Siêu trăng hồng thắp sáng bầu trời vào đêm 26/4
Siêu trăng hồng vào đêm ngày 26/4 sẽ là trăng tròn lớn thứ hai vào năm 2021.
Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA, mặt trăng tròn vào thứ Hai ngày 26/4 sẽ là một trong những lần trăng tròn lớn nhất của năm 2021.
Siêu trăng tháng 4 còn được gọi là trăng hồng, sẽ xuất hiện ở vị trí gần Trái Đất hơn bất kỳ siêu trăng nào khác trong năm nay.
Mặc dù có tên là Siêu trăng hồng nhưng thực tế trăng tròn tháng 4 không xuất hiện với màu hồng. Đây là tên gọi mà người dân bản địa miền đông Bắc Mỹ đặt cho theo loài hoa dại màu hồng đầu xuân Phlox subulata nở rộ vào thời gian này.
Siêu trăng hồng thắp sáng bầu trời vào đêm thứ Hai, ngày 26/4 |
Ngoài ra, còn có các tên gọi khác của Mặt trăng tháng 4 ví dụ như các bộ lạc ven biển Bắc Mỹ gọi là Mặt trăng cỏ nảy mầm, Mặt trăng quả trứng, NASA gọi là Mặt trăng cá vì cá tuyết (Alosa sapidissima ) bơi ngược dòng vào thời điểm này trong năm để đẻ trứng.
Khi đang ngắm nhìn trăng tròn của tháng Tư, bạn có thể dành một chút thời gian để nhìn vào các hành tinh và ngôi sao sáng khác. Theo NASA, vào thứ Hai, khi hoàng hôn kết thúc, sao Hỏa sẽ xuất hiện ở 38 độ so với đường chân trời phía tây.
Ngôi sao sáng Regulus từ chòm sao Leo sẽ xuất hiện gần nhất trực tiếp trên bầu trời, khoảng 63 độ so với đường chân trời phía nam. Regulus, cách Trái đất khoảng 79 năm ánh sáng.
Sao Sirius, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm, sẽ xuất hiện ở độ cao 16 độ so với đường chân trời phía tây nam. Nó thậm chí còn gần hơn cả Regulus, cách Trái đất 8,6 năm ánh sáng.
Người yêu thiên văn hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng sự kiện đáng chú ý bằng mắt thường mà không cần bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối. Bạn chú ý chọn nơi thoáng đãng, ít bị ảnh hưởng bởi ánh sáng đèn để có thể tận hưởng trọn vẹn đêm trăng.
Tuy nhiên bạn nên theo dõi dự báo thời tiết để có một buổi chiêm ngưỡng hoàn hảo nhất. Nếu trời có mây mù hoặc có mưa, việc quan sát sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thực hiện được.
Hoàng Dung (lược dịch)