại phương án của Cục CSGT.
8 nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo ATGT dịp Tết và lễ hội xuân 2023
Mới đây, Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong những tháng cuối năm 2022, cùng với việc kiểm soát thành công đại dịch Covid -19, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu vận tải và hoạt động giao thông, tạo áp lực lớn cho công tác đảm bảo trật tự ATGT, đặc biệt dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội mùa xuân 2023.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân và người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, tuân thủ hiệu lệnh và hướng dẫn của lực lượng chức năng; chủ động tham gia giao thông an toàn và thực hiện "Đã uống rượu, bia- không lái xe"; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội MBH đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; phòng tránh tai nạn đường ngang đường sắt và đường thuỷ nội địa…
Phối hợp với cơ quan truyền thông ở trung ương và địa phương, cập nhật kịp thời tình hình TNGT, ùn tắc giao thông, nhất là các tuyến giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các khu vực tổ chức các sự kiện, lễ hội; công bố thông tin cụ thể về phương án tổ chức, phân luồng giao thông, phương án tổ chức giao thông phục vụ các dự án có sử dụng lòng, lề đường, kế hoạch phục vụ vận tải; Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương công bố và phân công người có thẩm quyền trực số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự ATGT.
Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử phạt các hành vi: Điều khiển phương tiện vi phạm quy định về tốc độ; nồng độ cồn, ma tuý; đi không đúng phần đường, làn đường; dừng, đỗ trái phép; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy, không mặc áo phao khi đi đò, phương tiện thuỷ...; Chủ động ngăn chặn các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng, cương quyết trấn áp mọi hành vi chống người thi hành công vụ. Kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; ATGT tại bến khách ngang sông, bến tàu khách du lịch, các tuyến, luồng đường thuỷ, nhất là các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo, các tuyến sông và vùng nước có tổ chức lễ hội.
Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm ATGT và phường dịch Covid-19, tăng cường nhân lực, phương tiện trong khu vực cảng hàng không để thực hiện nhanh nhất công tác soi chiếu an ninh, trả hành lý cho hành khách, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến, không để hành khách về quê ăn Tết chậm do thiếu phương tiện; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan tới tình trạng xe dù, bến cóc, hành vi tăng giá vé trái quy định.
Bảo Khánh