Sợ đến bệnh viện, nhiều người trẻ cận kề 'nghĩa trang'
Nhiều trường hợp lười đi khám bệnh, đến khi bệnh bộc phát thì không còn cơ hội, mất đi giai đoạn vàng chữa bệnh.
Anh Nguyễn Thành G, (34 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) gần đây thấy sụt cân, da vàng nhưng anh lười không đi kiểm tra sức khỏe. Tới khi xuất hiện đau âm ỉ ở hạ sườn anh mới đi bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán anh có khối u gan nghi ngờ ung thư.
Anh đến BV Việt Đức kiểm tra lại lần nữa, bác sĩ chẩn đoán ung thư gan nguyên phát. Khối u đã lớn và hiện tại chỉ có thể phẫu thuật để hi vọng kéo dài thêm sự sống. Kiểm tra tiền sử bản thân và gia đình, mẹ anh G. cũng từng bị ung thư gan do viêm gan virus từ 6 năm trước.
Lúc đó, bác sĩ cũng khuyến cáo những người thân trong gia đình phải đi kiểm tra. Bản thân anh G. nhiều lần định đi khám nhưng thấy mình vẫn khỏe nên bỏ qua lời tư vấn đó.
Hàng năm công ty đều có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên nhưng anh G. không đi kiểm tra vì ngại đến viện, hơn nữa cũng e dè có bệnh thêm lo lắng. Đến khi phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, anh G. rất hối hận. Nếu anh tầm soát ung thư gan sớm hơn có thể biết mình đã bị viêm gan virus, được theo dõi phát hiện bệnh sớm hơn.
Ảnh minh họa. |
Không riêng gì anh G. nhiều người trẻ rất ngại đến bệnh viện khám bệnh. BS Nguyễn Phương Nga – nguyên BS Bệnh viện K trung ương cũng chia sẻ có rất nhiều bệnh nhân trẻ khi tới khám đã ung thư giai đoạn cuối chỉ vì ngại đi tầm soát.
BS Nga kể về bệnh nhân Nguyễn Thị H. nhà ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. 32 tuổi thành đạt, giỏi giang làm cho công ty nước ngoài hàng năm đều có đợt kiểm tra sức khỏe nhưng H. không bao giờ đi kiểm tra vì sợ đến bệnh viện.
Chỉ đến khi thấy hiện tượng đau bụng thường xuyên, ra máu thất thường chị H. mới đi kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán ung thư tử cung giai đoạn cuối. BS Nga cho biết mọi người đều lấy làm tiếc vì H. quá trẻ, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể tầm soát sớm nếu H. đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhưng bản thân cô ngại đi khám nhất là khám sản vì nghĩ bản thân chưa chồng con nên không lo mắc bệnh.
Sau khi phẫu thuật, H. được truyền hóa chất nhưng sau đó không qua khỏi do biến chứng của quá trình điều trị ung thư. Người trẻ có nhiều chủ quan nghĩ rằng còn trẻ, khỏe hoặc họ có nỗi sợ như sợ đi khám ra bệnh, những nỗi vô hình nên không muốn đi kiểm tra sức khỏe.
Thạc sĩ - Bác sĩ Âu Thanh Tùng, Trưởng Khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM cho biết rất nhiều người trẻ tới khám ngã ngửa khi biết mình mắc 1 căn bệnh nan y nào đó dù hoàn toàn không có triệu chứng. Bản thân bác sĩ Tùng gặp nhiều người đến khám định kỳ còn cho rằng “khám thế nào nhanh nhất để về, khám để hoàn thành hồ sơ công ty họ không muốn tìm ra bệnh gì vì sợ ảnh hưởng tới công việc.
BS Tùng cho rằng lười khám bệnh, đây là những dấu hiệu đặc trưng có ở rất nhiều người lớn tuổi tại Việt Nam. Hệ lụy của việc này trông thấy rõ, cơ thể ủ bệnh lâu ngày không được phát hiện thì khi bột phát trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Đáng lo ngại là tâm lý ngại, sợ, lười kiểm tra sức khỏe, khám bệnh này lại đang xuất hiện ở số đông các bạn trẻ.
Khám tầm soát không chỉ để đoán bệnh, vấn đề là tầm soát là phát hiện các yếu tố, nguy cơ gây bệnh. Bác sĩ sẽ tư vấn can thiệp vào lối sống, sinh hoạt để giảm yếu tố nguy cơ tiến triển của bệnh. Đặc biệt, bác sĩ sẽ hỏi và tư vấn về lịch tiêm ngừa, như vậy ở mọi lứa tuổi sẽ có những vắc xin phù hợp để phòng ngừa các bệnh.
Ngày nay, sự phát triển của y khoa hiện đại đã sớm giúp nhận biết mức độ trẻ hóa của nhiều loại bệnh khác nhau, bao gồm cả ung thư và các bệnh lý tâm lý dẫn đến nguy cơ tự tử ở giới trẻ. Đặc biệt, việc thiếu cân bằng cuộc sống, lười vận động, ngồi văn phòng quá lâu, thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng không lành mạnh khiến người trẻ hiện nay mắc rất nhiều bệnh về rối loạn chuyển hóa như béo phì, gout, tiểu đường, xương khớp… nếu được tư vấn kịp thời sẽ ít ảnh hưởng tới cuộc sống hơn.
BS Tùng khuyến cáo khám sức khỏe ở người trẻ cần được giáo dục nhiều hơn để tránh trường hợp phát hiện bệnh quá muộn, khi đó điều trị vừa khó khăn, vừa tốn kém.
K.Chi