Sum vầy, yêu thương, có cảm giác được "thuộc về" là ý nghĩa thiêng liêng của Tết
LTS: Tết xưa - Tết nay là câu chuyện về văn hóa Tết thường được nhắc đến mỗi khi Tết đến xuân về.
Infonet xin được khởi đăng loạt bài về vấn đề này, với mong muốn sẻ chia cùng bạn đọc những câu chuyện, những ý kiến, những kỷ niệm về Tết truyền thống; những thay đổi tốt - hoặc chưa tốt trong cách ăn Tết, chơi Tết của hôm nay.
Bạn đọc có những câu chuyện muốn chia sẻ cùng Infonet, vui lòng gửi bài về địa chỉ toasoan@infonet.vn. Bài viết được chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của tòa soạn.
Trao đổi với phóng viên Infonet về Tết truyền thống của người Việt, TS Nguyễn Ngọc Thơ (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM) chia sẻ:
TS Nguyễn Ngọc Thơ |
Tết Nguyên đán được xem như là khởi đầu của một chuỗi thời gian mới. Tên gốc của nó là “tiết” – tức là “đốt”, nghĩa là hết giai đoạn này chuyển sang một giai đoạn khác, vì thế Tết Nguyên đán là để mỗi con người lắng đọng lại chuẩn bị cho một tư thế mới, tâm thế mới, mang theo đó là ước vọng về những điều tốt đẹp.
Về mặt sinh học, sau một năm làm việc vất vả, bôn ba kiếm sống, người ta cũng cần có khoảng thời gian ôn lại những gì mình đã làm được trong suốt một năm qua. Đó cũng là khoảng thời gian để mỗi người chăm chút hơn cho các thành viên, các mối quan hệ trong gia đình, dòng tộc.
Tết cũng là dịp để củng cố tính tôn ti trật tự, có trên có dưới, có trước có sau. Vì thế, Tết được coi như ngày của gia đình, ngày của truyền thống.
Trong văn hóa truyền thống phương Đông, mỗi người chúng ta không chỉ sống với những thành viên trong gia đình hạt nhân hay cộng đồng xã hội, bạn bè, trường lớp mà còn quan hệ bà con láng giềng, tổ tông, ông bà, đồng thời Tết cũng là dịp để củng cố tính tôn ti trật tự, có trên có dưới, có trước có sau. Vì thế, Tết được coi như ngày của gia đình, ngày của truyền thống.
Ngày Tết trước đây tất nhiên là không giống như bây giờ. Xa xưa nhất, Tết của người Việt rơi vào khoảng tháng 11 âm lịch, sau đó ảnh hưởng của giao lưu văn hóa phương bắc, chúng ta mới chuyển dần sang ăn Tết vào tháng Giêng như bây giờ. Cái hay là người Việt mình gọi là “ăn tết”, “đi chơi tết”, “trảy hội ngày xuân” tức là Tết gắn liền với “ăn”, “chơi”, “trảy hội”, là dịp để mỗi người lấy lại sức cả về thể chất và tinh thần sau một khoảng thời gian bôn ba làm việc vất vả.
Ngày Tết là sự cộng gộp của rất nhiều mối quan hệ hữu hình và vô hình, đó là mối quan hệ giữa người còn sống và người đã khuất, chính là yếu tố linh thiêng như đón ông bà về cùng ăn Tết, là mối quan hệ giữa ông bà, con cháu. Có lẽ không có dịp nào mà người ta sẵn sàng ngồi trên xe khách chật như nêm kéo dài mấy chục tiếng đồng hồ để kịp có mặt ở nhà vào đêm giao thừa như dịp Tết. Thời khắc giao thừa cực kỳ thiêng liêng và có giá trị. Người ta tin rằng nếu được đón giao thừa cùng những người thân trong gia đình thì suốt năm mới sau đó người ta sẽ được may mắn. Đây không phải là niềm tin mang yếu tố quá tâm linh hay quá tín ngưỡng, vấn đề là trong cuộc sống chúng ta phải có cảm giác được “thuộc về”: Mình thuộc về gia đình mình. Đó là sự đồng cảm chung của tất cả người Việt Nam trong khoảnh khắc giao thừa và bữa cơm 30 cúng ông bà. Nếu ai đó không có được cảm giác “thuộc về” một cái gì đó thì đó là người bất hạnh. Vì thế, giáo dục không được bỏ qua cảm giác đó.
Đây không phải là niềm tin mang yếu tố quá tâm linh hay quá tín ngưỡng, vấn đề là trong cuộc sống chúng ta phải có cảm giác được “thuộc về”: Mình thuộc về gia đình mình. Đó là sự đồng cảm chung của tất cả người Việt Nam trong khoảnh khắc giao thừa và bữa cơm 30 cúng ông bà. Nếu ai đó không có được cảm giác “thuộc về” một cái gì đó thì đó là người bất hạnh.
Giới trẻ hiện sống nhanh hơn và có quá nhiều thú vui trong cuộc sống, do vậy họ không còn được cảm giác “ăn Tết”, “vui chơi Tết”, háo hức với Tết như ngày trước nữa. Nói như vậy không phải là những yếu tố phi vật thể, yếu tố tinh thần là không cần thiết. Thực ra trong cuộc sống bận rộn ấy, họ tương tác với các đối tượng trong xã hội nhiều hơn với những người trong gia đình, dòng họ của mình, vấn đề là phải chỉ cho các bạn trẻ nhận thấy đâu là giá trị của việc sum họp gia đình trong ngày Tết, khi tất cả các thành viên trong gia đình đều hướng chung về cội nguồn.
Những năm gần đây, nhiều gia đình chọn cách đi du lịch trong ngày Tết, đó là một cách rất sai lầm, vì cho dù có đủ các thành viên trong gia đình cùng đi du lịch, nhưng họ chỉ có tương tác trong không gian của những người còn sống, nhưng ngày Tết có hai mối quan hệ đặc biệt hòa trộn vào nhau, đó là mối quan hệ của những người còn sống và giữa những người sống với người đã khuất, là bếp lửa và bàn thờ phải giữ ấm trong ngày tết. Cái này nếu đi du lịch là không làm được. Họ đã bỏ qua mất cái nửa sâu hơn, quan trọng hơn, đó là cội nguồn. Họ sẽ cảm thấy lạc lõng ngay tại nơi mình đi du lịch. Cảm giác mất mát này các lưu học sinh cảm nhận sâu sắc nhất.
Quan niệm Tết bây giờ thay đổi hơn so với trước đây, khi cuộc sống đầy đủ hơn, đặc biệt trẻ con không còn cảm giác rạo rực với quần áo mới, bữa ăn ngon trong ngày Tết nữa, người ta có xu hướng chạy theo các nhu cầu cá nhân nhiều hơn. Tuy nhiên những biến đổi về mặt hình thức này không làm biến đổi quá sâu sắc về mặt nội dung, yếu tố về sum vầy, về yêu thương, về giáo dục truyền thống ông bà con cháu vẫn được duy trì. Đó là những điều thiêng liêng.
Việc lưu truyền các truyền thống Tết trong những gia đình trẻ có những biến đổi, khi chính họ cũng không hiểu lắm về những phong tục Tết như không biết sắm mâm cúng Tết, cúng ông táo cần những gì, cúng giao thừa trong nhà hay bên ngoài… Kéo theo đó là những quan niệm có nhiều sai lệch khi con người thực dụng hơn, ví dụ như khi nhận bao lì xì, con trẻ chỉ quan tâm đến tiền trong bao nhiều hay ít, cha mẹ cũng bỏ qua mà không biết được ý nghĩa của bao lì xì là truyền bá một số thông điệp về quyền uy của ông bà dành cho con cháu.
Ngày Tết cá nhân hơn, thực dụng hơn, phai nhạt hơn về mặt hình thức cũng như ý nghĩa của ngày Tết trong các gia đình trẻ. Tôi nghĩ đó chủ yếu là lỗi của ông bà, người lớn. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, khi những tri thức trẻ này lớn lên, qua sách báo, truyền thông đăng tải về ý nghĩa của ngày Tết truyền thống sẽ khơi gợi sự tò mò và họ sẽ tự tìm hiểu về điều đó, điều quan trọng là chúng ta luôn nhắc nhở họ về những yếu tố thiêng liêng đó. Quy luật phát triển truyền thống của văn hóa, khi cơm đã đủ no, áo đã đủ ấm, những người tri thức sẽ tìm về với văn hóa nguồn cội.
Không nên cho rằng những ngày lễ hội phương tây như Giáng sinh, Valentine hay Halloween… sẽ làm giới trẻ quên đi ngày Tết, vì những ngày đó chỉ mang yếu tố xã hội, là dịp để giới trẻ được xả hơi, vui chơi chứ không mang ý nghĩa sum họp gia đình.