Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn
Tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi đạt 342.300 tấn, sản lượng thủy sản khai thác đạt 74.700 tấn.
Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn. (Ảnh minh họa) |
UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu chung của Kế hoạch là xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tích hợp đồng bộ, lồng nghép, không trùng lặp, kế thừa kết quả thực hiện trong giai đoạn trước.
Ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030; xác định một số nhiệm vụ cụ thể, có tầm nhìn đến năm 2045 mang tính định hướng lâu dài, chiến lược để phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu... hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, đảm bảo đạt năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế...
Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi đạt 342.300 tấn, sản lượng thủy sản khai thác đạt 74.700 tấn; tổng số tàu thuyền trong toàn tỉnh đạt 924 phương tiện, tàu khai thác xa bờ 374 phương tiện.
Đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt.
Ứng dụng công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng trong khai thác thủy sản, tận dụng các phụ phẩm thủy sản để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho cộng đồng ngư dân. Hỗ trợ, tạo điều kiện để cộng đồng ngư dân ven biển chuyển đổi nghề từ các nghề cấm hoặc hạn chế sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng.
Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xác định thủy sản được xem là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực, góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm, an sinh xã hội, xây dựng các làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung của cả nước.
Thảo Nguyên