Hà Nội: Phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc mới trong năm 2022
Mới đây, sau khi nhận nhiệm vụ hơn 1 tháng, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã có buổi trao đổi với báo chí về những "điểm nóng" của bức tranh giao thông Thủ đô và những việc sẽ làm ngay trong dịp Tết này.
Theo đó, Hà Nội có 35 điểm ùn tắc, năm 2022 ngành giao thông đã giải quyết được 8 điểm nhưng lại phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc mới.
“Thành phố hiện có 10 triệu dân nhưng đã có tới 7,7 triệu phương tiện xe cá nhân; tốc độ gia tăng ôtô cá nhân rất nhanh khi Hà Nội đã có 1 triệu ôtô. Riêng năm 2022 phương tiện mới đăng ký thêm khoảng 350.000 xe khiến lưu lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng rất nhanh chóng"- ông Thường nói.
Với tốc độ gia tăng phương tiện nhanh chóng, thành phố rất quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nhưng nguồn vốn đầu tư công mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu.
Từ đó, Sở GTVT Hà Nội đã tái thành lập Tổ công tác liên ngành về tổ chức giao thông và chống ùn tắc giao thông, họp vào thứ 5 hàng tuần để lắng nghe các kết quả khảo sát thực địa, đánh giá tình hình tổ chức giao thông.
"Chúng tôi xem xét về từng điểm ùn tắc giao thông mỗi tuần, đặt ra mục tiêu mỗi tuần sẽ xử lý dứt điểm được các điểm ùn tắc nào, đánh giá hiệu quả thực hiện ra sao… Đối với những dự án, địa điểm, hành lang có lưu lượng giao thông lớn, gây bức xúc dân sinh thì phải có tư vấn, đếm xe, áp dụng phần mềm mô phỏng giao thông để có cơ sở khoa học, thực tiễn", Giám đốc Sở GTVT nói.
Theo ông Thường, trong những ngày cuối năm, lưu lượng phương tiện tăng rất cao, hàng loạt công trình mang tính trọng điểm của thành phố được yêu cầu khởi công và triển khai thực hiện.
Từ đó, Sở GTVT Hà Nội đã tham mưu để thành phố triển khai các dự án đầu tư công liên quan đến ngành GTVT.
Từ đầu năm 2022 tới nay, Sở GTVT đã thẩm định 250 hồ sơ dự án, cho ý kiến quy hoạch chuyên ngành với 359 hồ sơ, tiếp nhận bàn giao 85 hồ sơ nghiệm thu.
Trước Tết, Sở GTVT Hà Nội sẽ thẩm định, chuẩn bị đưa dự án đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở vào hoạt động.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục báo cáo thành phố đầu tư thêm vào hạ tầng giao thông, "thông thêm những tuyến vành đai, trục hướng tâm, những yếu tố này giúp hệ thống giao thông thông suốt hơn" bởi tổ chức giao thông chỉ là cái ngọn, xuất phát điểm phải từ quy hoạch, sử dụng đất đai, phân bổ dân cư…
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục báo cáo thành phố đầu tư thêm cho hạ tầng giao thông, "thông thêm những tuyến vành đai, trục hướng tâm giúp hệ thống giao thông thông suốt hơn" bởi tổ chức giao thông chỉ là cái ngọn, xuất phát điểm là quy hoạch, sử dụng đất, phân bổ dân cư,…
Thành phố 10 triệu dân không thể không có metro. Tuyến metro Cát Linh- Hà Đông đến nay đã đạt 7,3 triệu hành khách, quan trọng hơn đã tạo ra văn hóa giao thông mới, loại hình giao thông mới. Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đang chạy thử, hi vọng năm 2023 được đưa vào vận hành tuyến trên cao.
Theo quy hoạch, Hà Nội có 10 tuyến metro, tổng chiều dài khoảng 413km, nhưng đầu tư rất tốn kém, suất đầu tư khoảng 100 triệu USD/km. Kêu gọi đầu tư, sử dụng nguồn vốn ODA, PPP,… cũng là vấn đề rất lớn, chưa kể việc phải tập trung làm dự án vành đai 4", Giám đốc Sở GTVT nói.
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thành phố Hà Nội được Quốc hội đồng ý cho triển khai dự án đường vành đai 4 Thủ đô. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, đi qua 3 tỉnh thành. Vì thế, trách nhiệm của ngành giao thông Hà Nội là rất lớn.
Bảo Khánh