Sức mạnh xe tăng T-34, ‘nắm đấm thép’ của Liên Xô trong Thế chiến Hai
Bối cảnh ra đời của T-34
Vào cuối thập niên 1930, Liên Xô gặp phải một vấn đề nan giải, khi các cỗ xe tăng thuộc dòng BT không đáp ứng đủ yêu cầu trong thực chiến, dễ dàng bị bom xăng hay các khẩu súng trường chống tăng vô hiệu hóa. Do vậy, nhiệm vụ phát triển dòng xe tăng hạng trung với “hỏa lực mạnh, lớp giáp dày, tính cơ động và độ tin cậy cao hơn” đã được giao cho kỹ sư Mikhail Koshkin.
Kỹ sư Koshkin vào năm 1937 đã ra mắt mẫu thử nghiệm đầu tiên với tên gọi A-20, được trang bị vỏ giáp dày 20mm, với vũ khí chính là một pháo 45mm. Nhưng mẫu này vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu đề ra, nên quá trình nghiên cứu tiếp tục kéo dài.
Tới năm 1939, ông đã thuyết phục được các quan chức cấp cao cho phép phát triển mẫu thử nghiệm thứ hai. Sau khi được chấp thuận, ông nhanh chóng cho ra mắt mẫu A-32, với lớp giáp mặt trước dày 32mm cùng pháo 76,2mm.
Tuy nhiên, mẫu A-32 cần được chỉnh sửa một số chi tiết kỹ thuật nhằm đáp ứng được những yêu cầu tác chiến mới, nhất là sau khi Thế chiến Hai bùng nổ vào tháng 9/1939. Tới tháng 1/1940, hai mẫu thử nghiệm với tên gọi A-34 đã được ra đời.
Trong hai tháng 4 và 5/1940, nhóm của kỹ sư Koshkin đã thực hiện một cuộc hành trình dài tới hơn 2.000km, để trình diễn tính năng của mẫu A-34. Trong cuộc thử nghiệm với đạn chống tăng 45mm, A-34, với vai trò là mục tiêu, đã không bị phá hủy.
Nhà chức trách Liên Xô sau đó đã chấp thuận cho A-34 được sản xuất đại trà, với tên gọi là T-34. Theo ông Koshkin, lý do cái tên T-34 được chọn là để ghi nhớ năm 1934, năm mà ông nảy ra ý tưởng về mẫu thiết kế mới. Vào tháng 10/1940, kỹ sư Mikhail Koshkin qua đời vì bệnh viêm phổi.
Xe tăng T-34 trong Thế chiến Hai
Sau khi Đức phát động chiến dịch Barbarossa vào ngày 22/6/1941, Liên Xô đã chịu nhiều tổn thất. Nhưng nhờ có xe tăng T-34, các lực lượng vũ trang Moscow đã có thể đối phó với lực lượng tăng-thiết giáp hùng hậu của đối phương.
Trong cuốn sách “Hitler tiến về phía Đông 1941-1943”, tác giả Paul Carell ghi rằng xe tăng T-34 trong vài cuộc chạm trán đầu tiên với quân Đức đã “nghiền nát một pháo PaK 36 và hai xe tăng Panzer II”.
“Có lần, một chiếc T-34 bị các pháo chống tăng 37mm và 50mm của Đức bắn trúng hơn 30 phát đạn, nhưng nó vẫn hoạt động và kíp điều khiển đã lái nó trở lại phòng tuyến chỉ vài giờ sau”, trích một đoạn trong cuốn "Sư đoàn ma: Sư đoàn Panzer số 11 và Lực lượng Thiết giáp Đức trong Thế chiến II".
Berlin đã buộc phải triển khai các pháo phòng không 88mm và pháo dã chiến 105mm, đồng thời thúc giục các cơ sở quốc phòng ở hậu phương thiết kế những loại vũ khí chống tăng hiệu quả hơn, cũng như chế tạo các loại xe tăng hạng nặng nhằm giành ưu thế trên chiến trường.
Để đối phó với nhiều loại xe tăng hặng nặng được Đức tung ra trong năm 1942, trong đó có thiết giáp Panzer IV hiện đại nhất khi đó, các nhà thiết kế vũ khí của Liên Xô quyết định lắp cho T-34 loại pháo phòng không M1939 với cỡ nòng 85mm. Với loại pháo này, phiên bản T-34-85 đủ sức bắn thủng lớp giáp mặt trước dày 80mm của Panzer IV.
Tháng 1/1945, vài tháng trước khi chiến tranh ở châu Âu kết thúc, một trận chiến giữa Tiểu đoàn xe tăng hạng nặng số 424 của Đức và 40 chiếc xe tăng T-34 đã diễn ra ở gần làng Lisow, Ba Lan. Dù có được yếu tố bất ngờ, nhưng quân Đức vẫn chịu tổn thất nặng, với 5 xe tăng Tiger II, 7 xe tăng Tiger I và 5 chiến xa Panther, trong khi phía Liên Xô chỉ mất có 4 xe T-34.
Trong chiến dịch công phá Berlin diễn ra từ giữa tháng 4 tới đầu tháng 5/1945, các cỗ xe tăng T-34 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ yểm trợ tác chiến cho bộ binh Liên Xô trong môi trường đô thị, cũng như tấn công những điểm phòng ngự của đối phương nằm trong thành phố này.
Tuấn Trần