Sợ dịch bệnh, chồng tự nhốt mình cả tháng, ngại tiếp xúc vợ con
Từ ngày có ca Covid-19 đầu tiên ở Gò Vấp rồi Gò Vấp phải giãn cách theo Chỉ thị 15, chồng chị Hà vẫn chưa ra khỏi nhà, thậm chí cấm vợ con ra ngoài.
Dấu hiệu nhận biết người mắc Covid-19 nặng lên, chuyên gia hướng dẫn bài tập tăng cường sức khoẻ
Giám đốc BV Đức Giang khuyến cáo, người bệnh cần lắng nghe cơ thể mình, đặc biệt là sau khi hoạt động thể lực. Nếu đi bộ trên 10 mét mà thấy hụt hơi thì phải báo cho nhân viên y tế.
Quá sợ dịch bệnh
Chị Trần Minh Hà (tên nhân vật đã thay đổi) trú tại Gò Vấp, TP. HCM kể lại câu chuyện dở khóc dở cười của gia đình chị.
Chồng chị sợ dịch bệnh sợ đến mức thái quá. Gần 2 tháng nay chồng chị không bước chân ra khỏi nhà, luôn ở nhà cập nhật thông tin dịch bệnh rồi phổ biến cho cả nhà. Thậm chí, gia đình có việc gì anh cũng kiên quyết không đi vì sợ dịch.
Trước đây, chồng chị Hà làm tại Malaysia và từ tháng 8/2020 anh được về nước nên vẫn ám ảnh dịch bệnh và đến hiện tại thì tâm lý của anh lúc nào cũng sợ Covid-19 vây nhà mình.
Hàng ngày, anh không cho hai đứa con ra ngoài. Dù muốn ra hành lang chơi, anh cũng cấm. Anh luôn đeo hai cái khẩu trang chỉ khi ăn, ngủ mới tháo ra.
Chị Hà vẫn phải đi làm nhưng mỗi lần bước chân vào nhà nào là điệp khúc rửa tay, thay quần áo… Lúc nào anh cũng sợ vợ mang virus về nhà.
Có lúc chị Hà thấy stress thay chồng chỉ vì anh sợ dịch bệnh thái quá. Vợ chồng ở nhà chạm mặt nhau nhiều lại cãi nhau. Mỗi buổi tối, anh lại đọc số ca mắc to lên cho cả nhà nghe như đọc kết quả sổ số. Chị Hà cảm thấy dịch bên ngoài không đáng sợ bằng dịch ở chính trong nhà mình.
Mẹ chị Hà ở bên Thủ Đức gần bệnh viện dã chiến, chồng chị cũng cấm không cho gia đình sang thăm ông bà vì sợ Covid-19 bay đầy trong không khí. Từ khi giãn cách theo Chỉ thị 16 thì anh càng có lý do đóng cửa chống dịch.
Dù tinh thần chống dịch tốt nhưng chị Hà sợ nếu cứ kéo dài chắc chị là người dầu tiên vào bệnh viện tâm thần.
Chồng chị Vũ Nguyệt An (Thủ Đức, TP.HCM) cũng chẳng khác gì. Hai tháng nay anh không ra khỏi nhà. Anh lo lắng quá, lúc nào cũng đeo khẩu trang, dọn dẹp phòng, tắm rửa sát khuẩn cơ thể.
Anh luôn tự đóng cửa trong phòng, anh còn bắt vợ con đóng hết cửa chính, cửa sổ để phòng virus xâm nhập từ không khí vào. Anh sinh hoạt một mình trong phòng, tách biệt với mọi người trong nhà.
Đến bữa ăn, vợ để cho anh tô cơm ngoài cửa, anh tự lấy ăn. Mỗi lần vợ con hỏi thì anh bảo phải sống như vậy cho an toàn. Các con cũng được anh bảo về phòng từng đứa, không tụ tập nhiều dù cả gia đình hoàn toàn khỏe mạnh.
Ảnh minh họa |
Nên bình tĩnh trước đại dịch
Theo BS Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, dịch bệnh Covid-19, giãn cách xã hội đã gây stress cho con người. Stress cũng có mức độ khác nhau, khi nhẹ con người có thể đối phó được nhưng trường hợp stress nặng, sốc có thể gây hậu quả lớn.
Tâm lý trước một dịch bệnh vẫn còn nhiều mới mẻ và nhiều nguy cơ tiềm ẩn như Covid-19, hơn nữa lại có tốc độ lây lan nhanh chóng thì dường như nỗi lo là thứ thường trực trong suy nghĩ của mỗi người. Nhưng cũng có những người lại lo lắng thái quá, có những cách phòng chống dịch cực đoan.
Bác sĩ Hiển cho rằng để sống chung với dịch bệnh thì cách tốt nhất đó là tuân thủ 5K, có vắc xin thì tiêm và bình tĩnh, luôn suy nghĩ tích cực. Không nên vì sợ hãi quá bởi sợ hãi càng nhiều, lo lắng thì càng rối loạn lo âu nhiều hơn.
Với những người được khuyến cáo không ra ngoài đó là người già, người có bệnh nền, người miễn dịch kém còn lại cũng không nên sợ hãi quá mà nhốt mình cả tháng ở nhà, cách ly hẳn với gia đình mình.
Khi giãn cách ở nhà, tốt nhất là vẫn cần hoạt động tập thể dục ở nhà, đọc sách, đi lại. Người thân trong gia đình quan tâm trò chuyện với nhau hơn nhất là người cao tuổi trong gia đình để họ không cảm thấy lẻ loi, cô đơn.
Mọi người cần cố gắng tối đa hạn chế sự lây nhiễm bằng cách theo đúng hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế.
Bác sĩ Huynh Wynn Trần – Tổ chức y khoa VietMD cũng cho rằng người dân không nên quá sợ hãi dịch bệnh mà cực đoan chống dịch thậm chí ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tâm thần. Dịch bệnh có thể sẽ kéo dài và phải sống chung với nó chứ không phải 1, 2 tuần như trước.
BS Wynn cho rằng cộng đồng cần tuân thủ 5 K đặc biệt là rửa tay chứ không cần thiết thái quá tự nhốt mình trong nhà để dẫn tới các rối loạn lo âu, sợ hãi, trầm cảm.
Khi có các biểu hiện lo âu kéo dài, mệt mỏi, mất ngủ nên liên hệ bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được hỗ trợ sớm – BS Wynn khuyến cáo.
Khánh Chi
Tâm sự của F0 khi cả gia đình vượt qua 'cơn ác mộng' mang tên Covid-19
Chị Dương Hà - bệnh nhân Covid-19 cùng con được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã chia sẻ câu chuyện điều trị Covid-19 của gia đình chị.