Tâm tư cô giáo mầm non khi nghe tin lương 20triệu/ tháng khiến dân mạng thấu cảm, sẻ chia
Mới đây, một bài đăng của cô giáo trẻ đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Bài viết có phần hài hước nhưng cũng ẩn giấu những tâm tư ngậm ngùi, tủi thân và cả xót xa của cô giáo mầm non.
Bức ảnh chụp lại thu nhập của cô giáo mầm non và bài đăng đã thu hút gần 10.000 lượt bày tỏ cảm xúc, bình luận và chia sẻ trên mạng xã hội |
Bài đăng của cô giáo Thu Hà, giáo viên mầm non ở Thành phố Hồ Chí Minh đang thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng. Chúng tôi xin chia sẻ nội dung bài đăng như sau:
“LƯƠNG GIÁO VIÊN MẦM NON 20 TRIỆU 1 THÁNG”
Đấy là tôi nghe ở đâu nói thế chứ lương giáo viên tèn tèn chỉ 8tr cao nhất đổ xuống nha.
Nhân dịp ngày thớ 7 cuối tuần Review cho mọi người biết sơ sơ về công việc mấy cô mầm non hàng ngày làm việc “nhàn” thế nào nè.
6h20 đến trường: lau dọn vệ sinh chuẩn bị đón trẻ dần dần.
7h trẻ vô, bé đến trước ăn trước đến sau ăn sau. Mà bỏ qua mấy công đoạn chi tiết đi. Kể luôn nè.
Lớp lớn đỡ nha, như tôi làm lớp nhà trẻ (12-36 tháng) công việc chủ yếu cho ăn, dọn ói và dọn vệ sinh.
Vui lắm, sáng bảnh mắt con chưa ăn gì phụ huynh ở nhà cho con uống hộp sữa đã (sợ lên trường con không được cho ăn). 7h lên lớp chưa kịp ăn đã phun hết vô người cô đã (xong cả ngày cô chua lòm luôn).
Có mấy bé thì phụ huynh 8:30 mới cho đi học. Giờ đó ăn sáng gì nữa. Vì học xíu 10h ăn trưa. Không cho ăn thì bị phụ huynh phản ánh “Các cô không thương bé, cắt khẩu phần ăn, rồi kêu ca đóng tiền đầy đủ không cho ăn sáng".
Mà dặn cho đi học sớm để ăn sáng thì “Oh no, oh no, oh no no no no no". Bày đủ lí do hôm mẹ ngủ quên, hôm con ngủ trễ rồi sáng không chịu dậy đi học...
Lớp mười mấy 2 chục đứa chỉ có 2 cô làm. Quay vần nhiều khi không kịp thở, không kịp uống nước luôn.
Cả ngày chỉ nghe “Cô ơi bạn đánh con”; “Cô ơi bạn cắn con”; “Cô ơi bạn lấy đồ chơi của con”; “Cô ơi nước đái”; “Cô ơi, cô ơi...đi đái”; Có khi “cô ơi, cô Hà ơi... xong không nói gì”. Một ngày sẽ đủ kiểu kêu “Cô ơi”.
Bé nào bị bạn cắn hay bạn cào cấu là xong luôn, phụ huynh dễ còn đỡ, gặp phụ huynh khó là xác định bị giận dù cô có cúi mình xin lỗi en nờ lần, và họ sẽ nghĩ “cô coi con không cẩn thận nên con mới bị cắn”.
Áp lực đè lên đầu khi phụ huynh soi camera cả ngày, có người còn gắn cam vô tivi xong bật cả ngày vậy cho ông bà ở nhà ngó cháu cơ. Nhiều khi mở mắt dậy buổi sáng không muốn đi làm, nằm nghĩ hay bỏ nghề không làm nữa. Mà sợ bỏ nghề thì chết đói nên thôi dậy đi làm tiếp.
Còn nhiều chuyện nan giải không kể hết đâu. Muốn biết vấn đề nào thì còm vô tôi kể cho nghe nè.
Tôi không có than thở. Đi làm vui lắm, con yêu con quý với thương mới có nhiều động lực làm tiếp. Có nhiều phụ huynh còn bảo “Bé nhà em khó lắm, không theo ai chỉ theo mỗi cô”. Rồi về nhà cái gì cũng kể "cô Hà , cô Hà...”.
P/S: đi dạy vui lắm, lương cao, không áp lực gì đâu".
Chia sẻ với phóng viên Infonet, cô giáo trẻ Thu Hà cho biết, cô viết bài đăng này lên mạng xã hội không nhằm mục đích gì khác ngoài việc để mọi người hiểu rõ được sự vất vả của các cô giáo như thế nào và mong các phụ huynh hiểu được nỗi lòng của các cô giáo.
Theo cô giáo Hà, đây là thu nhập của cô ở trường tư chứ nếu ở trường công lập thì còn thấp hơn nữa bởi trả lương đó theo đúng ngạch bậc quy định của nhà nước.
Khi phóng viên hỏi xin thêm ảnh minh họa nỗi vất vả của các cô, cô giáo trẻ sinh năm 1995 cho biết: "Chỉ có những bức ảnh đẹp của các con khi học và vui chơi thôi. Còn những lúc các cô "3 đầu 6 tay" với cá con thì làm sao mà có thời gian chụp lại ảnh đâu ạ".
Bài đăng của cô giáo Thu Hà tới thời điểm hiện tại vẫn đang rất thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Rất mừng là đa phần mọi người đều thấu cảm được những nỗi vất vả mà các cô giáo mầm non đang trải qua.
Một số bình luận chia sẻ, động viên cô giáo trẻ như:
"Không phải giáo viên mầm non nhưng cũng từng đứng lớp khoảng hơn 30 bé lớp 3. Ta nói làm dữ lắm mới trật tự, không thì ngồi hồi đủ chuyện mách, cô ơi bạn này đánh con, bạn kia lấy đồ của con, bạn này không làm bài,.... ti tỉ thứ mách. Mỗi ngày dạy xong là y như cái đầu ong ong";
"Thực sự có rất nhiều điều không thể kể hết. Nói để san sẽ và hiểu cho. Để các bậc phụ huynh hiện tại và tương lai hiểu hơn. Nhưng không họ nghĩ như vậy là đúng. Họ nghĩ họ bỏ tiền ra cho con đi học thì phải như thế này như thế kia. Kết thúc một kì thực tập dài 6 tuần chăm nom trẻ. Yêu thương trẻ, đút cho trẻ từng miếng cơm miếng cháo. Dọn bô rửa chén en-nờ en-nờ...... vậy mà một lời cảm ơn cũng không";
"Ở nhà trông 1,2 đứa đã đánh như con ghẻ, chỉ muốn tống đi học. Đi học thì chỉ săm soi cô giáo. Đồng ý là cô giáo được đào tạo bài bản, dậy cách chăm cách nhẫn nhịn, nhưng cô giáo cũng là người, con các bà phá bỏ xừ ra. Làm giáo viên mầm non lương ít ỏi lại còn gặp phải phụ huynh như mẹ người ta, con các bà để nhà tự trông cho lành";
"Thật sự tôi trông con tôi, mỗi 1 đứa con gái thôi mà muốn khùng điên rồi. Đủ chuyện trên trời dưới đất hết, nói nhẹ không nghe, nặng thì mới nghe mà sợ ảnh hưởng tâm lý nên tôi cũng áp lực. Vậy mà mấy cô giữ được 10 mấy 20 đứa, tôi vừa nể vừa thương. Miễn là đừng phải mấy cô điên khùng, bạo lực là tôi yên tâm khoán cho mấy cô chăm. Mấy chị mẹ hay có tư tưởng con là kim cương, thuỷ tinh dễ vỡ mà hay khó dễ giáo viên thì nên ôm con nuôi chứ đừng gửi mắc công";
"Giáo viên mầm non nhàn hạ lương cao lắm nha. Cao đến nỗi mọi người chạy hết đi đổi nghề rồi. Không vì yêu trẻ thì chắc bản thân cũng không còn tồn tại ở cái nghề này";
"Trước tôi cũng là giáo viên mầm non nhưng bỏ nghề rồi, ngoài lương thấp thì áp lực. Các cháu chẳng may sứt sẹo là ngoài ăn mắng từ hiệu trưởng thì còn nghe nói mát từ phụ huynh, chẳng may gặp phải ông bố đầu gấu thì ông ấy còn đào mả tổ nhà các cô lên, dính vụ nào nặng nặng thì tháng đó bị trừ thưởng, bị soi cả tháng ... căng như dây đàn ! Nói chung là nghề bạc!";
Nhiều phụ huynh cũng bày cách để chia sẻ bớt gánh nặng cho các cô khi thu nhập thấp mà "nghiệp vận vào người, có muốn bỏ cũng không bỏ được":
"Lễ nên mua tặng cô thêm ít quà động viên. Chứ mình ở nhà trông 1 đứa đã thần kinh ra rồ, các cô công nhận giỏi thật";
"Các phụ huynh nên hiểu cho nỗi vất vả của các cô. Nhà mình có mỗi 1 đứa còn đánh vật. Chỉ muốn tống con đi lớp. Vậy nên mỗi tháng mình đều nhân dịp gì đó để tặng thêm quà cho các cô, vừa tình cảm vừa là chia sẻ với các cô về kinh tế. Cô có yêu nghề, an tâm với nghề thì mới chăm con mình tốt được";
"Nhà mình cứ tháng 9 thì Trung thu, tháng 10 là 20/10, tháng 11 thì 20/11, tháng 12 thì Noel, tháng 1 thì tết Dương lịch, tháng 2 là tết Âm lịch, tháng 3 là 8/3, tháng 4 thì có Giỗ tổ, tháng 5 thì có ngày quốc tế lao động, tháng 6 có 1/6... Những ngày đó toàn kiếm cớ tặng quà bồi dưỡng thêm cho các cô thôi. Thương các cô chăm hai mấy đứa con còn hơn lũ giặc".
Cũng có rất nhiều cô giáo qua bài đăng này bày tỏ nguyện vọng, mong muốn một ngày nào đó chế độ lương thưởng cho giáo viên mầm non hợp lý hơn để các cô yên tâm với nghề:
"Quê mình, những chị em bạn bè của mình lương hợp đồng được có 2400k thôi ạ. Nhưng họ vẫn bám trụ với nghề, hi vọng mong ngày mai có một chế độ hợp lý hơn";
"Mong rằng các cấp lãnh đạo thấu hiểu được nỗi khổ của giáo viên mầm non. Nghề nào cũng có cái vất vả riêng cả, thế nhưng phải làm sao để chúng tôi sống được bằng nghề thì khi đó mới an tâm cống hiến".
Thầy Hiệu trưởng 15 năm vượt qua xì xào “đàn ông dạy mầm non”
Ít ai biết về câu chuyện “dở khóc, dở cười” trên quá trình phấn đấu trở thành Hiệu trưởng Trường mầm non xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, Thanh Hóa của thầy Trịnh Hồng Quân.
Lam Giang