Sau 6/9, Hà Nội tiếp tục giãn cách hay 'mở' từng vùng?
Với diễn biến dịch như hiện nay, kịch bản nào cho Hà Nội sau ngày 6/9: tiếp tục giãn cách, hay có thể mở một phần ở các huyện và khu vực “vùng xanh”?
Sau 6/9, Hà Nội có tiếp tục giãn cách toàn thành phố? (Ảnh minh hoạ) |
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ còn ca bệnh trong cộng đồng
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến ngày cuối (6/9) của đợt giãn cách xã hội thứ 3 của Hà Nội. Với diễn biến dịch như hiện nay, kịch bản nào cho Hà Nội sau ngày 6/9: tiếp tục giãn cách, hay có thể mở một phần ở những huyện, những khu vực “vùng xanh”?
Chia sẻ với phóng viên Infonet, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam đánh giá: Dịch bệnh tại Hà Nội đang “trong tầm kiểm soát được” nhưng thành phố vẫn thuộc diện nguy cơ cao, khó lường.
Mặc dù các ca bệnh tại các ổ dịch cũ đã giảm hoặc không phát sinh F0 mới, song trong cộng đồng lại xuất hiện nhiều ổ dịch mới phức tạp.
“Các ổ dịch mới liên quan phần lớn đến chuỗi cung ứng trên địa bàn như chùm ca bệnh tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), nhân viên bán gạo tại Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung có dấu hiệu liên quan chợ đầu mối Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân), hay ổ dịch ở cửa hàng tiện ích trên phố Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân).
Mặc dù chúng ta không phát hiện sớm được F0, nhưng rõ ràng, những ổ dịch mới liên tục xuất hiện cho thấy Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ còn các ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng.
Trong khi đó, khi dịch xuất hiện tại khu vực nguy cơ cao và có mật độ dân số đông thì dịch bùng phát lên rất nhanh. Chỉ một khoảng thời gian ngắn, những nơi này có thể ghi nhận hàng trăm ca bệnh mới. Ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) là một dẫn chứng điển hình”, PGS. TS Trần Đắc Phu nói.
Ông Phu cũng nhấn mạnh, rất khó để đưa dịch về "con số 0" hay bóc tách được triệt để 100% F0 ra khỏi cộng đồng. Bởi lẽ, có thể vẫn còn các ca bệnh không triệu chứng trong cộng đồng, rồi các ca bên ngoài xâm nhập vào vì đang thực hiện giãn cách xã hội, nhưng chúng ta vẫn giao thương, đi lại để cung ứng hàng hoá, nhu yếu phẩm, vẫn thực hiện “mục tiêu kép”; tình hình dịch bên ngoài cũng rất phức tạp, vẫn còn nhiều người ra vào Hà Nội.
Đánh giá kỹ lưỡng các nguy cơ, không thể nhìn số ca bệnh để quyết định giãn cách tiếp hay không
Trước thực tế này, ông Phu cho rằng, Hà Nội phải đánh giá thật kỹ lưỡng các nguy cơ để quyết định có tiếp tục giãn cách xã hội hay không, chứ không thể nhìn vào số ca bệnh để quyết định.
"Việc có tiếp tục giãn cách hay không phải đánh giá trên nhiều nguy cơ và xét trên nhiều bình diện, chứ không phải nhìn vào số ca bệnh. Ví dụ các ca bệnh ở Thanh Xuân Trung thì cũng chỉ nằm ở trong một khu vực nhỏ, chứ không phải ở khắp thành phố", ông Phu nói.
Theo ông Phu, Hà Nội cần đánh giá các yếu tố như: số ca bệnh, tính chất phức tạp của các ổ dịch, khả năng đáp ứng của thành phố trước tình hình dịch bệnh, kể cả các yếu tố trong và ngoài thành phố. Nếu Hà Nội nới lỏng giãn cách thì những vùng nguy cơ cao vẫn phải tiếp tục thực hiện giãn cách, thậm chí phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn, kể cả phong tỏa.
"Còn đối với những quận, huyện dịch đã ổn, TP nên cân nhắc nới lỏng để người dân làm ăn kinh tế. Sau ngày 6/9, TP cũng nên xem xét nới lỏng các hoạt động để còn phát triển kinh tế, xã hội. Hoạt động nào được tiếp tục, hoạt động nào vẫn tạm dừng cũng phải bàn bạc rất kỹ", PGS.TS Trần Đắc Phu nêu quan điểm.
Ông Phu cũng chỉ ra 3 vấn đề trọng tâm mà Hà Nội cần tập trung trong thời gian tới, ngoài một số các biện pháp phòng, chống dịch đã và đang được thực hiện.
Thứ nhất, Hà Nội vẫn còn điều kiện truy vết, truy vết để bóc tách F0, tìm kiếm ổ dịch phong tỏa, dập tắt càng sớm càng tốt. Các ca bệnh trong cộng đồng có thể được phát hiện sớm hơn thông qua xét nghiệm khu vực nguy cơ, xét nghiệm những đối tượng nguy cơ hoặc xét nghiệm những người ho, sốt, khó thở...
Thứ hai, Hà Nội cần tiếp tục có kế hoạch xét nghiệm diện rộng có trọng tâm, trọng điểm để vừa phát hiện các trường hợp F0 lẩn khuất trong cộng đồng, vừa để đánh giá nguy cơ trên địa bàn.
Khi phát hiện ra rồi phải phong toả, truy vết càng sớm càng tốt. Phải phong toả chặt chẽ ổ dịch mới (nếu phát hiện ra) kết hợp với việc giãn cách thật nghiêm, thực chất trong khu phong toả. Chỉ có giãn cách mới cách ly được người mắc bệnh với người bình thường, không để lây nhiễm chéo trong khu phong toả.
Thứ ba, giữ vững “vùng xanh” (vùng không có dịch). Khi phát hiện "vùng xanh" có ca mắc mới thì phải tích cực truy vết ngay lập tức. Nếu lơ là, chủ quan thì dễ dẫn đến việc “vùng xanh” có nguy cơ thành “vùng đỏ”. Đặc biệt, nếu “vùng xanh” mà có đặc điểm là nơi đông đúc, nhiều ngõ, ngách nhỏ và diện tích chật hẹp cùng với khả năng tiếp xúc lớn thì dịch rất nhanh bùng lên.
Hà Nội cần đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân và đặc biệt lưu ý các đối tượng ưu tiên là những người mắc bệnh nền, người già. Đồng thời, chủ động bố trí cơ sở điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”, để nếu dịch có diễn biến phức tạp thì chủ động trong công tác điều trị.
“Hiện rất khó để trở lại cuộc sống bình thường như lúc chưa có dịch. Chúng ta cần tạo ra hành vi sống mới, phương thức sống mới, cách quản lý mới để kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan khi có một trường hợp F0 xuất hiện trong cộng đồng”, ông Phu nhấn mạnh.
Quận Thanh Xuân đề xuất chuyển người dân ra khỏi ổ dịch Thanh Xuân Trung
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết đã đề xuất Thành phố đưa một số hộ dân ở khu phong tỏa Thanh Xuân Trung đi nơi khác cách ly.
Trưa 1/9, Hà Nội thêm 20 ca mắc Covid-19, trong đó có 7 ca ở Thanh Xuân
Sở Y tế Hà Nội vừa thông báo, trong sáng nay (1/9), ghi nhận 20 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 16 ca tại khu cách ly và 3 ca tại khu vực phong tỏa, 1 ca ghi nhận tại cộng đồng.
N. Huyền