Sốc với tâm lý 'trước sau cũng mắc Covid-19', bác sĩ lên tiếng
Nhiều người trẻ có tâm lý buông xuôi vì nghĩ rằng trước sau cũng trở thành F0. Các bác sĩ cho rằng điều này vô cùng nguy hiểm.
Gia đình chị Nguyễn Hồng V. (Cầu Giấy, Hà Nội) chuẩn bị về nghỉ Tết dương lịch thì tình cờ phát hiện ra mình trở thành F0 khi chỉ vô tình test cho vui. Chị V. vừa mua được hộp test nước bọt, thấy cổ ngứa, vướng nên lôi ra test. Kết quả test lên hai vạch, chị V. không tin test lại vẫn như cũ. Cả nhà cùng test thì đều dương tính.
Chị V. cũng không rõ lây từ đâu, bản thân chị phòng bệnh rất kỹ nhưng vì ông xã của chị chủ quan lúc nào cũng nghĩ trước sau gì chẳng mắc nên vẫn ra ngoài đi làm, ăn uống bình thường.
Đang băn khoăn về việc Tết có ra ngoài Bắc ăn tết với gia đình không thì anh Bùi Văn Danh – 36 tuổi, trú tại Bình Thạnh, TP.HCM lại phát hiện mình dương tính với Covid-19. Anh Danh kể thấy người mệt nên anh mua que test về test thử. Kết quả, anh Danh dương tính với Covid-19. Lúc này, anh không hoảng sợ vì thấy may không xảy ra vào dịp Tết. Nếu bây giờ mắc bệnh thì Tết về quê thoải mái không lo lây cho người nào khác.
Tự xét nghiệm Covid-19. |
Những ngày này, anh Danh cũng nhận được nhiều chia sẻ của mọi người cho rằng trước sau gì cũng thành F0 thì thời điểm này là thời điểm thích hợp, khi mắc Covid-19 sẽ thành 'bất tử với Covid' không tái nhiễm lại.
Nếu so với thời điểm trước, hiện tại ai mắc Covid-19 ở thời điểm này may mắn hơn vì đã được tiêm vắc xin không còn bị virus “hành” như trước. Trong thời gian điều trị tại nhà anh Danh cũng kịp thời đặt vé máy bay về quê ăn Tết với gia đình. Khi chưa thành F0 anh còn chần chừ, giờ đã qua giai đoạn mình có thể là nguồn lây cho gia đình thì anh lại thấy tốt.
Hay như chị Nguyễn Hoàng Trang (39 tuổi, Hà Nội) suy nghĩ rằng trước sau gì cũng trở thành F0 thì chị chấp nhận đến với mình bình thường, số ca mắc càng nhiều thì nhanh có miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, theo PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, trường Đại học Y dược TP.HCM quan điểm trước sau gì cũng mắc, mắc sớm còn hơn là rất nguy hiểm cho cộng đồng.
PGS Dũng cho biết ai cũng có tâm lý như thế thì kiểm soát dịch vô cùng khó. Bởi vì nếu ai cũng có tâm lý buông xuôi không phòng bệnh cho mình và gia đình, tự tin vì đã được tiêm 2 mũi, 3 mũi vắc xin thì số ca mắc tăng cao. Ví dụ một ngày có 20 nghìn ca nhiễm chỉ 2% số đó cần hỗ trợ y tế thì cũng gây quá tải cho các cơ sở y tế, khiến những người bệnh khác không được chăm sóc tốt.
Hơn nữa, PGS Dũng cho rằng trong cộng đồng không phải ai cũng được chăm sóc y tế tốt. Nhiều người có bệnh nền âm thầm trong người nhưng không đi khám, theo dõi sức khoẻ thường xuyên thì khi mắc Covid-19 sẽ là gánh nặng với chính sức khoẻ của bản thân họ.
Ngay kể cả đối với tăng huyết áp thì 25% dân số Việt Nam trên 25 tuổi đã mắc bệnh này, gần 4 triệu người mắc đái tháo đường tuyp 2, có những người chưa được điều trị nếu tâm lý đằng nào cũng mắc thì vô cùng nguy hiểm.
Về mặt y tế dự phòng, PGS Dũng cho rằng dù biến thể mới có nhẹ, không gây tử vong như các chủng cũ thì nguyên tắc vẫn không thể thả để lấy miễn dịch cộng đồng tự nhiên mà vẫn kiểm soát để làm chậm quá trình lây nhiễm. Cá nhân vẫn phải tự phòng bệnh cho mình, cho chính gia đình của mình và cho xã hội.
PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết quan niệm đằng nào cũng nhiễm bệnh hoàn toàn sai lầm. Ngay kể cả bản thân BS Nam dù cố gắng phòng tránh nhưng vẫn nhiễm Covid-19 và đó thực sự khủng hoảng vì viêm phổi, người có bệnh nền nên cũng ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Ngoài ra, người nhiễm bệnh còn đối diện với nguy cơ hậu Covid-19 kéo dài cũng ảnh hưởng tới sức khỏe về sau.
PGS Nam khuyến cáo dù đã tiêm đủ vắc xin, sống thích ứng với dịch bệnh chứ không phải là thoải mái nhiễm cũng không sao, nhiễm bệnh rồi 'bất tử với Covid' là không chính xác.
K.Chi