Sự cố hy hữu máy bay Mỹ để mất bom nguyên tử
Bom nguyên tử Mark 15 |
Một đêm đông đầu tháng 2 năm 1958, quả bom nguyên tử Mark 15 rơi xuống vùng biển ngoài khơi đảo Tybee, gần Savannah, bang Georgia, Mỹ.
Hôm đó, chiếc B-47 xuất phát từ căn cứ Homstead ở Florida, mang theo thứ vũ khí duy nhất là một quả bom hạt nhân nặng 7.600 pound (3.400kg).
Trong bóng tối lúc khoảng 2 giờ sáng, chiếc máy bay ném bom chiến lược này đã bị một tiêm kích F-86 đang bí mật bay huấn luyện va phải. Chiếc F-86 rơi, phi công bật ghế phóng khỏi máy bay thoát chết. Trong khi đó, chiếc B-47 to lớn vẫn trụ lại được trên không, nhưng rớt từ độ cao 12.000 mét xuống còn 5.500 mét trong lúc cơ trưởng Richardson tìm cách lấy lại quyền kiểm soát.
Để bảo vệ phi hành đoàn khỏi một vụ nổ có thể xảy ra sau va chạm, phi công chiếc B-47 đã quyết định thả "món hàng nóng" xuống biển. Việc thả quả bom khổng lồ giúp giảm tải trọng của máy bay và cũng ngăn quả bom phát nổ trong quá trình hạ cánh khẩn cấp. Được sự cho phép từ sở chỉ huy, cơ trưởng chiếc B-47 nhanh chóng bấm nhút thả quả bom khi đang bay với tốc độ 370 km/h. Phi hành đoàn không nhìn thấy vụ nổ xảy ra khi quả bom va vào mặt biển. Sau đó họ hạ cánh an toàn xuống căn cứ gần nhất là Hunter Air Base.
Sau sự cố, phi công chiếc B-47, Đại tá Howard Richardson còn được trao huy chương Chữ thập bay Ưu tú.
Bom nguyên tử Mark 15 là vũ khí chiến lược của Mỹ trong những năm 1950, với khoảng 1.200 quả được chế tạo. Đây là dạng bom chuyển tiếp giữa vũ khí phân hạch và nhiệt hạch. Mỗi quả dài 3,65 m, nặng 3.400 kg, sử dụng nhiên liệu là uranium làm giàu ở cấp độ cao. Trọng lượng và kích thước vừa phải là ưu thế của Mark 15 so với các loại bom nguyên tử cùng thời.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Không quân Mỹ đã huy động lực lượng lớn để tìm quả bom mang mã số 47782, chứa 180kg thuốc nổ mạnh truyền thống và uranium làm giàu mức độ cao. Nỗ lực tìm kiếm kéo dài hai tháng không mang lại hiệu quả vì thời tiết xấu, nước lạnh và tầm nhìn dưới nước quá hạn chế. Ngày 16/4/1958, quân đội Mỹ buộc phải tuyên bố Mark 15 biến mất vĩnh viễn dưới đáy biển.
Nhà chức trách Mỹ khẳng định quả bom không gây nguy hiểm tới người dân sống quanh khu vực. Họ tin rằng lớp vỏ kim loại dày sẽ giúp nhiên liệu phóng xạ bên trong Mark 15 không bị rò rỉ. Tuy nhiên, tuyên bố này không đủ trấn an người dân Mỹ. Nỗi khiếp đảm từ quả bom dài hơn 3,5 m vượt xa mọi nỗi sợ từ cá mập ăn thịt người hay sứa độc.
60 năm sau sự cố hy hữu, nơi Mark 15 thất lạc được đánh dấu bằng một tấm biển với dòng chữ viết tay nguệch ngoạc dù nỗi ám ảnh từ nó ngày càng gia tăng. Trong hàng nghìn báo cáo, chỉ có một bản duy nhất của Không quân Mỹ khẳng định quả bom không còn giá trị của vũ khí hạt nhân và nó không thể nổ vì đã khoang hạt nhân, được sử dụng để kích hoạt phản ứng hạt nhân, đã được tháo bỏ trước chuyến bay. Nhà sử học Douglas Keeney đã gọi báo cáo này là “lố bịch” đồng thời dẫn tài liệu trong phiên điều trần năm 1966 trước Quốc hội Mỹ cho biết Mark 15 không chỉ chứa uranium mà còn có cả plutonium. Tại phiên điều trần, Thứ trưởng Quốc phòng W. J. Howard nói rằng, quả bom thả xuống gần đảo Tybee là một "vũ khí đầy đủ, một quả bom với khoang hạt nhân". Nếu một vụ nổ hạt nhân xảy ra, sức công phá của nó sẽ lớn gấp 100 lần quả bom Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.
Dù chính phủ Mỹ đã ngừng tìm kiếm quả bom, nó vẫn luôn ám ảnh người dân địa phương. Họ lo sợ Mark 15 bị dạt vào gần bờ, hay rơi vào tay những thế lực khủng bố.
Năm 2004, Trung tá không quân nghỉ hưu Derek Duke đã dẫn đầu một đội tìm kiếm quả bom hạt nhân. Nhóm của ông phát hiện nồng độ phóng xạ cao ở vùng nước nông ngoài khơi Savannah. Tuy nhiên, các điều tra chuyên sâu kết luận hiện tượng này bình thường, và nồng độ phóng xạ cao là do các khoáng chất tự nhiên trong khu vực.
Những mối lo ngại vẫn tiếp diễn, nhưng tới năm 2007, nhà chức trách vẫn không phát hiện một hàm lượng ô nhiễm phóng xạ bất thường nào ở tầng ngậm nước của khu vực Thượng Florida.
Tháng 2/2015, bỗng xuất hiện thông tin trên một tờ báo cho rằng quả bom đã được các thợ lặn người Canada tìm thấy và sau đó được di dời khỏi vịnh. Thông tin giả mạo này nhanh chóng lan truyền khắp các mạng xã hội.
Cho đến nay dấu vết quả bom Mark 15 vẫn là một bí ẩn, nhưng vụ va chạm dẫn đến sự cố với quả bom thì đã trở thành đề tài của một cuốn tiểu thuyết có tên "Three Chords & The Truth" của tác giả Craig McDonald, xuất bản tháng 11/2016.
Thu Hằng/Báo Tin tức