Sức khỏe tinh thần tuổi vị thành niên là vấn đề lớn cần được chăm sóc
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra rằng sức khỏe tinh thần là vấn đề lớn cần được chăm sóc, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên.
Lo ngại nguy cơ tự tử, tự hủy hoại
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho hay, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, trung bình mỗi ngày ông nhận được ít nhất 69 yêu cầu tư vấn và chăm sóc tinh thần, trong đó nhiều yêu cầu liên quan đến các biểu hiện lo sợ, căng thẳng sau Covid-19. Thậm chí, một bạn trẻ chia sẻ, dù đang chạy trên đường nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng còi xe cấp cứu là phải tấp ngay vào lề. Bởi em không thể làm chủ bản thân khi nghe lại âm thanh và nhớ lại cảm xúc ấy, cha em từng nằm trên chiếc xe cấp cứu, bản thân em cũng từng 2 lần bị Covid-19.
Không chỉ với trẻ em bị mồ côi vì Covid-19 mà sang chấn tâm lý sau đại dịch còn xảy ra với đông đảo trẻ em. Theo ông Sơn, trong số những trẻ em mà ông đã tiếp nhận điều trị tâm lý, có 15% trẻ mồ côi vì Covid-19, nghĩa là rất nhiều em tuy không mất mát người thân nhưng vẫn rất cần sự nâng đỡ tinh thần.
Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, Phó Trưởng Khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM nhìn nhận, lứa tuổi vị thành niên dễ xuất hiện tính nhạy cảm tăng cường với một số tác động gây chấn thương tâm lý, cho nên đây là đối tượng bị tổn thương tâm lý nặng nề nhất sau đại dịch.
Theo bà Hạnh, khảo sát thực trạng từ đề tài nghiên cứu sinh “Hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía nam Việt Nam” cho thấy, trong số gần 3.500 trẻ được nghiên cứu có hơn 37% có nguy cơ tự hủy hoại bản thân. Trong đó có đến 53,1% trẻ thực hiện tự hủy hoại bản thân ở mức trung bình, biểu hiện là trẻ thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân thường xuyên (từ 8 - 11 lần/năm) để lại hậu quả nghiêm trọng; 41,3% tự hủy hoại bản thân ở mức nhẹ, từ 5 - 7 lần/năm. Đáng lo ngại, có 5,6% tự hủy hoại bản thân ở mức nặng, rất thường xuyên (từ 12 lần trở lên), để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
\
Bà Mai Mỹ Hạnh đề xuất cần có những giải pháp nâng cao nhận thức của phụ huynh, giáo viên và chính bản thân học sinh về chăm sóc sức khỏe tinh thần, trong đó có nhận diện và phòng ngừa các hành vi tự hủy hoại bản thân ở lứa tuổi vị thành niên. Nhà trường cần tích hợp các nội dung này vào chương trình giáo dục công dân và hoạt động trải nghiệm phù hợp từng lứa tuổi. Chẳng hạn, ở lớp Sáu, các em biết tự nhận thức bản thân, lớp Bảy cần khả năng ứng phó với tâm lý căng thẳng, lớp Tám biết xác định mục tiêu cá nhân, lớp Chín biết thích ứng với thay đổi... Nhà trường, giáo viên cần quan tâm, sàng lọc kỹ trẻ tự ti, ít giao tiếp để kết nối và tạo điều kiện cho các em hòa đồng, phát triển kỹ năng giao tiếp. Với những em đã xác định nguy cơ cần có biện pháp tham vấn tâm lý chuyên biệt.
Nguy hiểm hơn, nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ, Khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM nêu thực trạng đáng lo ngại về ý định tự sát ở lứa tuổi vị thành niên. Khảo sát 400 em từ 12 - 18 tuổi ở TP.HCM, sau sàng lọc lần 2, có 8 em có ý định tự sát ở mức độ cao (mức độ 4). Trong đó, có 3 em đang học lớp Ba, 1 em lớp Bốn và 4 em lớp Năm. Về học lực, có 3 em học giỏi, các em còn lại học khá. Về điều kiện kinh tế gia đình, 2 em thuộc gia đình thu nhập dưới 9 triệu đồng, 2 em thuộc gia đình thu nhập từ 9 - 19 triệu đồng và 4 em còn lại thuộc mức trên 19 triệu đồng.
Theo ông Vũ, nguyên nhân đến từ nỗi sợ về Covid-19, sự gián đoạn học tập và hệ quả của dạy học trực tuyến không hiệu quả, hệ quả kinh tế của giãn cách xã hội, sự mất mát, đau buồn vì mất người thân cũng như sự lo lắng, căng thẳng về cuộc sống, định hướng, học tập... đã tác động mạnh đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
Cần cách giao tiếp phù hợp và thấu cảm với con
Một báo cáo của UNICEF đã chỉ ra tỉ lệ 1/7 trẻ vị thành niên (độ tuổi 10 - 19 tuổi) bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Những biểu hiện bao gồm rối loạn cư xử, lo âu, trầm cảm, khuyết tật trí tuệ… có thể dẫn đến tổn hại về sức khoẻ, cuộc sống và năng lực tạo ra thu nhập sau này.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, các nguyên nhân góp phần gây ra áp lực tâm lý cho trẻ có thể đến từ kỳ vọng của cha mẹ hay từ chính bản thân con; định hướng tương lai mơ hồ do những bất ổn trong xã hội; kinh nghiệm và trải nghiệm ít nên khả năng vượt khó thấp; sự thay đổi của nội tiết tố trong giai đoạn dậy thì.
Do đó, phụ huynh cần tìm hiểu cách giao tiếp phù hợp và thấu cảm với con. Đây là một trong những chìa khóa giúp giảm thiểu những áp lực tâm lý, đồng thời giúp phát hiện sớm những nguy cơ về sức khoẻ tâm thần ở con trẻ.
Với nhiều học sinh, sự lắng nghe từ cha mẹ chính là lời động viên giúp con cảm thấy mình được đón nhận và tôn trọng. Con sẽ cảm thấy dễ dàng chia sẻ những câu chuyện và suy nghĩ cá nhân, “cánh cửa tâm trí” của con cũng rộng mở đón nhận cha mẹ hơn. Phụ huynh có thể nắm được chuyện xảy ra với con, hiểu về quan điểm và góc nhìn của con. Nhưng trước hết, cha mẹ cần lắng nghe với một tâm trí thoải mái, cởi mở và không định kiến.
PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý rằng, trong cuộc trò chuyện cùng con, tỉ lệ cha mẹ nói so với con nên là 20 – 80% để tái kích hoạt giao tiếp giữa hai bên. Con là người dẫn dắt câu chuyện. Khi lắng nghe, cha mẹ nên tạm gác việc sử dụng điện thoại, máy tính, tránh đặt ra nhiều câu hỏi hoặc đưa ra những nhận xét mang tính chỉ trích hay giáo dục.
Một trong những lời khuyên mà chuyên gia đưa ra là hãy dành lời an ủi và đảm bảo cho con. Phụ huynh có thể chủ động gợi ý con hãy nhắn cho cha mẹ khi gặp vấn đề hoặc gặp khó khăn và cảm thấy không thể đương đầu được nữa; hay đơn giản nhất, hãy nói với con rằng “con là điều quý giá của bố mẹ”.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Giáo dục chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM dự báo những nguy cơ về sức khỏe tâm thần của học sinh đang và sẽ tiếp diễn rất phức tạp trong thời gian tới cả về số lượng và mức độ.
Sắp tới, ngành Giáo dục và ngành Y tế ký kết hợp tác về chương trình y tế học đường, trong đó chú trọng phòng bệnh cho học sinh, kể cả vấn đề tinh thần, không để các em rơi vào những tình huống khó khăn, dẫn đến hành động tự gây thương tích hoặc tự sát.
Mai Anh