Sinh viên Sư phạm ra trường không xin được việc có phải bồi hoàn chi phí đào tạo?
Đó là thắc mắc của rất nhiều thí sinh có hướng “đầu quân” vào ngành sư phạm vì từ sinh viên ngành này được miễn học phí và được cấp 3,36 triệu sinh hoạt phí/tháng.
Trả lời vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, theo Khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục đại học (2019) quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.
Khi em trở thành sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhà trường có trách nhiệm tư vấn và hướng dẫn cụ thể để các em được miễn học phí và hưởng hỗ trợ hằng tháng theo các quy định của Nhà nước.
Hiện nay, thực hiện Nghị định 116, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã cung cấp các thông tin về chỉ tiêu các ngành lên phần mềm hỗ trợ điều phối thông tin cung – cầu của Bộ GD&ĐT để các địa phương tham khảo.
Ảnh minh họa |
“Hiện nay, đã có một số tỉnh thực hiện việc đặt hàng, tuy vậy số lượng này chưa nhiều do đây là cách thức phối hợp mới, cộng với bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên nhiều tỉnh có lẽ cũng chưa tập trung được vào việc này.
Dù vậy, quyền lợi (về học phí và sinh hoạt phí) của sinh viên sư phạm được nhà trường tuyển sinh theo chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT giao hoàn toàn không bị ảnh hưởng”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho biết thêm, trong trường hợp thí sinh không đỗ vào ngành sư phạm, sau khi tốt nghiệp cử nhân thí sinh có thể đăng ký học chương trình nghiệp vụ sư phạm dành cho những người đã có bằng cử nhân có nguyện vọng trở thành giáo viên để được giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.
“Đối với sinh viên các ngành ngoài sư phạm, khi học tập tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, các em sẽ phải đóng học phí. Tuy nhiên, mức học phí của trường không cao, từ 260.000 đến 340.000 đồng/tín chỉ tùy thuộc vào các ngành khác nhau. Trường vẫn thường xuyên có học bổng cho các đối tượng sinh viên có kết quả học tập tốt, sinh viên thuộc diện khó khăn và học bổng của một số tổ chức khác”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói.
Về vấn đề điểm chuẩn, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho hay: “Hiện nay tôi chưa thể khẳng định năm nay điểm chuẩn ngành A, ngành B chính xác là bao nhiêu, tăng hay giảm. Bởi vì, điểm chuẩn xét tuyển của một ngành cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: số lượng thí sinh đăng ký vào ngành đó nhiều hay ít.
Có lẽ, phải đợi sau đợt điều chỉnh nguyện vọng tới đây thì mới có số liệu chính xác. Tuy nhiên, thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn năm 2020 của ngành Sư phạm cũng như cân nhắc thêm xu hướng điểm của năm nay để có lựa chọn đúng và trúng”.
Trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã có nhiều đề xuất để tạo sức hút cho ngành Sư phạm, Nhà nước cũng có các chính sách quan tâm hơn nhất là chính sách với đội ngũ nhà giáo và giáo sinh (cơ hội việc làm, thu nhập, phúc lợi và tôn vinh).
Bên cạnh đó, để chất lượng giáo dục tăng lên hơn hết, mỗi nhà trường, mỗi giáo viên phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của mình để chính bản thân ngành Sư phạm khẳng định được vị thế trong xã hội. Lúc đó ngành sư phạm sẽ tự có sức hút bền vững và lâu dài thay vì chỉ là sức hút mang tính thời điểm.
Hoàng Thanh