Tâm thư ngậm ngùi của thí sinh 2k4 khi tuyển sinh đại học 2022 dành 'vé ưu tiên' chứng chỉ ngoại ngữ
Nhiều người cho rằng, các trường đại học ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS tạo ra sự bất bình đẳng đối với học sinh nông thôn.
Từ 2017, các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL bắt đầu được sử dụng làm một trong những tiêu chí kết hợp để tuyển thẳng đại học. Tùy từng trường, chứng chỉ ngoại ngữ thường được xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ hoặc ưu tiên điểm xét tuyển (thí sinh có IELTS được áp dụng điểm trúng tuyển thấp hơn).
Năm 2021, hơn 30 trường trên cả nước sử dụng chứng chỉ IELTS trong xét tuyển đại học chính quy. Còn vừa qua, khi hàng loạt trường đại học công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, bên cạnh các phương thức xét tuyển như dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập (học bạ), kỳ thi đánh giá năng lực… thì nhiều trường mở rộng ưu tiên xét tuyển, thậm chí là tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như A-Level, SAT…. hoặc có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL, IELTS….
Tại phía Bắc, ĐH Kinh tế Quốc dân dành 85-90% chỉ tiêu tuyển sinh cho việc tuyển thẳng bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cũng như xét tuyển kết hợp hình thức khác. Còn tại phía Nam, trong đề án tuyển sinh 2022 được nhiều trường ĐH công bố, có thể thấy chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm hẳn.
Mới đây, một học sinh lớp 12 đã viết tâm thư bày tỏ sự thiếu công bằng khi tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ.
Nữ sinh xin được giấu tên này cho biết: “Em ước mơ vào ĐH Kinh tế Quốc dân. Năm ngoái, các anh chị 2k3 (2003) cũng bị dịch bệnh trì trệ, trường vẫn lấy 50% chỉ tiêu cho kết quả THPT quốc gia. Năm nay bọn em lứa 2k4 (2004), 3 năm liền bị dịch cản trở việc học, so với anh chị là thiệt thòi rất lớn, nhưng chúng em không đổ lỗi cho điều đó để ngừng nỗ lực, mỗi ngày vẫn âm thầm học tập, ấp ủ ước mơ đỗ NV1.
Năm ngoái, chỉ tiêu 50%, điểm sàn rất “khủng” nhưng những đứa khát khao vào NEU như bọn em không vì thế mà bỏ cuộc, chúng em đã xác định phải thật cố gắng vì môi trường chúng em quyết tâm theo học thực sự tuyệt vời.
Em không phải đứa học kém nhưng cũng không quá giỏi, với em, điểm vào ngành mình thích khoảng 28 điểm năm ngoái đã là một con số không hề đơn giản. Năm nay, trường lấy chỉ tiêu THPT quốc gia chỉ bằng 1/3 năm ngoái, điểm sàn đã cao, còn ngành em thích dường như em chẳng bao giờ có cơ hội đạt được.
Em buồn, vì em sẽ chẳng bao giờ có cơ hội vào trường khi mà 90% chỉ tiêu dành cho tuyển thẳng và kết hợp. Em thấy không công bằng khi trường lấy quá nhiều chỉ tiêu cho tuyển thẳng và kết hợp như vậy. Em đã nghĩ, chả lẽ ở quê không có đủ điều kiện đi học IELTS, không có khả năng tham gia các kì thi SAT, ... cũng là do chúng em. Đó cũng là nỗi lòng của nhiều bạn thí sinh khi xét tuyển vào các trường đại học khác.
Ảnh minh họa |
Giờ đây chứng chỉ IELTS đi đâu cũng có, nhưng đó gần như dành cho các bạn có điều kiện, và chúng em ở quê là một thiệt thòi lớn, IELTS còn chưa đc tiếp xúc bao giờ thì lấy đâu ra chứng chỉ SAT.... Em không phủ nhận các bạn có IELTS cao cũng là cả một quá trình cố gắng, nhưng ở quê chúng em còn không được học.
Kể cả thi đánh giá năng lực, kì thi này cũng chiếm tới 15% chỉ tiêu của trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Với em, kì thì này thực sự rất nhiều bất cập. Bởi lẽ những địa phương bị dịch trì hoãn như chúng em, đến môn chính còn phải học online trên lớp, vừa ôn thi vừa giúp đỡ công việc cho bố mẹ... là rất khó khăn.
Kì thi 12 năm đèn sách, với mỗi chúng em đều vô cùng quan trọng, vì vậy chỉ một thay đổi nhỏ cũng gieo rắc hoặc dập tắt hi vọng của hàng trăm, hàng ngàn thí sinh, những người chịu thiệt thòi lớn trong 3 năm qua vì đại dịch. Em mong rằng thầy cô ra đề án tuyển sinh của các trường đại học sẽ có những quan sát và nhận xét thật kỹ càng trước khi đưa ra đề án, tạo điều kiện cho tất cả các bạn có một kì thi công bằng, được trao cơ hội đều như nhau”.
Tâm thư của nữ sinh này nhận được sự quan tâm của rất nhiều người vì đúng là học sinh ở vùng khó khăn sẽ không có điều kiện thi các chứng chỉ quốc tế, vậy nên các em thiệt thòi trong "cuộc đua" giành tấm vé vào trường đại học top đầu.
Trao đổi với PV Infonet, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Giáo dục cho hay: “Tôi không ủng hộ việc áp dụng chính sách tuyển vào đại học bằng điểm IELTS, điều này sẽ tạo bất bình đẳng cho thí sinh ở các vùng miền. Nếu có thể, Bộ GD&ĐT nên khống chế % nào đó chỉ tiêu tuyển sinh bằng thi IELTS hay những hình thức tương tự. Bởi vì con em nhà nghèo hoặc nhà có điều kiện nhưng sống ở khu vực không có nhiều cơ hội ôn thi IELTS sẽ bị thiệt thòi”.
Tuyển sinh đại học 2022: Giảm mạnh chỉ tiêu theo kết quả thi tốt nghiệp, thí sinh vất vả dự trù 'phương án B'
Năm 2022, các trường đại học cho biết sẽ giảm hẳn chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là tuyển sinh dùng kết quả thi đánh giá năng lực, bài kiểm tra tư duy cũng như chứng chỉ ngoại ngữ.
Hoàng Thanh