Tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái dịp Tết
Ngày 16/12, tại Hà Nội, Báo Công Thương đã tổ chức Toạ đàm “Cao điểm chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng”.
Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần, bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường trong nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, sau khi kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại bình thường, thì tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lại có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới, vùng biển, hàng không và địa bàn nội địa với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn.
Ông Tuấn dẫn số liệu thống kê cho thấy, tại 13 tỉnh (Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang) đã ghi nhận 15.631 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các mặt hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là hàng tiêu dùng, thiết yếu.
Các lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 11.478 vụ, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2021. Các địa phương đã khởi tố 2.764 vụ án hình sự, tăng 450% so với cùng kỳ năm 2021, với 3.268 đối tượng, tăng 780% so với cùng kỳ năm 2021; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 429,3 tỷ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Các thủ đoạn buôn lâu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi khó lường, tập trung vào một số hành vi như: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước…
Đồng quan điểm rằng lợi dụng thời điểm cuối năm, khi nhu cầu mua sắm của doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng cao, các hoạt động buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hết sức phức tạp, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết thêm: “Hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái thời gian gần đây không chỉ ở môi trường kinh doanh trực tiếp mà còn gia tăng vi phạm cả trên ứng dụng mạng xã hội, thương mại điện tử”.
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch số 10 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đó, Tổng cục đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường trong đợt cao điểm; tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025
Liên quan tới các giải pháp phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Minh Tuấn khuyến nghị: Các địa phương cần chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh.
Cùng với đó, thành lập các đoàn công tác liên ngành triển khai nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng đơn vị, địa phương tổ chức đấu tranh hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, không chỉ hạn chế tội phạm buôn bán hàng giả, mà cần xử lý cả tội phạm trốn thuế, lừa đảo... Muốn làm được việc này, cần phải có sự phối hợp kiểm soát chặt chẽ hàng hoá từ khâu sản xuất, trung gian đến người tiêu dùng.
Anh Duy