Su-35 sẽ đắt như tôm tươi nhờ “ăn theo” chiến sự Syria?
"siêu chiến đấu cơ" Su-35 của Nga |
Mối quan tâm của các lực lượng vũ trang nước ngoài đối với các dòng máy bay của Nga đang tăng mạnh nhờ thành công của chiến dịch không kích IS của lực lượng không quân vũ trụ nước này tại Syria. Năm nay Nga sẽ bắt đầu giao lô hàng chiến đấu cơ Su-35 với trị giá hợp đồng 2 tỷ USD cho Trung Quốc và tiếp sau sẽ là các quốc gia khác.
Loại chiến đấu cơ này trong những năm gần đây cũng được triển khai nhiều trong Lực lượng không quân Nga. Liên quan tới vấn đề này, các chuyên gia quân sự đặt ra câu hỏi, liệu ngành công nghiệp Nga có đủ năng lực để đảm bảo việc cung cấp Su-35 phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo một nguồn tin quân sự - ngoại giao của Hãng TASS, “nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch” thì Nga sẽ bắt đầu bàn giao các chiến đầu cơ Su-35 đầu tiên cho Trung Quốc vào cuối năm nay.
Đại diện Công ty sản xuất máy bay thống nhất Nga (UIC) thuộc Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec thông báo, họ đã bắt đầu sản xuất các bộ phận của lô Su-35 theo đơn đặt hàng của Trung Quốc. “Việc giao hàng sẽ được thực hiện theo đúng thời hạn trong hợp đồng đã ký kết”, đại diện UIC cho biết.
Su-35 (định danh NATO là Flanker-E+) - chiến đấu cơ phản lực đa nhiệm tầm xa thế hệ 4++ được phát triển bởi Cục Thiết kế Sukhoi, là phiên bản hiện đại hóa sâu rộng của T-10S. Phiên bản tiên tiến nhất của dòng máy bay này là Su-35S.
Ngang bằng với tiêm kích thế hệ thứ 5
Su-35 được xếp vào dòng tiêm kích thế hệ 4++ là theo nguyên tắc, còn nếu kết hợp các đặc tính loại máy bay này phải gần ngang bằng với các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. Ngoại trừ việc sử dụng công nghệ tàng hình và radar với anten mảng pha thụ động, Su-35 đáp ứng hầu hết các yêu cầu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Vào năm 2009, Hãng Sukhoi đã ký hợp đồng cung cấp 48 chiếc Su-35 cho Bộ Quốc phòng Nga đến cuối năm 2015. Tháng 12/2015, Hãng này tiếp tục ký hợp đồng thứ hai – bàn giao 50 chiến đấu cơ loại này cho Bộ Quốc phòng đến năm 2020.
Giám đốc Hãng Sukhoi Yuri Slusar cho hay, hợp đồng mới trong thời hạn 5 năm sẽ cho phép Nhà máy sản xuất máy bay Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO) có đủ thời gian sản xuất kịp theo đơn đặt hàng.
Các nguồn tin khi đó cho biết, tổng giá trị hợp đồng mới lên tới 100 tỷ rúp. Nhưng hôm thứ hai vừa qua (11/01), các nhà quản lý của UIC đã công bố, hợp đồng mới có giá trị hơn 60 tỷ rúp.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ký hợp đồng mua Su-35 của Nga. Thỏa thuận mua 24 chiếc Su-35 giữa Trung Quốc và Nga được ký kết vào tháng 11/2015 với trị giá 2 tỷ USD (khoảng 83 triệu USD/chiếc).
Lần đầu tiên Trung Quốc tỏ ý quan tâm đến thiết kế mới nhất của Hãng Sukhoi là tại Triển lãm hàng không – vũ trụ Airshow China năm 2008. Khi đó Tổng tư lệnh Không quân Trung Quốc, thượng tướng Siu Tsilian đã tham quan và tìm hiểu về Su-35.
Ông Siu Tsilian đã đánh giá cao đặc tính kỹ chiến thuật và hiệu quả bay của Su-35. Đến năm 2011, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức đưa ra đề nghị mua chiến đấu cơ thế hệ mới này với Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự LB Nga. Cuối năm 2012, 2 bên đã ký thỏa thuận sơ bộ nhưng mãi tới 3 năm sau các điều kiện về tài chính và kỹ thuật (của hợp đồng) mới được thông qua.
Sở dĩ có sự chậm trễ như vậy là do phía Trung Quốc đã yêu cầu sửa đổi kết cấu máy bay, ví dụ như trang bị hệ thống điện tử của Trung Quốc vào buồng lái của phi công. Theo nhà quản lý hàng đầu của một trong những công ty sản xuất máy bay, hợp đồng giữa Trung Quốc và Nga không bao gồm giấy phép sản xuất máy bay (Su-35) ở Trung Quốc, có nghĩa là, khách hàng sẽ nhận được các máy bay đã sẵn sàng để hoạt động.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, việc mua Su-35 của Nga là không thể tránh khỏi, vì chiến đấu cơ J-11 do Trung Quốc tự sản xuất đã không thu hẹp được khoảng cách về trang thiết bị (hiện đại) với các chiến đấu cơ của lực lượng Không quân quốc gia khác.
Theo truyền thông Trung Quốc, máy bay Su-35 mua của Nga sẽ được Trung Quốc sử dụng để tuần tra các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, nơi có tàu của Mỹ ra vào. Khả năng cất cánh trên đường băng ngắn của siêu tiêm kích này sẽ cho phép đặt chúng trên các đảo nhân tạo.
Ngoài ra, điều quan trọng với Bắc Kinh là Nga sẽ bán Su-35 kèm theo một loạt các hệ thống hiện đại (công nghệ) như: radar Irbis-E có khả năng phát hiện máy bay tàng hình F-35 của Mỹ ở khoảng cách 90km và động cơ phản lực 117S.
Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia Châu Á cũng tỏ ra quan tâm tới Su-35 đặc biệt là Pakistan và Indonesia. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia vào tháng 09/2015 đã tuyên bố dự định mua một phi đội máy bay Su-35 để thay thế cho các chiến đấu cơ F-5 Tiger đã lỗi thời của Không quân Mỹ.
Vào tháng 12/2015, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết, thành công của Lực lượng Không quân Nga ở Syria dẫn tới việc rất nhiều đối tác nước ngoài muốn mua máy bay của Nga.
“Hiện tại, các mẫu tiêm kích của Không quân Nga khá hiện đại, không thua kém các chiến đấu cơ của phương Tây ở bất kỳ đặc tính nào, đặc biệt là Su-34 và Su-35. Đây là niềm tự hào của lực lượng vũ trang của chúng tôi. Bạn biết đấy, hiện nay các tiêm kích này đang chứng minh khả năng của mình, điển hình là trong cuộc chiến tại Syria. Đang có một hàng dài các quốc gia đợi đặt mua chúng”, ông Borisov phát biểu.
Tiêm kích Su-35 của Không quân Nga. |
Không tách rời khỏi sản xuất
Su-35 được trang bị cho Không quân Nga từ năm ngoái đã tham gia vào khu vực chiến sự phía Đông, được coi là bao gồm cả không phận sát biên giới Trung Quốc. Trong khi đó, xuất hiện thông tin cho rằng, Trung Quốc sẽ nhận các máy bay chiến đấu giống như phiên bản của Không quân Nga.
Tuy nhiên, như nhà phân tích Vadim Kozyulin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Nga đã nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Quan điểm, sẽ có sự khác nhau đáng kể giữ phiên bản xuất khẩu Su-35 của Trung Quốc và Su-35 được trang bị cho Không quân Nga: “Phía Trung Quốc đặt mua máy bay với những yêu cầu riêng tất nhiên là không giống như Nga. Tôi nghĩ rằng, sự khác biệt là cần thiết. Chắc chắn Trung Quốc đã chỉ định các thiết bị khác trên máy bay để thiết lập các hệ thống riêng biệt cho mình. Vì thế, chúng sẽ là những máy bay khác với Su-35 của Không quân Nga. Và theo như tôi biết, khi xuất khẩu vũ khí, Nga luôn dự trù các kịch bản trong tương lai. Vì thế, sẽ có một số khác biệt về thông số kỹ thuật giữa các máy bay Nga và phiên bản xuất khẩu sang nước ngoài”.
Các chuyên gia Nga tỏ ra hoàn toàn tin tưởng, rằng ngành công nghiệp hàng không của Nga sẽ đảm bảo để các hợp đồng xuất khẩu không ảnh hưởng tới lực lượng Không quân của nước mình.
Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Igor Korotchenko cho biết: “UIC và Hãng Sukhoi sẽ đảm bảo thực hiện hợp đồng vì lợi ích của Không quân Nga và của khách hàng Trung Quốc. Nhà máy sản xuất máy bay Komsomolsk-on-Amur sẽ là đơn vị sản xuất chính. Đây là nhà máy lớn, được đầu tư công nghệ hiện đại, các máy điều khiển và đội ngũ kỹ sư lành nghề”.
Còn chuyên gia Kozyulin thì cho rằng: “Thời điểm này, các hợp đồng xuất khẩu đã cứu nguy cho ngành công nghiệp hàng không của chúng ta. Tất nhiên đôi khi sẽ xảy ra trường hợp các vũ khí xuất khẩu không được giao đúng thời hạn,… chung quy là do thiếu chi phí sản xuất. Nhưng nếu những vấn đề đó phát sinh thì nó không quá quan trọng vì thu nhập ngoại hối trong ngành công nghiệp hàng không sẽ giúp xử lý tình huống”.
Su-35 là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, siêu cơ động, chiếm ưu thế trên không thuộc thế hệ 4++ được hãng Sukhoi phát triển. Su-35 được trang bị các công nghệ của dòng tiêm kích thế hệ thứ 5.
Tính năng đặc biệt của Su-35 - hệ thống điều khiển điện tử dựa trên hệ thống quản lý thông tin kỹ thuật số, radar hiện đại cho phép Su-35 có khả năng phát hiện các mục tiêu ở phạm vi rộng, có thể bắn hạ đồng thời các mục tiêu hộ tống. Động cơ mới giúp Su-35 tăng lực đẩy và lực xoay.
Tiêm kích Su-35 là loại “siêu chiến đấu cơ” thế hệ 4++, có khả năng cơ động nhất hiện nay của lực lượng Không quân Nga. Chúng có tính năng kỹ chiến thuật vượt trội so với các loại chiến đấu cơ nước ngoài cùng thế hệ.
Tiêm kích Su-35 có thể phát hiện và tiêu diệt kẻ thù (mục tiêu) ở khoảng cách 400 km. Nó có thể tấn công đồng thời các mục tiêu mặt đất, trên không và trên biển.
Su-35 là loại máy bay duy nhất trên thế giới có thể xoay vòng 360 độ khi bay theo phương nằm, phương mà không cần giảm tốc độ. Hoặc trong khi tham chiến nó có thể giảm tốc độ từ 600km/h về gần bằng 0km/h và lơ lửng trên bầu trời trong vòng 8 giây.