Sau 8 năm triển khai xây dựng xã hội học tập đã xóa mù chữ cho hơn 295.000 người
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, sau 8 năm triển khai thực hiện đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020 đã xóa mù chữ cho 295.308 người trong độ tuổi 15 – 60, nâng tỷ lệ biết chữ độ tuổi này là 97,85%.
Để có những kết quả đó, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”.
Cụ thể, chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng học xóa mù chữ (XMC), củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tái mù chữ, trong đó ưu tiên XMC cho đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung chỉ đạo đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Tổ chức các hội thảo bàn các giải pháp XMC hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số; khảo sát, đánh giá việc thực hiện chương trình và tài liệu học XMC, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy XMC theo nhu cầu của người học và đặc điểm phát triển của địa phương, gắn việc XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với phát triển bền vững.
Chỉ đạo các địa phương điều tra thực trạng người mù chữ trên cơ sở đó huy động người học; tích cực phối hợp với bộ đội biên phòng, các tổ chức, các lực lượng trong xã hội để triển khai để thực hiện hiệu quả công tác XMC.
Sau 8 năm triển khai xây dựng xã hội học tập đã xóa mù chữ cho 295.308 người |
Theo báo cáo của các Sở GD&ĐT, trong giai đoạn 2012-2020 đã XMC cho 295.308 người trong độ tuổi 15 – 60, nâng tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15 – 60 là 97,85%; tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15 – 35 là 99,3%.
Đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 – 60 là 93,1% và trong độ tuổi 15 – 35 là 96,7%.
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ trong độ tuổi 15 – 60 đạt 93,41% và trong độ tuổi 15 – 35 đạt 97,08%.
Số xã đạt chuẩn mức 1 là 100% và đạt chuẩn mức 2 là 93,5%; số huyện đạt chuẩn mức 1 là 100% và đạt chuẩn mức 2 là 83,4%; số tỉnh đạt chuẩn mức 1 là 100% và đạt chuẩn mức 2 là 50,8%.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020” trong đó ban hành các văn bản quy định về đào tạo từ xa trong đó quy định cụ thể các tiêu chí bảo đảm chất lượng đối với chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng; ban hành quy định không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng với định hướng bỏ phân biệt bằng cấp đối với các hình thức đào tạo khác nhau (chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa).
Đồng thời, chỉ đạo các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.
Song song với đó là kiểm tra, đánh giá; xây dựng và khai thác sử dụng kho bài giảng e-learning, kho học liệu số của ngành phục vụ nhu cầu tự học và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học; áp dụng phương pháp học trực tuyến (e-learning), kết hợp giữa phương pháp học truyền thống với học trực tuyến (blended learning).
Các cơ sở giáo dục đại học đã quan tâm phát triển công nghệ đào tạo qua mạng, đầu tư hệ thống quản lý học tập (LMS), hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS) và phòng studio để xây dựng học liệu số (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội,…); thường xuyên tổ chức tập huấn, trang bị những kỹ năng cần thiết để triển khai đào tạo qua mạng cho cán bộ quản lý, giảng viên (gần 40% cán bộ quản lý, giảng viên trên toàn quốc được tập huấn kỹ năng đào tạo từ xa); liên kết với các trung tâm GDTX tỉnh để mở các chương trình đào tạo từ xa cấp chứng chỉ, chương trình phổ biến kiến thức.
Sau 5 năm thực hiện “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”, số lượng cơ sở giáo dục đại học có mở chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng đã tăng lên đáng kể.
Năm 2015, cả nước chỉ có 15 cơ sở giáo dục đại học có mở chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng với khoảng 90 chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng (64 chương trình đào tạo có sinh viên).
Đến năm 2020, cả nước đã có 25 cơ sở giáo dục đại học có mở chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng trình độ đại học (chiếm 10,4% số lượng cơ sở giáo dục đại học toàn quốc) với tổng số 178 chương trình đào tạo từ xa trong đó 84 chương trình đào tạo có sinh viên.
Số lượng chương trình đào tạo theo phương thức truyền thống được duy trì, tuy nhiên cũng chỉ tập trung ở 02 đại học mở và Đại học Thái Nguyên với tổng số chương trình 24 (chiếm 13,5% tổng số chương trình đào tạo từ xa).
Về quy mô sinh viên, năm học 2015-2016, tổng số sinh viên theo học chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng là 87.294. Năm học 2019-2020, tổng quy mô đào tạo từ xa còn 45.700 sinh viên. Số lượng quy mô sinh viên theo học chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng giảm, tuy nhiên, số lượng sinh viên tham gia các chương trình đào tạo chính quy có sử dụng phương thức học tập qua máy tính, đào tạo trực tuyến có xu hướng tăng.
Hoàng Thanh