Sai lầm 'chết người' của B-52 trên bầu trời Hà Nội
Radar cổ "miễn nhiễm" với nhiễu của B-52
Nhằm đối phó với B-52 và các thủ đoạn gây nhiễu của Không quân Mỹ, trong giai đoạn 1968 - 1970, tiểu đoàn trinh sát nhiễu đặt dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Đội trinh sát nhiễu kiêm Phó phòng Quân báo Phan Thu được điều đi nhiều nơi để thu thập, nghiên cứu các thủ đoạn gây nhiễu của máy bay địch ở nhiều vị trí khác nhau trên đất nước, đặc biệt là trên tuyến vận tải 559. Qua quá trình hoạt động, các cán bộ đã phát hiện ra một điều đặc biệt, máy gây nhiễu địch không gây nhiễu rãnh sóng 3cm.
B-52 có lắp máy gây nhiễu ALR-18 hướng về phía đuôi để gây nhiễu radar của MiG-21. |
“Trong suốt thời gian hoạt động trinh sát, chúng tôi không thu được nhiễu 3cm của địch. Như vậy, B-52 chưa gây nhiễu dải sóng 3cm đối với các loại radar phòng không", Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phan Thu kể lại.
Thực tế, không phải người Mỹ lơ là bỏ qua việc gây nhiễu ở dải sóng này. Trên B-52 có lắp một máy gây nhiễu ALR-18, nhưng loại máy này được dùng để đối phó với radar MiG-21, do đó, ăng ten gây nhiễu lại hướng về phía đuôi B-52. Vì vậy, không ảnh hưởng đến các radar dưới mặt đất.
Đối với người cán bộ trinh sát nhiễu, phát hiện này là vô cùng quý giá vì trong lực lượng phòng không của ta có trang bị một loại radar làm việc ở rãnh sóng 3cm, đó là đài radar bắt mục tiêu K8-60 thường dùng cho pháo cao xạ 57mm, do Trung Quốc chế tạo viện trợ cho ta. Đài K8-60 làm việc ở 2 rãnh sóng 10cm và 3cm.
Với phát hiện trên, cán bộ ở phòng nghiên cứu kỹ thuật quân chủng quyết tâm giải bài toán ghép phần tử mục tiêu của radar K8-60 làm việc ở dải sóng 3cm với đài điều khiển SAM-2. Tháng 11/1971, các cán bộ trinh sát nhiễu cùng tổ cán bộ phòng nghiên cứu kỹ thuật đã đề xuất lên quân chủng dùng radar có bước sóng thích hợp đo ghép và truyền phần tử mục tiêu tới đài điều khiển tên lửa chống nhiễu B-52, bộ khí tài được gọi chung là KX.
Sơ đồ ghép nối mạch điện truyền phần tử từ đài radar K8-60 sang đài điều khiển tên lửa. |
Kết quả trinh sát hoàn hảo
Tháng 2/1972, Bộ Quốc phòng chỉ thị đưa radar K8-60 phục vụ ở Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 274 lúc đó bố trí tại Quảng Bình. Sau khi lắp đặt xong, phòng nghiên cứu kỹ thuật bố trí một lực lượng ở lại theo dõi. Khi đó, Đội trưởng Phan Thu trực tại đài điều khiển tên lửa, đồng chí Hoàng Thế Kỳ trực tại KX cùng tham gia chiến đấu với Tiểu đoàn 89 để kiểm nghiệm lại khả năng bắt mục tiêu B-52, chống nhiễu và chống tên lửa Sơrai.
Kết quả, trong 2 tháng (22/2-6/4/1972), khí tài KX đã bắt được mục tiêu 18 lần, trong đó có 2 lần bắt được B-52 và 16 lần bắt được máy bay chiến thuật. Cự ly bắt được khoảng 40 km, có lần là 60 km, bám tự động chính xác 30 km. “Tháng 11/1972, chúng tôi còn tiến hành một cuộc thử nghiệm nữa trước sự chứng kiến của Tham mưu phó Quân chủng Vũ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự Hoàng Đình Phu. Chúng tôi đã cho đài K8-60 và đài điểu khiển tên lửa cùng bám sát tự động vào một máy bay Il-28 và một MiG-21. Kết quả, phần tử mục tiêu của 2 đài radar đều khớp khít với nhau”, Trung tướng Phan Thu kể thêm.
Sau các kết quả như vậy, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định cho triển khai đề tài cải tiến lắp vào 6 bộ khí tài S-75 Dvina ở yếu địa Hà Nội để chuẩn bị đánh B-52, tuy nhiên chỉ hoàn thành được 2 bộ. Do thời gian đã quá gấp gáp, dù đã có sự giúp đỡ của Z-119 (trực thuộc Tổng cục Hậu cần) nhưng quân chủng chỉ mới kịp triển khai được 2 bộ, kể cả bộ thử nghiệm được tháo ra từ Tiểu đoàn 89. Hai bộ khí tài được lắp cho Tiểu đoàn 79 Trung đoàn 257 bố trí ở Nam sông Hồng và Tiểu đoàn 57 Trung đoàn 261 bố trí ở Bắc sông Hồng”, ông nói.
Người Mỹ bất ngờ
Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối 1972, Tiểu đoàn 57 đã tận dụng tốt thông báo phần tử mục tiêu từ radar K8-60 để đánh B-52. Trong trận đánh rạng sáng ngày 21/12, chỉ trong 10 phút, Tiểu đoàn 57 đã đánh một trận xuất sắc, bắn rơi 2 B-52 bằng 2 quả đạn S-75. Đặc biệt, ở Tiểu đoàn 79 đã bắn rơi một B-52 hoàn toàn bằng phương pháp so kim thống nhất phần tử với radar K8-60. Thấy được hiệu quả của đài K8-60, sau ngày 25/12, Bộ Tư lệnh Quân chủng cho sử dụng toàn bộ đài K8-60 có trên địa bàn Hà Nội để bắt B-52. Nếu bắt được mục tiêu thì thông báo ngược về các sở chỉ huy trung đoàn, sư đoàn phòng không cho đến tận sở chỉ huy quân chủng. Cùng với các kinh nghiệm từ trận đánh trước, từ 26/12 trở đi cho đến khi kết thúc chiến dịch chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi ròn rã hơn.
Trong ảnh, đài radar pháo cao xạ K8-60 trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân. |
“Một điều thú vị, radar K8-60 có khả năng phân biệt B-52 với các loại máy bay cường kích, tiêm kích giả (tín hiệu nhiễu) B-52. Đó là do các đặc điểm riêng của tín hiệu phản xạ B-52 thu được trên K8-60. Ngoài ra, đài K8-60 còn có lợi thế là không bị Sơrai tấn công, do loại tên lửa đó chỉ nhắm vào rãnh 10cm đài tên lửa. Do đó, khí tài gần như thoát được sự chống phá điên cuồng của không quân chiến thuật Mỹ trong hoạt động chế áp điện tử. Có lẽ sau này khi biết một trong những cách mà bộ đội Việt Nam bắt được B-52 trong màn nhiễu, những vị tướng tá sừng sỏ Không quân Mỹ chỉ có nước “chắp tay bái phục” các cán bộ kỹ thuật quân sự Việt Nam.
Theo Đất Việt