Tác hại đáng sợ của nước ngọt
Nhiều người có thể chi tiền mua bia rượu, nước ngọt nhưng lại không thích sữa trong khi đó các chất từ bia rượu, nước ngọt lại không tốt cho sức khoẻ.
Đái tháo đường vì nước ngọt
Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã cấp cứu cho 1 bé gái 13 tuổi vào viện vì hôn mê, nhiễm toan ceton máu do loạn đường huyết. Cháu bé nghiện nước ngọt và có ngày cháu có thể uống cả ba chai lớn nước ngọt loại lít rưỡi. Khi vào viện, bệnh nhi có đường huyết ghi nhận hơn 1500 mg/dl, 1 con số khủng hoảng sẵn sàng gây biến chứng hôn mê và nhiễm trùng khó lường. Sau nhiều ngày cấp cứu, bác sĩ cho biết cháu bị tiểu đường và phải điều trị theo suốt đời.
Hay trường hợp của bé Nguyễn A.T. sinh năm 2008. T. bị phát hiện đái tháo đường tuyp 2 từ năm ngoái. Cha mẹ của bé cho biết từ nhỏ T. đã béo hơn các bạn lại nghiện đồ ngọt và nước ngọt. Sáng mẹ cho bé tiền ăn sáng, thay vì mua đồ ăn cu cậu mua lon nước ngọt uống. Không chỉ lúc đi học, ở nhà cứ ai cho tiền chỉ vài phút sau là cậu bé đã chạy ra siêu thị mua lon nước ngọt uống.
Mẹ của T. cho biết dù chị không mua nhưng thi thoảng vẫn giấu cha mẹ uống nước ngọt. Chỉ đến khi T. sụt cân, cậu mệt mỏi, ngủ gà, ngủ gật, uống nhiều nước cha mẹ vội cho đi kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán bị đái tháo đường sớm. Một năm nay T bước vào điều trị đái tháo đường tuyp 2 thay đổi toàn bộ ăn uống cũng như thời gian tập thể dục.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Nhung, Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết nước ngọt là thức uống được nhiều người lựa chọn cả ở trẻ con và người lớn.
Nước ngọt có ga là loại thức uống chứa CO2 bão hòa, chất làm ngọt, hương liệu tạo vị, phẩm màu, phụ gia, chất bảo quản…Thông thường, nước ngọt có ga còn chứa các acid như malic, tartric, citric, phosphoric…cộng với chất đường. Nước ngọt là nguyên nhân gây béo phì và đái tháo đường.
Ảnh minh hoạ. |
Tác hại của nước ngọt
Các nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra những tác hại phổ biến của nước ngọt có ga đối với sức khỏe con người như sau:
Thứ nhất, gây béo phì
Các loại nước ngọt có ga thường chứa chất fructose mà trong cơ thể không cần có insulin nó cũng biến thành mỡ thừa, dễ gây béo phì.
Một nghiên cứu được tiến hành bởi Trung tâm Khoa học Y tế, Đại học Texas cho thấy rằng có một mối liên hệ giữa việc thường xuyên tiêu thụ nước ngọt có ga với kích thước vòng eo.
Những người uống nhiều nước ngọt có ga sẽ có vòng eo lớn hơn những người khác ít uống hoặc không uống.
Nước ngọt có ga cũng giống như nhiều loại đồ uống có chứa chất cồn như rượu bia ở chỗ chúng chứa nhiều gas và calo.
Chính vì vậy, nếu tiêu thụ nhiều sẽ dẫn tới đầy hơi, khó tiêu, tăng lượng mỡ thừa quanh bụng khiến cho ra nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường, tăng huyết áp.
Thứ hai, tăng nguy cơ bệnh tiểu đường
Vai trò chính của insulin trong cơ thể là hướng dẫn glucose từ máu vào tế bào một cách chính xác, nhưng việc tiêu thụ dư đường dưới dạng nước ngọt có ga buộc tuyến tụy phải tạo ra ngày càng nhiều insulin để xử lý.
Điều này dẫn đến sự kháng insulin, dẫn đến sự phát triển các bệnh lý tiêu cực, sau đó thường tiến triển đến trục trặc về chuyển hóa năng lượng.
Ngoài ra, theo bác sĩ Nhung nếu bạn uống nước ngọt thì làm giảm tác dụng điều trị, kiểm soát bệnh khi tim mạch, tăng huyết áp, đáo tháo đường, bệnh gan, ung thư, loãng xương, tăng tỷ lệ tử vong. Trẻ uống nhiều nước ngọt còn làm tăng bệnh răng miệng, làm chậm tăng trưởng chiều cao và nguy cơ phát sinh bệnh lý tim mạch, đái tháo khi trưởng thành.
Thực tế, bác sĩ Nhung cho rằng trong khi sữa thì tốt cho sự phát triển thì trẻ lại thích nước ngọt hơn sữa. Nếu uống nhiều nước ngọt nhiều photpho làm ảnh hưởng tới hệ phát triển xương của trẻ.
Đường ở trong nước ngọt còn là thức ăn cho vi khuẩn phát triển nên nước ngọt được đánh giá làm tăng các bệnh lý răng miệng ở trẻ nhỏ và người trưởng thành.
Nếu bạn uống 2 lon nước ngọt mỗi ngày thì nguy cơ tăng bệnh tim mạch và tử vong tăng lên 30%. Vì vậy, để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ, sức khoẻ cho người trưởng thành, bác sĩ Nhung khuyến cáo bạn nên hạn chế nước ngọt càng nhiều càng tốt.
Khánh Chi