S-500 sẽ mang lại cho Nga những vị thế gì?
Nga đã thử nghiệm thành công hệ thống S-500, điều này mở ra một viễn cảnh mới cho việc đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển ngành công nghiệp quân sự Nga.
Theo báo cáo của truyền thông Nga, hệ thống phòng không S-500 đã được Quân đội Nga thử nghiệm thành công ở Syria. Kết quả thử nghiệm cho thấy, hệ thống tên lửa phòng không S-500 có thể bắn hạ 10 tên lửa tầm xa cùng lúc, ngay cả khi tốc độ của tên lửa đạt 18.000 - 25.000 km/giờ. Ngoài ra, nó còn có thể bắn hạ tên lửa và máy bay bay ở độ cao lên đến 200 km.
Tháng 5/2020, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko cho biết, lô hệ thống phòng không S-500 đầu tiên dự kiến sẽ được trang bị chính thức cho quân đội Nga vào năm 2021. Đây là hệ thống phòng không thế hệ mới nhất của Nga, nhiệm vụ chính của hệ thống này là bảo đảm an ninh hàng không và vũ trụ trong tương lai của Nga.
Hệ thống phòng không S-500 tối tân nhất thế giới của Nga. Nguồn: people.com.cn. |
“Lợi khí” bí ẩn chống tên lửa mang mật danh S-500
S-500 chủ yếu bao gồm ba phần cơ bản: hệ thống chỉ huy và điều khiển chiến thuật, hệ thống tác chiến phòng không và hệ thống tác chiến chống tên lửa không gian. Trong đó, hệ thống chỉ huy và điều khiển chiến thuật bao gồm radar tìm kiếm tầm xa và trạm chỉ huy; hệ thống phòng không chủ yếu bao gồm các trạm chỉ huy, trạm radar, radar dẫn đường, bệ phóng tên lửa và tên lửa 40N6E; hệ thống chống tên lửa không gian chủ yếu bao gồm trạm chỉ huy, trạm radar, trạm radar mảng pha chủ động, bệ phóng tên lửa, tên lửa đánh chặn tên lửa tầm ngắn 7N6-N, tên lửa đánh chặn tên lửa tầm xa 77N6-N1.
Giới quân sự thường cho rằng, một trong những cách để đạt được hiệu quả phòng thủ tốt nhất trước hệ thống tấn công không gian ngày càng phức tạp, chính là kết nối nhiều loại tên lửa đất đối không và các hệ thống phòng thủ khác hoặc tích hợp nhiều loại tên lửa vào một nền tảng. Do đó, trong thiết kế của S-500, Nga đã tích hợp hàng loạt tính năng chiến đấu khác nhau vào hệ thống này, biến nó trở thành hệ thống phòng không hoàn mỹ nhất thế giới.
Trên phương diện phòng không, hệ thống S-500 đã tăng 50% tầm bắn so với hệ thống S-400 và khả năng chống tàng hình của nó cũng được cải thiện đáng kể. Trong cuộc đối đầu giữa máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ và tên lửa đất đối không của Nga, Moscow sẽ chiến thắng với hệ thống S-500. Trong lĩnh vực chống tên lửa, hệ thống S-500 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở độ cao và tốc độ gấp đôi so với S-400, thậm chí nó còn có khả năng đánh chặn tên lửa liên lục địa.
Về mặt chỉ số thiết kế, hệ thống S-500 có thể đánh chặn gần như tất cả các vũ khí tấn công từ trên không đang hoạt động của Mỹ. Các thành phần thiết bị của hệ thống có các đặc điểm hiện đại như tuần tự hóa, khái quát hóa, mô đun hóa và tiêu chuẩn hóa. Chúng không chỉ có thể tạo thành một hệ thống đạn quy mô lớn mà còn có thể linh hoạt thay đổi theo các yêu cầu tác chiến đa dạng trong lĩnh vực phòng không, chống tên lửa.
Trong hệ thống vũ khí của S-500, không chỉ có các hệ thống vũ khí phòng không siêu ngắn, tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và siêu xa, mà còn có hệ thống vũ khí chống tên lửa, hệ thống vũ khí chống tàu vũ trụ và các hệ thống cảm biến khác nhau để hỗ trợ các loại vũ khí này. Ngoài ra, nó được tích hợp hệ thống tự động hóa mệnh lệnh và hệ thống hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động.
S-500 có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên vũ trụ. Nguồn: people.com.cn. |
S-500 sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng không hiện có của Nga
Hiện nay, hệ thống chống tên lửa của Nga cơ bản đã hoàn thành. Năm 2019, Nga đã thử nghiệm hệ thống chống tên lửa và vệ tinh A-235 và đã phóng thử tên lửa đánh chặn mới của hệ thống này. Phạm vi đánh chặn tối đa của nó là khoảng 1.852 km, có thể tạo ra mối đe dọa lớn đối với các vệ tinh quỹ đạo thấp và các mục tiêu trên không tầm cao.
Để tăng cường khả năng tấn công của hệ thống chống tên lửa A-235, một số chuyên gia Nga cho rằng, tên lửa chống vệ tinh Nudol của Nga có thể được phát triển như một phần của hệ thống A-235. Tên lửa Nudol là phiên bản nâng cấp của các hệ thống chống tên lửa như A-35, A-35M và A-135. Nga tuyên bố rằng, sẽ hoàn thành việc triển khai hệ thống chống tên lửa này ở Moscow và Khu công nghiệp trung tâm vào năm 2022.
Trên phương diện tấn công các mục tiêu tầm trung và tầm ngắn, các tên lửa phòng không S-series của Nga đang hoạt động cũng gây ấn tượng không kém. Quân đội Nga hiện được trang bị một số lượng lớn hệ thống phòng không S-300. Theo dữ liệu công khai, S-300 có bán kính đánh chặn trong khoảng từ 150-300 km, tầm cao đánh chặn khoảng 25-30 km và tốc độ tên lửa có thể đạt tới Mach 6.
Ngoài ra, Nga còn sở hữu hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm ngắn S-350 Warrior. Hệ thống này, cũng như hệ thống tên lửa phòng không S-400, đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực phòng thủ tầm gần và trung. 3 hệ thống này là 3 trụ cột chính của lực lượng phòng không Nga.
Chỉ huy Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga, ông Serge Surovkin cho biết, khi hệ thống tên lửa phòng không S-500 Prometheus của Nga đi vào hoạt động, nó sẽ có khả năng tiêu diệt vũ khí siêu thanh và vệ tinh hoạt động trên vũ trụ ở quỹ đạo gần. S-500 có thể được coi là hệ thống phòng thủ không gian thế hệ đầu tiên và nó cho phép Quân đội Nga mở rộng phạm vi phòng thủ ra đến vũ trụ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 Nudol của Nga. Nguồn: people.com.cn. |
S-500 sẽ là “bom tấn” trên thị trường vũ khí
Hiện nay, Nga và Mỹ đang là “bá chủ” trên thị trường vũ khí quốc tế, cả 2 nước không ngừng đưa các thiết bị tiên tiến của mình ra thị trường, tạo ra một trào lưu mới trong lĩnh vực thiết bị quân sự của thế giới. Mỹ đang chiếm 70-75% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí hàng năm còn Nga chỉ chiếm 25-30%, sự cạnh tranh giữa hai bên là vô cùng khốc liệt.
Mặc dù Nga đang ở thế bất lợi trong thị phần thương mại quân sự quốc tế, tuy nhiên do sự phổ biến và ảnh hưởng của vũ khí Liên Xô cũ trên thế giới, nên vẫn còn rất nhiều quốc gia “trung thành” với vũ khí Nga. Ngoài ra, vũ khí do Nga sản xuất rất dễ sử dụng, có chi phí thấp và hiệu suất cao. Ngay cả các quốc gia thường sử dụng vũ khí do phương Tây sản xuất cũng mua vũ khí Nga. Năm 2019, doanh thu từ lĩnh vực vũ khí của Nga đạt 15 tỉ USD. Đối với Nga, với chi phí quân sự hàng năm chưa đến 50 tỉ USD thì khoản thu nhập này đặc biệt hữu ích cho việc thúc đẩy các dự án quân sự quy mô lớn của Nga hoặc nâng cấp các thiết bị quân sự tiên tiến.
Các hệ thống tên lửa phòng không S-series của Nga cũng được nhiều nước tìm kiếm. Năm 2019, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với Nga để mua khoảng 5 hệ thống S-400 và gần đây đã thanh toán trước một phần kinh phí. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, đã mua S-400 và cũng dự định mua các máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga. Nếu S-500 có phiên bản xuất khẩu, nó sẽ là “quả bom tấn” của Nga trên thị trường vũ khí quốc tế và sẽ để lại dấu ấn sâu sắc cho Nga trong lĩnh vực này.
Sau khi ông Putin đảm nhận chức tổng thống, Nga luôn coi trọng việc hiện đại hóa vũ khí và thiết bị quân sự. Đến nay, Nga đã sở hữu nhiều loại vũ khí tiên tiến như xe tăng T-14, máy bay Su-57, tên lửa chiến lược Yars thế hệ mới, tên lửa Iskander-M và tàu ngầm lớp Borei-A. Đặc biệt, việc thử nghiệm thành công hệ thống S-500 lần này đã đánh dấu một bước tiến dài trong tiến trình hiện đại hóa vũ khí của Nga, nó cũng mở ra một viễn cảnh mới cho tương lai ngành công nghiệp quân sự Nga.
Bước chuyển mình mạnh mẽ của Hải Quân Nga khiến Mỹ kinh ngạc
Ông Putin đang đưa ra những chiến lược độc đáo để phát triển lực lượng Hải quân của mình, tập trung vào việc nâng cao sức mạnh của hạm đội tàu mặt nước.
Đức Trí (lược dịch)