Sứ mệnh lịch sử của Pháo đài Xuân Canh
Pháo đài Xuân Canh được xây dựng để thực hiện sứ mệnh đó.
Đầu tháng 4 năm 1946, đồng chí Lê Đình Thiệp, Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Đông Anh về trực tiếp giao nhiệm vụ cho xã Đạt Tam (tên của xã Xuân Canh lúc đó) phối hợp với bộ đội xây dựng một pháo đài án ngữ giữa ngã ba sông Hồng-sông Đuống. Một tuần sau, pháo được chuyển về. Đó là khẩu pháo 75 ly cũ của Pháp, ta thu được sau khi giành chính quyền từ tay Nhật, nhưng không có máy ngắm và cần gạt vỏ đạn. Pháo được tháo rời từng bộ phận, bộ đội và tự vệ xã Đạt Tam khiêng xuống thuyền của cụ Lê Văn Dậu chở về làng Vân Hoạch. Vị trí đặt pháo được nghiên cứu chọn là một gò đất cao, sát đê, cạnh chùa Vân Hoạch. Với địa thế này, khẩu pháo có thể khống chế toàn bộ khu vực ngã ba sông rộng lớn, có thể bắn vào thành Hà Nội và tới cả sân bay Gia Lâm của địch.
Biên chế của Pháo đài gồm một Trung đội, do đồng chí Phạm Văn Đôn làm Trung đội trưởng, đồng chí Trương Thành Phao làm Chính trị viên, đồng chí Doãn Tuế làm Trung đội phó. Quân số của Trung đội có 42 người, được chia làm ba tiểu đội. Một tiểu đội làm nhiệm vụ bắn pháo, hai tiểu đội làm nhiệm vụ bảo vệ, được trang bị một khẩu trung liên và một số súng trường. Ngoài ra, còn có một tiểu đội quân khí làm nhiệm vụ tháo lắp, sửa chữa pháo và một Trung đội tự vệ của xã Đạt Tam, được trang bị hai khẩu súng trường, còn lại là tầm vông, giáo mác làm nhiệm vụ bảo vệ và phối hợp chiến đấu.
Ngày 29-6-1946, tại sân Vệ Quốc đoàn Trung ương, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội đã đọc Quyết định thành lập Đoàn Pháo binh Thủ đô gồm ba Trung đội: Pháo đài Láng, Pháo đài Xuân Tảo và Pháo đài Xuân Canh. Đây chính là những đơn vị pháo binh đầu tiên của Quân đội ta, là hỏa lực chủ yếu trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến và chặn đánh địch trên sông Lô bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc trong Chiến dịch Thu-Đông năm 1947.
Nhân dân xã Xuân Canh lúc đó đã có những đóng góp to lớn về vật chất và tinh thần để xây dựng Pháo đài. Sư Cụ chùa Vân Hoạch dành cả ngôi chùa cổ kính để làm cơ sở cho bộ đội; cụ Hàn Tuân ủng hộ một bè tre ngâm; cụ Trương Hữu Lễ giúp 3,3m3 gỗ quí để làm trận địa; cụ Trương Hữu Bắc nhường cả ngôi nhà hai tầng cho Ban chỉ huy Trung đội; nhiều gia đình đã dành hết cả nhà cho bộ đội ở hay làm xưởng sửa chữa pháo. Nhân dân trong xã ủng hộ hàng tấn gạo, thực phẩm để nuôi dưỡng bộ đội, 15 thanh niên xung phong vào làm chiến sĩ của Pháo đài, rất nhiều thanh niên, nam nữ xin vào lực lượng tự vệ bảo vệ Pháo đài…
20 giờ 00 ngày 19 tháng 12 năm 1946, cùng với Pháo đài Láng, Pháo đài Xuân Tảo, Pháo đài Xuân Canh đã gầm lên, nã những quả đạn đầu tiên xuống đầu quân địch ở thành Hà Nội, mở màn cho toàn quốc kháng chiến. Những loạt đại bác dữ dội đó đã gây cho địch nhiều thiệt hại và làm cho chúng cực kỳ hoảng hốt.
Những ngày sau, Pháo đài Xuân Canh còn được giao nhiệm vụ bắn chế áp sân bay Gia Lâm. Không có máy thông tin, nhân dân Xuân Canh đã rải người dọc bờ đê sông Đuống để truyền đạt khẩu lệnh bắn từ đài chỉ huy xuống trận địa, hạ lệnh cho pháo bắn. Đây là sự kiện hiếm có trong lịch sử pháo binh thế giới.
Sau đêm 19 tháng 12, địch đã phát hiện ra khu vực trận địa của ta, chúng huy động máy bay ném bom, tập trung hỏa lực pháo binh bắn phá quyết liệt vào Pháo đài. Nhưng do ta ngụy trang tốt, giữ được bí mật và làm công sự kiên cố nên Pháo đài vẫn bình an vô sự.
Phát hiện ra pháo của ta nằm ngay cạnh bờ sông, địch sử dụng thủ đoạn mới: Dùng thủy quân tấn công, đổ bộ lên bờ để chiếm Pháo. Chúng cho ca nô chở quân từ bến Phà Đen tiến ngược sông Hồng để đánh sang Xuân Canh. Khi địch tiến đến khu vực bãi xóm Soi, lực lượng phục kích của Pháo đài gồm nửa Tiểu đội được trang bị trung liên và súng trường bất ngờ nổ súng tấn công. Chúng hoảng hốt chạy dạt sang phía hữu ngạn và chống trả quyết liệt. Sau những phút bị bất ngờ, chúng tổ chức tấn công lực lượng phục kích của ta. Vì lực lượng quá mỏng, ta buộc phải rút lui về bên này sông Đuống, Không đủ thuyền chở, một số bộ đội ta phải bơi qua sông.
Địch tiếp tục tiến về phía Pháo đài bắn phá dữ dội, quyết tâm chiếm pháo của ta. Trước tình huống đó, Ban chỉ huy quyết định di chuyển pháo lên mặt đê, chúc nòng xuống sông, bắn bằng góc tà âm để tiêu diệt tàu địch. Không có máy ngắm, pháo thủ ta ngắm qua nòng hướng về tàu giặc bắn hai phát. Đạn nổ ngay sát đuôi tàu, địch hoảng hốt quay đầu chạy thục mạng, từ bỏ hẳn ý định đánh chiếm Pháo đài.
Những trận chiến đấu đầu tiên ấy không chỉ đem đến chiến thắng với hiệu suất rất cao mà còn tạo nên truyền thống quí báu của bộ đội pháo binh ta. Đó là sử dụng pháo địch đánh địch, bí mật bất ngờ tấn công dữ dội, mưu trí sáng tạo làm cho địch liên tục bị bất ngờ và vô cùng khiếp sợ.
Sau hơn một tháng chiến đấu, cuối tháng 1 năm 1947, Trung đội được lệnh di chuyển lên chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Đêm 30 tháng Chạp năm Bính Tuất, “con voi thép” của Pháo đài Xuân Canh gầm lên nhả phát đạn cuối cùng xuống đầu quân địch ở thành Hà Nội. Đó cũng là lời chào chia tay của Trung đội pháo với nhân dân Xuân Canh sau hơn nửa năm xây dựng và chiến đấu.
Với sự phối hợp chiến đấu cùng bộ đội pháo binh năm ấy cùng những chiến công khác, xã Xuân Canh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Pháp.
Sau hai cuộc kháng chiến, đất nước còn nghèo, Nhà nước chưa có điều kiện tôn tạo các di tích lịch sử, một lần nữa người dân Xuân Canh lại tự nguyện đóng góp để xây dựng lại Pháo đài làm nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Gia đình ông Chu Đình Dũng được chính quyền cho phép phục dựng Pháo đài trên nền đất cũ. Bây giờ nơi đây là địa điểm để các nhà trường tổ chức học ngoại khóa cho học sinh; là nơi Đoàn thanh niên xã tổ chức kết nạp đoàn viên mới hay nói chuyện truyền thống. Ngày 10-8-2004, Nhà nước đã xếp hạng khu di tích này là di tích lịch sử quốc gia.