Sau ca mới mắc Covid-19 ở Hà Nội, GĐ Sở Y tế lưu ý hai đối tượng đặc biệt
“Những người đi qua các tỉnh có dịch, có triệu chứng ho, sốt và những người đi qua các điểm có nguy cơ đã được Bộ Y tế khuyến cáo cần chủ động đến ngay cơ sở y tế”.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền |
Đây là khuyến cáo của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội sau khi địa phương này ghi nhận ca mắc mới Covid-19 thứ 3 khi người này từng test nhanh cho kết quả âm tính nhưng xét nghiêm PCR lại cho kết quả dương tính sau 5 ngày.
Câu hỏi đặt ra là, sau trường hợp này việc việc test nhanh có thực sự hiệu quả, trao đổi với phóng viên ông Hiền cho biết, trong giai đoạn này, TP đã rà soát được hơn 93.000 người đi từ Đà Nẵng về, tiến hành test nhanh cho hơn 70.000 người.
“Việc thực hiện test nhanh thời gian qua để sàng lọc sớm ca bệnh là cần thiết. Tuy nhiên như tên gọi, có độ nhạy, độ đặc hiệu nhất định, không thể có độ chính xác cao như làm xét nghiệm PCR. Ngay cả với xét nghiệm PCR, lần một âm tính, lần thứ 2 làm vẫn có thể dương tính.
Vì thế, ngành y tế vẫn khuyến cáo những trường hợp được làm test nhanh mà có kết quả âm tính vẫn phải tuân thủ việc tự cách ly và theo dõi sức khỏe. Trường hợp dương tính thì đã được cách ly ngay, lấy mẫu và làm xét nghiệm PCR để khẳng định.
Ngoài ra, song song với làm test nhanh, TP cũng lấy mẫu xét nghiệm PCR cho hơn 500 trường hợp gồm những người đi qua các bệnh viện của Đà Nẵng, các địa điểm được Bộ Y tế khuyến cáo cả có triệu trứng nghi ngờ và không có triệu chứng”, ông Hiền nói.
Giám đốc Sở Y tế cũng thông tin thêm, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ mở rộng việc xét nghiệm theo chỉ đạo của Bộ Y tế, của Thành phố. Kể cả những trường hợp liên quan đến mua thuốc ho, sốt cũng cần xem xét, sàng lọc kỹ.
“Tinh thần là mở rộng xét nghiệm PCR cho những người có triệu chứng nghi ngờ, biểu hiện nghi ngờ hoặc nghi ngờ mắc vì thực tế có nhiều trường hợp không có triệu chứng bệnh nhưng vẫn mắc.
Tại cộng đồng, có 2 nhóm đối tượng cần đặc biệt lưu ý:
Thứ nhất là những người đi qua các tỉnh có dịch, không chỉ Đà Nẵng, có triệu chứng chỉ cần ho, sốt, đau họng (khó thở là khi bệnh đã có biểu hiện nặng) cần đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Thứ hai, người dân rà soát nếu đi qua các điểm đã được Bộ Y tế khuyến cáo trong các thông báo khẩn thì đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, phân loại, có thể xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2”, ông Hiền nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hiền cũng khuyến cáo, người dân chủ động tự cách ly tại nhà khi chưa đến được cơ sở y tế, phòng tình huống mắc bệnh thì hạn chế lây lan cho người thân. Sở Y tế đã yêu cầu các trạm y tế tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm.
Tại bệnh viện, Hà Nội cũng lưu ý các cơ sở y tế tăng cường xét nghiệm với bệnh nhân có yếu tố nguy cơ.
Ngoài những người có yếu tố nguy cơ cao đi về từ vùng dịch về thì những người đến bệnh viện khám với các biểu hiện hô hấp là có vấn đề, các bệnh viện cần xem xét kỹ. Các bệnh nhân đang nằm viện có triệu chứng hô hấp chưa tìm được nguyên nhân, bệnh nhân nặng có nghi ngờ thì cũng cần tăng làm xét nghiệm PCR nhiều hơn để sàng lọc SARS-CoV-2.
“Tinh thần của Hà Nội là cố gắng hết sức để phát hiện sớm ca bệnh, thực hiện cách ly và điều trị, khoanh vùng ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Để làm được việc này ngành y tế rất cần sự chung tay của người dân”, ông Hiền nhấn mạnh.
Trước đó, vào chiều 5/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh, việc xét nghiệm nhanh chỉ có tác dụng sàng lọc với tỷ lệ chính xác từ 60-75%. Từ ca bệnh nhân dương tính mới cũng có xét nghiệm nhanh âm tính nên số 80.000 người đã được test nhanh vẫn còn xác suất nhiễm.
“Từ nay đến 12/8, TP đang có nguy cơ rất cao. Không thể ở mức nguy cơ thấp, cần nâng nguy cơ lên 1 mức, với ý thức tự giác và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Do đó, Chủ tịch Thành phố chỉ đạo, tất cả các trường hợp đi từ Đà Nẵng từ 15/7 đã test nhanh phải làm xét nghiệm PCR bởi "chỉ có xét nghiệm PCR mới chính xác được". Mọi người dân đi lại phải tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu toàn bộ các trạm y tế phường xã, các trung tâm y tế quận huyện, các đường dây nóng nhận được phản ảnh người dân phải đến lấy máu xét nghiệm cho người dân.
Trong thời gian chờ xét nghiệm phải tự cách ly và giám sát tại cộng đồng. Với các trường hợp ra phường test nhanh, khai báo y tế nếu có ở liên quan đến 3 BV trong Đà Nẵng, các gara, các điểm xuất hiện các bệnh nhân của Đà Nẵng là dứt khoát phải tổ chức cách ly ngay tại nhà 14 ngày.
N. Huyền