Số ca tăng nhanh, Cần Thơ tăng cường công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, từ ngày 8/7/2021 đến nay, TP. Cần Thơ liên tục ghi nhận các ca mắc trong cộng động.
Tính đến 17h ngày 30/11, TP đã ghi nhận 26.385 F0, trong đó có 6.205 ca trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ 23,5%, đã điều trị khỏi 12.529 ca (chiếm 47,5%), tử vong 200 ca (chiếm 0,75%). Riêng ngày 30/11, TP ghi nhận thêm gần 1000 ca mắc mới.
TP. Cần Thơ tự đánh giá đang ở cấp độ dịch 3, tuy nhiên do không đạt tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin nên áp dụng cấp độ dịch trên địa bàn thành phố là cấp 4. Về năng lực xét nghiệm, hiện TP.
Cần Thơ có 13 cơ sở xét nghiệm với công suất tối đa hơn 8.200 mẫu đơn/ngày. TP đã triển khai cách ly F1 và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà. Tính đến ngày 30/11, số người cách ly tại nhà là 21.769 người, trong đó có 9.994 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Sở Y tế đã áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng, trong đó gần 300 bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các bệnh viện tầng 3.
PGS Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác theo dõi cách ly F0 tại nhà ở thành phố Cần Thơ. |
Hiện Cần Thơ hiện đang triển khai điều trị F0 tại nhà với các gói thuốc A,B, C. Lực lượng y tế tại các trạm y tế phường rất mỏng, TP. Cần Thơ đã kích hoạt 83 trạm y tế lưu động và thành lập thêm 62 trạm y tế lưu động với sự trợ giúp nhân sự của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp, nhưng số F0 sử dụng thuốc này chưa nhiều. Trong những ngày qua, số lượng ca mắc mới tăng nhiều, số ca cần cấp cứu có xu hướng tăng.
Đánh giá về tình hình dịch tại Cần Thơ, PGS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP Cần Thơ xem xét lại tỷ lệ người trên 50 tuổi đã được tiêm vắc xin, nếu đã đủ 80% người trên 50 tuổi được tiêm vắc xin thì hạ cấp độ dịch xuống cho phù hợp với tình hình dịch thực tế.
Tăng cường giám sát dịch tễ, Thứ trưởng đề nghị tăng cường giám sát dịch tại các địa bàn, các khu vực tụ tập đông người, các đầu mối giao thông, các doanh nghiệp, nhà máy để phát hiện sớm để tách F0 khỏi cộng động. Tại các bệnh viện phải được đảm bảo an toàn, đặc biệt các khoa có bệnh nhân dễ bị tổn thương như khoa bệnh phổi, khoa lão, khoa sản... phải theo dõi tầm soát cao hơn. Các nhân viên y tế cũng cần được ưu tiên tầm soát để đảm bảo an toàn điều trị bệnh nhân.
Ngoài ra, khi địa phương thực hiện bao phủ 2 mũi vắc xin có thời gian đủ 2 tuần sau mũi tiêm thứ 2, thì việc xét nghiệm không nên lặp lại nhiều lần. Đảm bảo xét nghiệm hợp lý, hiệu quả, khoa học, tiết kiệm chi phí.
Trong công tác điều trị, thành phố Cần Thơ đang có hệ thống điều trị tầng 3 khá tốt bao gồm một số bệnh viện, TP cần áp dụng mô hình bệnh viện chị-em để chuyển tuyến hợp lý. Về việc điều trị F0 tại nhà, Cần Thơ triển khai tương đối nhanh, cần đẩy hỗ trợ F0 tiếp cận dịch vụ y tế và thuốc Molnupiravir nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Khánh Chi