'Ngân hàng thực phẩm' trao quà cho hàng trăm sinh viên khó khăn
Ngày 27/8, tại KTX Đại học Ngoại Ngữ - ĐHQG Hà Nội, mạng lưới thiện nguyện Food Banks Vietnam (Ngân hàng thực phẩm) đã trao tặng gói hỗ trợ gồm thực phẩm và khẩu trang y tế cho 118 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội.
Gói hỗ trợ được Ngân hàng thực phẩm dành cho người khó khăn trao tặng bao gồm 1.180kg gạo, 1.180 quả trứng, 118 thùng mì gói, 118 hộp thịt ruốc (loại 500g), gần 100 phần bánh ngọt và 5.000 khẩu trang y tế. Đối tượng tiếp nhận là các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang sống tại KTX nhà trường.
Đại diện Food Banks Vietnam bàn giao các suất quà tặng cho đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội. |
PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ đại diện tiếp nhận gói “Tín dụng yêu thương’’ từ Food Banks Vietnam chia sẻ: ''Việc đón nhận thêm 118 suất quà ý nghĩa của Food Banks Vietnam sẽ giúp nhà trường chủ động hơn trong việc chăm lo cho các em sinh viên. Từ nguồn động viên này, các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ yên tâm học tập, cùng thầy cô và nhà trường vươt qua đại dịch''.
Anh Đỗ Tuấn Minh, đại diện nhóm thiện nguyện cho biết, nhận thấy tại Hà Nội đang có rất nhiều sinh viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Food Banks Vietnam đã lên kế hoạch phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội để tổ chức gửi tặng thực phẩm và những vật phẩm thiết yếu như gạo, trứng, mì gói, khẩu trang... sát cánh với sinh viên vượt qua đại dịch.
Tiêu chí của nhóm là vận động đến đâu trao quà đến đó, công khai thông tin để các nhà tài trợ giám sát và đồng hành.
Trước đó, ngày 25/8, Food Banks Vietnam cũng đã trao 49 suất thực phẩm trị giá 25 triệu đồng cho nhóm sinh viên của Học viện Ngân hàng.
Food Banks Vietnam là mạng lưới thiện nguyện phi lợi nhuận được thành lập giữa thời điểm dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại Hà Nội với mục tiêu xây dựng “Ngân hàng thực phẩm dành cho người khó khăn”.
Hiện nay, mạng lưới đang tập trung hỗ trợ các em sinh viên nghèo, những người lao động mất việc. Những người này không thể đi làm thêm, không thể tiếp tục ra ngoài mưu sinh, thiếu thực phẩm duy trì cuộc sống hàng ngày.
Tuân Nguyễn