Sếp Viettel: “Chính phủ nên có chính sách đầu tư, mua sắm công để bảo vệ thị trường trong nước”
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng, Việt Nam có cơ hội trong nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ cao, nhưng Chính phủ nên có chính sách đầu tư, mua sắm công để bảo vệ thị trường. |
Phát biểu tại buổi làm việc mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ TT&TT, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Viettel tin tưởng rằng người Việt Nam có đủ khả năng tự chủ nghiên cứu sản xuất thành công thiết bị hạ tầng viễn thông để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin quốc gia và sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hiện Viettel đã sẵn sàng các nguồn lực cho ngành Công nghiệp Điện tử Viễn thông.
Cơ hội đang đến với Việt Nam
Ông Nguyễn Đình Chiến cho biết, Viettel đã và đang xây dựng các khu nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các nhà máy sản xuất lắp ráp điện tử, nhà máy cơ khí chính xác và động lực học, các khu vực tích hợp, khu vực kiểm thử sản phẩm đảm bảo cho việc nghiên cứu, sản xuất các dòng sản phẩm Công nghiệp CNC. Ngoài ra, thiết bị viễn thông muốn đưa ra được thị trường trước hết cần có môi trường thực để chứng minh, thử nghiệm sản phẩm. Viettel với lợi thế là một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam và 10 thị trường quốc tế nên các thiết bị do Viettel nghiên cứu sản xuất có nhiều cơ hội được trải nghiệm, kiểm chứng về chất lượng, đây là điều kiện mà không phải nhà sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông nào cũng có.
“9 năm qua, Viettel trải qua những nhiệm vụ đầy thách thức với mục tiêu rất cao, Viettel đã hình thành được đội ngũ kỹ sư nghiên cứu với hơn 3.000 người, tỷ lệ cán bộ nghiên cứu là Tiến sĩ, Thạc sĩ của các Viện nghiên cứu của Viettel chiếm hơn 25%. Trong đó, phần lớn tốt nghiệp xuất sắc, được đào tạo từ nước ngoài. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu sản xuất của Viettel đã tích lũy được sự tự tin, kinh nghiệm trong nghiên cứu sản xuất các thiết bị Công nghiệp công nghệ cao trong đó có các thiết bị hạ tầng Viễn thông. Viettel và các doanh nghiệp khác cũng đã xây dựng được mạng lưới chuyên gia giỏi trên toàn cầu, sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước những vấn đề khó trong nghiên cứu sản xuất”, ông Nguyễn Đình Chiến nói.
Đại diện Viettel cho biết: "Hàng năm Viettel trích kinh phí từ lợi nhuận trước thuế để bổ sung vào Quỹ phát triển KHCN, hiện tại chúng tôi đang trích khoảng 3% lợi nhuận trước thuế để phục vụ nghiên cứu. So với các tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, Samsung hay Huawei, nguồn kinh phí này không lớn nhưng là một nguồn lực đáng kể giúp tạo ra sự thay đổi không nhỏ trong việc triển khai nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghiệp công nghệ cao trong đó có thiết bị hạ tầng viễn thông của Viettel".
Đại diện Viettel còn cho rằng, thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp cho việc rút ngắn thời gian chuyển hóa từ nghiên cứu đến sản xuất. Viettel đã sử dụng các công cụ mô phỏng làm giảm thời gian nghiên cứu, thiết kế; gia tăng độ chính xác trong nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ cao, nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 như AI, Bigdata, IoT.. để đưa vào các sản phẩm Điện tử Viễn thông. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nguồn tài nguyên quý giá nhất là dữ liệu và con người, đã xác định xuất phát điểm của Việt Nam không quá xa so với các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới.
Phân tích về thời cuộc cho các doanh nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Đình Chiến nhận định rằng, vấn đề an ninh mạng, đảm bảo an ninh quốc phòng và các lợi ích quốc gia khác thôi thúc các doanh nghiệp Việt Nam tự chủ nghiên cứu sản xuất thiết bị viễn thông. Hiện ngoài Viettel, một số doanh nghiệp khác như VNPT, CMC, FPT,… đã xác định đầu tư vào nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Các doanh nghiệp công nghệ này cũng đã đạt được nhiều kết quả như xây dựng nền tảng Internet kết nối vạn vật (IoT Platform); xây dựng các giải pháp về thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI), nghiên cứu và sản xuất các thiết bị đầu cuối viễn thông như điện thoại thông minh, thiết bị truy nhập cố định băng rộng, một số thiết bị IoT cho nông nghiệp thông minh, ngôi nhà thông minh…
Thời gian gần đây, Tập đoàn VinGroup đang chuyển dịch một cách mạnh mẽ từ một Tập đoàn cung cấp dịch vụ sang mô hình: công nghệ - công nghiệp – dịch vụ; đã đầu tư rất lớn cho sản xuất ô-tô và nghiên cứu phát triển công nghệ cao. Như vậy, xu thế phát triển của thị trường quốc tế, bối cảnh và sự chuyển dịch sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam một lần nữa khẳng định cơ hội, tiềm năng to lớn của người Việt Nam trong nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ cao, trong đó có nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông.
Viettel đưa 3 kiến nghị lên Chính phủ để thúc đẩy nghiên cứu sản xuất công nghệ cao
Để cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ cao trở thành hiện thực, ông Nguyễn Đình Chiến cho rằng cần có sự định hướng, hỗ trợ, khuyến khích của Chính phủ, sự quyết tâm và cộng lực của các doanh nghiệp. Ông đưa ra 3 kiến nghị lên chính phủ như xem xét, điều chỉnh một số chính sách đầu tư, mua sắm công để bảo vệ thị trường trong nước, nuôi dưỡng nghiên cứu sản xuất trong nước phát triển, chính sách thương mại quốc tế và tháo gỡ về cơ chế tài chính để doanh nghiệp nhà nước có điều kiện thuận lợi đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mua sắm nhanh trang thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ TT&TT có sáng kiến hỗ trợ, điều phối hình thành các diễn đàn (platforms) hoặc đối tác (partnerships) hợp tác doanh nghiệp để cộng lực các doanh nghiệp Việt Nam trong nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, thiết bị hạ tầng viễn thông, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp điện tử viễn thông.
“Chính phủ xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ và chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa công nghệ mới. Đây là những chính sách mà chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Úc,… đã và đang thực hiện. Viettel tin rằng với khát vọng, năng lực và trí tuệ của người Việt Nam lại được sự đồng hành, khích lệ, truyền cảm hứng từ Chính phủ; Việt Nam sẽ sớm hình thành và phát triển ngành Công nghiệp Điện tử Viễn thông, góp phần đưa đất nước bắt kịp với các quốc gia tiên tiến trên thế giới”, ông Nguyễn Đình Chiến nhấn mạnh.