"Sốt đất" vùng ven Hà Nội hạ nhiệt, nhà đầu tư tính bán tháo
Giao dịch bất động sản ở các huyện vùng ven trung tâm Hà Nội đang rơi vào trầm lắng, giá đất không còn hiện tượng tăng và nhiều nhà đầu tư chịu áp lực tài chính đã bắt đầu cắt lỗ, bán tháo.
"Sốt đất" đã hạ nhiệt
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản ven Hà Nội liên tục xảy ra các cơn "sốt đất". Theo đó, nhiều khu vực giá đất tăng mạnh, thậm chí có nơi đã tăng gấp 2 - 3 lần chỉ so với trước năm 2019.
Tuy nhiên, hiện tại, thị trường bất động sản Hà Nội và vùng ven đang có dấu hiệu chững lại. Nhiều nhà đầu tư tay ngang đang "đứng ngồi không yên" vì không rút được vốn để chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt hơn.
Ghi nhận của Dân trí, giá đất tại nhiều khu vực từng là điểm nóng hồi đầu năm 2021 giờ đã hạ nhiệt, mức giá chững lại. Cụ thể, các lô đất thổ cư Hòa Lạc, giá đất vẫn dao động 9- 25 triệu đồng/m2. Giá khu vực Đồng Mô, Yên Bài (Ba Vì) giá khoảng 5 - 7 triệu đồng/m2 nhưng có diện tích lớn, tương đương giá trị 5-10 tỷ đồng/lô.
Tại Sóc Sơn, giá đất thổ cư tại xã Phù Lỗ dao động 15 - 30 triệu đồng/m2. Một số xã tại huyện này có giá rẻ hơn như Minh Tân, Minh Trí trên dưới 10 triệu đồng/m2…
Tại huyện Hoài Đức, một trong những điểm nóng về đất đai tại Hà Nội, những ngày này trở nên vắng lặng. Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản tại khu vực này thừa nhận, mới chỉ đầu năm nay, mỗi ngày văn phòng bán được 3 - 4 lô đất nhưng 2 tháng nay không bán được lô nào.
Tương tự, các huyện vùng ven Hà Nội như: Thạch Thất, Mê Linh, Quốc Oai… giao dịch bất động sản trầm lắng hơn, giá đất không còn hiện tượng tăng nữa và nhiều nhà đầu tư chịu áp lực tài chính đã bắt đầu cắt lỗ.
Anh Nguyễn Thế Nam - một nhà đầu tư bất động sản - chia sẻ, anh đang bị "chôn vốn" khoảng hơn 3 tỷ đồng vào 2 lô đất nền ở Thạch Thất. Dù đã đưa về mức giá mua vào và rao bán nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa thể bán được.
"Thị trường đang rơi vào tình trạng trầm lắng, việc đăng tin rao bán cũng rầm rộ nhưng không có khách hỏi. Nếu tiếp tục tình trạng này, tôi sẽ phải chấp nhận cắt lỗ để thu hồi vốn làm việc khác", anh Nam nói.
Thị trường trầm lắng do đâu?
Một trong nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản trầm lắng được giới đầu tư cho biết là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu cơ quan liên quan kiểm soát việc giải quyết thủ tục về chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất gồm đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không có đất ở…
Anh Nguyễn Đức Hải - một môi giới nhà đất ở Hà Nội chia sẻ, sau lệnh siết tách thửa trên, thị trường bất động sản ven Hà Nội trở nên vắng vẻ. Khiến thị trường vùng ven xuất hiện tình trạng cắt lỗ, nhưng vẫn ở mức thấp và chưa hình thành xu thế bán tháo.
Không ít môi giới nhà đất tại các vùng ven của Hà Nội cũng thừa nhận, trước đây những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tìm về mua mảnh đất rộng rồi tách thửa bán lại thì nay cũng không có người về mua. Điều này đã khiến thị trường vùng ven những năm qua liên tục sốt đất.
Ở góc độ chuyên gia bất động sản, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội - phân tích, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đà tăng giá bất động sản được dự báo sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí phát triển leo thang cùng với nhu cầu đầu tư nhà đất bùng nổ tại nhiều thị trường.
Còn theo một số chuyên gia bất động sản khác, giá bất động sản tăng là xu hướng tự nhiên, nguyên lý của thị trường ở những khu vực được đầu tư hạ tầng đồng bộ nhưng nếu tăng nóng ăn theo quy hoạch, xây dựng hạ tầng thì đó là biểu hiện bất thường của hoạt động đầu cơ.
Với 3 tỷ đồng, có nên đầu tư đất vùng ven TP.HCM thời điểm này?
Giá bất động sản ở TP.HCM đã xác lập mặt bằng mới, trong đó có vùng ven. Liệu đầu tư nhà đất vùng ven TP Hồ Chí Minh thời điểm này có muộn? Nếu đầu tư cần chú ý những điều gì để tránh chôn vốn quá lâu mà không sinh lời?
Theo Dân trí