Siêu tàu ngầm ‘thợ săn dưới nước’ của Mỹ có khả thi hay không?
Hải quân Mỹ đang có ý tưởng chế tạo một loại siêu tàu ngầm hấp thu tinh hoa các thế hệ tàu ngầm đã có để làm chủ “trò chơi nước lớn”.
Theo trang The Drive của Mỹ, tàu ngầm hạt nhân tấn công tương lai SSN (X) của Hải quân Mỹ sẽ kết hợp mọi ưu điểm của các tàu ngầm hạt nhân khác để trở thành một "thợ săn dưới nước" cấp cao.
Chuẩn đô đốc Bill Houston của Hải quân Mỹ gần đây đã nói về hy vọng của ông về một loại tàu ngầm hạt nhân "Thợ săn dưới nước" mới. Ông cho rằng thế hệ tàu ngầm hạt nhân tấn công tiếp theo nên kết hợp trọng tải và tốc độ của lớp Seawolf với hệ thống âm học và cảm biến tiên tiến của lớp Virginia.
Tàu ngầm lớp Seawolf là một trong những tàu ngầm mạnh nhất thế giới. Nguồn: Sina. |
Cả lớp Seawolf và Virginia đều là các tàu ngầm hạt nhân tấn công chủ lực của quân đội Mỹ, và lớp còn lại là lớp Los Angeles được sử dụng từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, Chuẩn Đô đốc Bill Houston cũng tuyên bố rằng, SSN (X) cũng nên có khả năng sử dụng và tuổi thọ phục vụ của tàu ngầm lớp Columbia - tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thế hệ tiếp theo (SSBN) đắt tiền của Hải quân Mỹ. Tàu gầm này có khả năng tấn công nhanh hơn, mạnh hơn, trọng tải lớn hơn, tốc độ cao hơn và thiết bị sonar tốt hơn.
Tướng Houston cũng nói thêm rằng: “chúng tôi sẽ sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất hiện có trên các tàu ngầm hạt nhân mới và tự tin rằng chúng tôi có thể tích hợp các công nghệ tiên tiến khác nhau này trên một nền tảng”.
Cùng với đó, rõ ràng là Hải quân Mỹ cũng đang xem xét bổ sung một số công nghệ thế hệ mới cho tàu ngầm hạt nhân SSN (X), chẳng hạn như hệ thống thong khí nhằm cải thiện tốc độ, khả năng cơ động và khả năng tàng hình của tàu ngầm. SSN (X) sẽ sử dụng công nghệ đang được phát triển cho lớp Columbia đồng thời có thể có thân tàu rộng hơn lớp Virginia.
Có vẻ như Hải quân Mỹ muốn các tàu ngầm hạt nhân tấn công trong tương lai phải “trau chuốt” hơn để có được hiệu suất như lớp Seawolf tiên tiến. Lớp Seawolf ra đời vào cuối Chiến tranh Lạnh, nó được thiết kế để trở thành "thợ săn dưới nước" cấp cao nhất, nhưng do giá thành của con tàu liên tục tăng, nên chỉ có 3 chiếc thuộc lớp Seawolf được chế tạo.
3 tàu ngầm này đã được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác nhau, trong đó tàu số 3 Jimmy Carter là một tàu ngầm đặc nhiệm, chủ yếu tham gia hoạt động gián điệp tàu ngầm và các hoạt động tuyệt mật.
Mặc dù lớp Virginia sau đó chính thức được gọi là tàu ngầm hạt nhân tấn công, nhưng nó thực sự tập trung nhiều hơn vào khả năng đa năng. Tàu có trọng tải nhỏ hơn lớp Seawolf và giá thành rẻ hơn, được trang bị hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công đối đất.
Lớp Virginia cũng đã được tối ưu hóa và cải tiến cho các hoạt động ven biển, và có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ như thu thập thông tin tình báo và vận chuyển các lực lượng hoạt động đặc biệt.
SSN (X) có thể tập trung nhiều hơn vào thuộc tính "thợ săn dưới nước" truyền thống, tập trung vào tốc độ và hiệu suất tàng hình, và cũng có thể dựa nhiều hơn vào vũ khí ngư lôi để tấn công tàu ngầm và tàu nổi của đối phương thay vì dựa vào hệ thống phóng thẳng đứng nhằm vào các mục tiêu trên đất liền.
Điều này cũng trùng khớp với báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, trong đó đề cập rằng SSN (X) sẽ mang theo 62 quả ngư lôi hoặc các loại vũ khí khác được phóng bằng ống phóng ngư lôi, bao gồm cả tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon phóng từ tàu ngầm. Khả năng cao là tàu ngầm mới sẽ không được trang bị các ống phóng tên lửa thẳng đứng.
Các tàu ngầm hạt nhân tấn công hiệu suất cao rất có ý nghĩa đối với Hải quân Mỹ, đặc biệt khi Trung Quốc và Nga đang gia tăng số lượng tàu ngầm mới ngày càng mạnh mẽ và sử dụng các tàu ngầm gần hơn với các vùng biển mà Mỹ quan tâm.
Khi nói về SSN (X), Tướng Houston nhấn mạnh, tàu ngầm hạt nhân mới cần được chuẩn bị cho các hoạt động chiến đấu, nó cần có khả năng tiến sâu vào phía sau phòng tuyến của kẻ thù và phát huy sức mạnh của mình, và nó cũng cần có khả năng ngăn chặn hành động của đối thủ.
Tàu ngầm lớp Columbia là một trong những con tàu đắt đỏ của Mỹ. Nguồn: Sina. |
Tất cả những điều này đặt ra câu hỏi về việc Hải quân Mỹ sẽ chi trả như thế nào cho việc thiết kế một tàu ngầm hạt nhân phức tạp như vậy, đây chắc chắn sẽ là một khoản chi rất đắt đỏ.
Rốt cuộc, ngoài việc phát triển một loại tàu ngầm hạt nhân tấn công mới, Hải quân Mỹ còn phải cung cấp kinh phí cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Columbia, tiếp tục sản xuất tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, và sửa chữa, bảo dưỡng các tàu ngầm hạt nhân khác đã có. Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng phải cung cấp kinh phí cho các phương tiện không người lái dưới nước sẽ hợp tác chặt chẽ với SSN (X) trong tương lai.
Theo tầm nhìn của Tướng Houston, một loại tàu ngầm hạt nhân tấn công mới sẽ có thể kiểm soát các hoạt động của tàu ngầm không người lái. Trong mọi trường hợp, tất cả những điều này đều yêu cầu hỗ trợ tài chính.
Làm thế nào để SSN (X) tránh rơi vào tình trạng khó khăn tương tự như lớp seawolf sẽ là một thách thức, nhưng bằng cách học hỏi từ thiết kế của lớp Columbia, Hải quân Mỹ có thể tiết kiệm một số chi phí nhờ tính linh hoạt của cả hai.
Ví dụ, hai lớp tàu ngầm hạt nhân có thể sử dụng cùng một thiết kế thân tàu. So với các tàu ngầm hạt nhân tấn công hiện tại, lớp Columbia có tuổi thọ dài hơn và yêu cầu bảo dưỡng thấp hơn. Nếu Mỹ có thể tận dụng điều này, ít nhất cũng có thể giúp giảm chi phí liên quan đến SSN (X).
Ngoài việc duy trì lợi thế về chất lượng trong các hoạt động dưới nước, SSN (X) cũng rất quan trọng đối với tương lai của Hải quân Mỹ, khi Washington đang tìm cách tăng số lượng tàu ngầm hạt nhân tấn công đang phục vụ từ 50 chiếc lên 70 chiếc vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu này, Hải quân Mỹ không chỉ cần đóng mới các tàu ngầm hạt nhân mà còn cần kéo dài thời gian phục vụ của các tàu ngầm hạt nhân hiện có, điều này sẽ đòi hỏi những sửa đổi và nâng cấp tốn kém.
Ngân sách của Hải quân Mỹ cho năm tài chính 2022 yêu cầu 98 triệu USD phục vụ cho công tác nghiên cứu và phát triển SSN (X). Dự kiến, sau năm tài chính 2034, mỗi năm Hải quân Mỹ sẽ mua hai SSN (X). Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính chi phí của mỗi con tàu sẽ từ 5,8 tỉ đến 6,2 tỉ USD.
Ngay cả khi tính đến yếu tố lạm phát, giá thành của tàu ngầm hạt nhân tấn công mới cũng cao hơn đáng kể so với lớp Virginia. Hiện tại, chi phí cho mỗi tàu lớp Virginia được trang bị mô-đun nhiệm vụ mở rộng là khoảng 3,45 tỉ USD và chi phí cho mỗi tàu không có mô-đun này là khoảng 2,8 tỉ USD.
Nhìn chung, các yêu cầu của Hải quân Mỹ đối với tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ tiếp theo dường như rất rõ ràng. Mặc dù có vẻ khả thi, nhưng liệu SSN (X) có thể có được ngân sách để mua số lượng lớn hay không vẫn là một thách thức.
Xem ‘ma tốc độ’ T-72B3 của Nga phô diễn ‘tuyệt đỉnh công phu’
Xe tăng “ma tốc độ” T-72B3 mới đây đã phô diễn kỹ năng tiêu diệt mục tiêu di động ở nhiều khoảng cách khác nhau.
Đức Trí (lược dịch)