Stalin từng mơ hải quân Nga thống trị đại dương
Tạp chí National Interest viết, sau Thế chiến II lãnh đạo Liên Xô (cũ) Josef Stalin đã có mong muốn xây dưng một lực lượng hải quân hùng mạnh với nhiều chiến hạm lớn, có thể gây dựng ảnh hưởng ở cả Châu Âu và Châu Á.
Khi Thế chiến II diễn ra, Liên Xô đã không chú trọng phát triển hải quân. Thực tế, phần lớn những chiến dịch của Liên Xô chống Đức đều chủ yếu được thực hiện bởi lực lượng quân đội hùng hậu, với sự hỗ trợ của không quân. Trong khi đó, Hải quân Liên Xô lại có vai trò rất giới hạn, khi họ chỉ có nhiệm vụ hộ tống các thiết bị do Mỹ cung cấp, cũng như tấn công quy mô nhỏ quân đội Đức trong khu vực biển Baltic và Biển Đen.
Tàu chiến Oktyabrskaya Revolutsiya của Liên Xô năm 1934. |
Đến giữa năm 1945, Stalin hiểu rằng sau khi Phát xít Đức bị tiêu diệt, Hải quân Mỹ và Anh sẽ khẳng định vị thế của họ trên các vùng biển thế giới. Nếu không có một lực lượng hải quân lớn, Liên Xô không thể được gọi là một thế lực quân sự trên thế giới.
Thế nhưng, sau Thế chiến II tàu chiến cỡ lớn đã trở thành một loại khí tài lỗi thời. Tàu sân bay đã thay thế chiến hạm để thống trị biển khơi khi các tàu chiến của Nhật Bản bị nhấn chìm bởi máy bay tiêm kích sau hàng loạt các trận hải chiến ở Thái Bình Dương. Sau chiến tranh, các nước phương Tây dần từ bỏ chế tạo chiến hạm và đầu tư vào các tàu sân bay.
Trong một cuộc họp cấp cao diễn ra vào tháng 9/1945, Stalin đã khước từ việc chế tạo tàu sân bay và yêu cầu Hải quân Liên Xô hoàn thành chiến hạm Sovetskaya Rossiya. Con tàu này đã được khởi công từ năm 1940 nhưng vẫn chưa thể được hoàn thiện khi chiến tranh kết thúc. Ông cũng ra lệnh chế tạo 2 tàu chiến Dự án 24 có trọng lượng 75.000 tấn và 7 tàu Dự án 82 nặng 36.500 tấn, được trang bị 9 pháo, và chỉ phê duyệt đóng 2 tàu sân bay hạng nhẹ.
TàuSovetskaya Rossiya |
Thất bại của kế hoạch đóng tàu này đã được dự báo từ trước. Liên Xô không có đủ cơ sở hạ tầng để chế tạo tàu chiến với quy mô lớn. Thêm vào đó, chiến tranh đã khiến nền công nghiệp của đất nước bị điêu đứng. Kế hoạch của Liên Xô buộc phải thay đổi: 2 con tàu nặng 75.000 tấn không bao giờ được đóng, và chỉ 2 trong số 7 tàu nặng 36.500 tấn mới bắt đầu được chế tạo, song không bao giờ được hoàn thành. Năm 1953, Stalin qua đời và kế hoạch phát triển hạm đội siêu chiến hạm của Liên Xô bị đình chỉ hoàn toàn.
Trong khi đó, phương Tây luôn lo sợ việc Liên Xô sẽ có trong tay các siêu chiến hạm. Nhiều tạp chí thời đó đã tung ra những lời đồn rằng Liên Xô đang chế tạo 7 tàu chiến mới có biệt danh là K-1000 tại các xưởng ở vùng Siberi (Nga).
Bảy tàu này có trọng lượng vào khoảng 36.000 đến 55.000 tấn, nhỏ hơn nhiều so với các tàu mà Stalin đã từng chấp thuận chế tạo. Chúng được cho là có tốc độ từ 25 đến 33 hải lý/giờ và được trang bị hàng chục loại pháo hạng nặng, đồng thời cũng có cả tên lửa định hướng.
Tuần dương hạm lớp Kirov của Liên Xô có lượng choán nước khoảng 28.000 tấn là một trong những tàu chiến lớn nhất thế giới |
Sau đó, người ta đã phát hiện rằng đây là những tin đồn thất thiệt. Chính phủ Liên Xô đã lợi dụng những thông tin được đăng tải trên báo chí phương Tây để tung hỏa mù. Điều này đặc biệt có lợi cho Moscow, bởi nếu các nước NATO thực sự tin rằng Liên Xô sẽ sớm có trong tay các siêu chiến hạm, NATO sẽ phải tìm cách để đối phó và ngân sách quân sự của họ sẽ bị hao mòn.
Sau cùng, Liên Xô không chú trọng phát triển Hải quân và tiếp tục đẩy mạnh củng cố sức mạnh của lực lượng trên bộ. Mặc dù Liên Xô có 4 tàu lớp Kirov vào những năm 1980, song chúng không thể nào so được với những tàu chiến khổng lồ mà Stalin đã từng muốn chế tạo nhiều năm về trước.