Sàm sỡ hàng xóm, bị chém trọng thương: 2 tình huống pháp lý với mẹ bỉm sữa
Nếu Lâm Thị Bích N. gọi điện cho Ngô Thái T chỉ kể lại sự việc bị sàm sỡ, mà không xúi giục T thực hiện hành vi phạm tội, thì không phải chịu trách nhiệm, ngược lại nếu có xúi giục, N. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Ngày 31/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết đã triệu tập 4 người gồm: Lâm Thị Bích N. (SN 2002), Nguyễn Ngọc Gia B. (SN 2008), Nguyễn Thái T. (SN 2006) và Ngô Thái T. (SN 2007, cùng ngụ TP Bạc Liêu) đến làm việc về hành vi giết người.
Theo điều tra ban đầu, chiều 28/8, chị N. đang nằm ru con ngủ tại phòng trọ ở phường 1 (TP Bạc Liêu) thì bị hàng xóm tên P. sàm sỡ. Sau khi ông P. về phòng, chị N. đã điện thoại cho Ngô Thái T. kể lại sự việc.
Bực tức, Ngô Thái T. rủ Nguyễn Ngọc Gia B. và Nguyễn Thái T. mang 2 dao tự chế tìm ông P. Đến nơi, Ngô Thái T. và Nguyễn Ngọc Gia B. dùng dao chém ông P. bị thương nặng. Thấy người dân xung quanh tri hô, các đối tượng lên xe tẩu thoát. Sau khi được cấp cứu, ông P đã qua cơn nguy kịch...
Trao đổi với PV Infonet về vụ án này, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VPLS Trung Hòa, Hà Nội) phân tích: “Với hành vi dùng dao chém ông P. bị thương nặng thì Nguyễn Ngọc Gia B. và Ngô Thái T. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ''Cố ý gây thương tích'' quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự (BLHS).
Ngô Thái T. sinh năm 2007 nên thuộc nhóm đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Theo quy định tại Điều 12 BLHS hiện hành thì nhóm đối tượng này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 7- 15 năm tù) và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 15 - 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).
Theo đó, tuỳ vào mức độ tổn thương cơ thể của ông P mà đối tượng trên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3, 4, 5, 6 Điều 134 BLHS. Căn cứ để đánh giá mức độ thương tích là kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/08/2019 quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần”.
Luật sư Hoàng Tùng |
“Trong trường hợp Nguyễn Ngọc Gia B. (SN 2008) chưa qua sinh nhật thứ 14 tính tại thời điểm phạm tội thì có thể đối tượng này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình.
Trường hợp đối tượng này đã qua sinh nhật thứ 14 tính tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương tự như Ngô Thái T.”, luật sư Hoàng Tùng nói thêm.
Còn với đối tượng Nguyễn Thái T. (SN 2006), luật sư cho rằng, đối tượng này có thể là đồng phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ''Cố ý gây thương tích'' theo Điều 134 BLHS với vai trò là người giúp sức.
Đối tượng này có thể đã thực hiện hành vi tạo ra những điều kiện cho Nguyễn Ngọc Gia B. và Ngô Thái T. thực hiện hành vi phạm tội. Những điều kiện đó có thể có tính vật chất hoặc có tính tinh thần.
Pháp luật hình sự quy định rõ, giúp sức về vật chất có thể là cung cấp công cụ, phương tiện hoặc khắc phục những trở ngại… để tạo điều kiện cho người thực hành thực hiện tội phạm được dễ dàng, thuận lợi hơn.
Giúp sức về tinh thần có thể là những hành vi cung cấp những gì tuy không có tính vật chất nhưng cũng tạo cho người thực hành điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện tội phạm như chỉ dẫn, góp ý kiến, cung cấp tình hình….
Về mẹ bỉm sữa Lâm Thị Bích N., theo quan điểm của luật sư Hoàng Tùng, N. sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như có kết luận của cơ quan điều tra cho rằng Lâm Thị Bích N. gọi điện cho Ngô Thái T chỉ để kể lại sự việc và không biết gì việc Nguyễn Ngọc Gia B. và Ngô Thái T. sẽ thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, Lâm Thị Bích N. có thể là đồng phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ''Cố ý gây thương tích'' quy định tại Điều 134 BLHS nếu khi gọi điện kể lại sự việc N. đồng thời xúi giục Ngô Thái T. thực hiện hành vi phạm tội.
Sông Yên