Sống chung với Covid-19, nhà hàng, quán ăn mở cửa như thế nào?
Theo Dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi sống chung với Covid-19 thì tuỳ theo các cấp độ để các dịch vụ thiết yếu được mở cửa. Các cấp độ chia theo 4 tiêu chí dựa trên số ca mắc/tuần/100.000 dân.
Không ca cộng đồng mới, Hà Nội nên cho mở hàng quán, tập thể thao ngoài trời
“Những hoạt động ngoài trời nguy cơ thấp, kể cả cửa hàng quán ngoài trời thì cần được phép hoạt động trở lại sớm”, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng nói.
Theo Dự thảo của Bộ Y tế, các mục tiêu để chung sống với Covid-19 đó là giảm số ca mắc Covid-19, giảm số tử vong do Covid-19. Khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh có ca nhiễm tại cộng đồng.
Theo đó, tuỳ theo từng mức độ có thể nới lỏng các giãn cách để phục vụ các hoạt động kinh tế xã hội. Ví dụ Bộ Y tế phân theo vùng, tính toán số ca mắc Covid-19 trên 100.000 dân/tuần dựa trên thực tế ở từng địa phương.
Theo đó, cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ. Cấp độ này số ca mắc lớn hơn 150 ca/100.000 dân/1 tuần, dưới 70 % người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin.
Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam, số ca mắc từ 50 -150 ca/100.000 dân/1 tuần. Từ 70 % người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin.
Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng. Số mắc mới/100.000 dân /1 tuần là 20 – 50 ca. Từ 70% trở lên người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin
Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Số mắc mới/100.000 dân/1 tuần là dưới 20 ca.
Chỉ số bắt buộc áp dụng trên 80%-95% người trên 50 tuổi được tiêm đủ 02 liều vắc xin: nếu không đạt được chỉ số này thì phải nâng lên 1 cấp độ dịch.
Thời gian thay đổi cấp độ này là 72h. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình dịch quyết định cấp độ dịch và các biện pháp thích ứng an toàn.
Đối với các cấp độ trên, các nhà hàng, quán ăn hoạt động đảm bảo phòng, chống dịch tuỳ theo cấp độ. Cấp độ 4 dừng hoạt động, cấp độ 3 bán mang về, cấp độ 2 giãn cách 50 %, cấp độ 1 hoạt động bình thường.
Ảnh minh hoạ. |
Cơ sở kinh doanh các dịch vụ khác như cắt tóc chỉ dừng hoạt động ở cấp độ 4. Các hoạt động spa, mát xa, vũ trường, karaoke, quán bar chỉ hoạt động khi đảm bảo chống dịch ở cấp độ 1 hoặc các cơ sở khác do địa phương quyết định và đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Người dân cần tuân thủ 5K khi tham gia hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà; đi lại; học tập; đến trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn; tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục, thể thao, tham quan du lịch, các sự kiện văn hóa nghệ thuật, mít tinh, phát động; các dịch vụ không thiết yếu; đi lại của người dân giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau; tự lấy mẫu xét nghiệm; điều trị tại nhà.
Theo PGS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, với lộ trình nới lỏng giãn cách thì chúng ta vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch. PGS Phu cho rằng trong quá trình nới lỏng, một số hoạt động tụ tập đông người, gây nguy cơ bùng phát dịch vẫn có thể phải cấm hoặc tạm ngưng.
Đối với các hoạt động kinh doanh thiết yếu, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, hoạt động kinh tế của địa phương có thể cho phép hoạt động nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân cần được hoạt động thì vẫn phải kiểm soát tốt. PGS Phu cho rằng mỗi bộ, ngành, cơ sở, doanh nghiệp cần xây dựng các biện pháp phòng chống dịch cho riêng mình.
Đối với các sản phẩm mặt hàng thiết yếu như nhà hàng, quán bia là nơi tụ tập đông người nên vẫn cần thận trọng, việc mở cửa theo lộ trình thích ứng với tình hình dịch bệnh. Các tỉnh, thành phố này có thể tiến tới việc đưa ra chính sách nới lỏng tại từng vùng, từng quận, huyện như TP.HCM, Bình Dương đã đưa ra trong thời gian qua, mở cửa vị trí hẹp rồi mở rộng dần.
Mỗi địa phương, vùng miền, tùy tình hình dịch mà cần đưa các biện pháp phòng bệnh thích hợp. Đó là điều chúng ta buộc phải làm để thích ứng trong giai đoạn mới. Để thích ứng với Covid-19 thì không phải không có ca mắc mà chúng ta phòng chống làm sao để không để số ca mắc tăng quá cao vì tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp. Nếu số ca mắc tăng cao sẽ gây gánh nặng cho hệ thống y tế, quá tải hệ thống y tế thì tỷ lệ tử vong sẽ tăng.
K.Chi