Tách hẳn con trẻ ra khỏi bố mẹ bạo hành, có làm được không?
Trong một nền văn hoá mà cha mẹ đánh mắng con là 'biện pháp giáo dục” nhằm giúp trẻ nên người, thì cần phải có một điều luật cụ thể nghiêm cấm hành vi này.
Đó là chia sẻ của TS Khuất Thu Hồng với phóng viên Infonet xung quanh tình trạng trẻ bị bạo hành dã man liên tiếp xảy ra gần đây.
Hình ảnh vụ việc người bố gây thương tích cho hai con nhỏ tại Thái Bình rồi đòi tự tử lan truyền trên MXH |
Chỉ trong thời gian ngắn xảy ra liên tiếp những vụ bạo hành trẻ nghiêm trọng. Đã có bé gái bị dì ghẻ đánh đến tử vong, có bé rơi vào hôn mê, nguy kịch tính mạng khi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu.
Tối 21/1, MXH lại xôn xao clip được cho là hình ảnh một người đàn ông ở thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đòi tự tử sau khi cầm dao gây thương tích cho hai con nhỏ.
Liên quan đến vụ việc này chiều 22/1, Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo công an huyện Quỳnh phụ bắt khẩn cấp người bố này.
TS Khuất Thu Hồng |
Trước những vụ bạo hành trẻ em xảy ra liên tiếp gần đây, trong đó có trường hợp ở Thái Bình, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết, không là người chứng kiến tận mắt nên khó khẳng định hậu quả sẽ thế nào.
“Tuy nhiên, như báo chí phản ánh thì điều đã thực sự xảy ra là hai cháu bé đã bị bố cầm dao đe doạ. Dù chỉ là đe doạ thì đây vẫn là một hành vi bạo lực trẻ em cực kỳ nguy hiểm.
Và hành vi đó là vi phạm pháp luật. Chắc chắn là hai cháu bé đã rất sợ hãi, và trải nghiệm tồi tệ này có thể sẽ ám ảnh các cháu mãi mãi và để lại những hậu quả nhiều mặt”, TS Khuất Thu Hồng nhìn nhận.
Bà cho rằng, có nhiều lý do để giải thích cho hành vi bạo lực của người cha trong trường hợp này và tình trạng bạo lực trẻ em nghiêm trọng trong thời gian qua. Và lỗ hổng trong luật pháp và thực thi pháp luật là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bậc cha mẹ và người thân trong gia đình không biết rằng việc sử dụng biện pháp trừng phạt thân thể hoặc đánh mắng con em mình là vi phạm pháp luật.
“Điều 6 Luật Trẻ em nghiêm cấm 15 hành vi gây tổn hại cho trẻ em nhưng chắc chắn mọi người đều cho rằng những quy định đó chỉ dành cho những người khác ngoài gia đình.
Không có một quy định cụ thể nào nghiêm cấm cha mẹ đánh đập con mình. Vì thế, việc cha mẹ đánh đập con cái cứ diễn ra hàng ngày trên cả nước, pháp luật chỉ vào cuộc khi bạo hành dẫn đến tử vong hoặc bị thương nghiêm trọng.
Hành vi đánh mắng hàng ngày không bao giờ bị xử lý. Tất cả mọi người, bao gồm cả các cơ quan chức năng, chưa từng chú ý đến hiện trạng rất phổ biến này”, TS Khuất Thu Hồng cảnh báo.
Vậy cần làm gì để bảo vệ những đứa trẻ khỏi sự bạo hành từ chính người thân của mình?
Trả lời câu hỏi này, TS Khuất Thu Hồng cho rằng, trong một nền văn hoá như Việt Nam khi quan niệm “yêu cho roi cho vọt” hay việc cha mẹ đánh mắng con được coi là 'biện pháp giáo dục' cho con trẻ nên người thì cần phải có một điều luật cụ thể nghiêm cấm hành vi này.
Điều luật này phải có các chế tài xử lý rõ ràng đi kèm và phải được thực hiện nghiêm minh.
Ngoài ra, sự quan tâm và lên tiếng, can thiệp của những người chứng kiến cũng rất quan trọng. Trẻ em phải được giáo dục để nhận biết các hình thức bạo lực kể cả bạo lực đến từ cha mẹ và người thân, biết cách tìm sự hỗ trợ và các kỹ năng sinh tồn khác.
Có nhiều ý kiến cho rằng cần tách ông bố, bà mẹ, dì ghẻ, cha dượng khỏi những đứa trẻ khi có dấu hiệu bạo hành. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu xã hội, TS Khuất Thu Hồng cho rằng để làm được việc đó không dễ song không có nghĩa là không làm được.
Theo đó, việc đầu tiên để bảo vệ những đứa trẻ an toàn trong chính ngôi nhà của mình cần có sự tham gia của nhiều bên, bao gồm người thân khác trong gia đình, thầy cô giáo, hàng xóm… quan tâm chú ý để phát hiện các dấu hiệu trẻ bị bạo hành và lên tiếng can thiệp.
Thứ hai là tăng cường các quy định pháp luật. Chẳng hạn, Luật Hôn nhân và Gia đình hoặc Luật Trẻ em cần phải bổ sung thêm quy định và có chế tài rõ ràng về trường hợp này.
Tiếp đến phải có một địa chỉ tiếp nhận và xử lý những phản ánh về tình trạng bạo hành trẻ em ở cấp cơ sở. Để làm việc đó cần tăng cường nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và tài lực để bố trí cán bộ xã hội thực hiện công tác về trẻ em đến tận cấp cơ sở.
TS Khuất Thu Hồng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần phải áp dụng các chế tài xử lý hành vi bạo hành trẻ em bao gồm cả hành chính và hình sự, tuỳ theo mức độ của vụ việc.
“Và việc này cần phải thực hiện nghiêm túc. Người có hành vi bạo hành trẻ em phải bị giám sát thường xuyên”, TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
N. Huyền