Rụng tóc ở người mắc ung thư và cách ứng phó hiệu quả
Rụng tóc là một tác dụng phụ thường gặp trong quá trình điều trị ung thư mà nhiều người bệnh gặp phải. Đây là mối lo ngại, quan tâm của phần lớn người bệnh ung thư, đặc biệt là người bệnh nữ.
Đối phó với tình trạng rụng tóc khi điều trị ung thư |
Theo Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP HCM), hóa trị là dùng thuốc đặc trị cho từng loại ung thư - phương pháp quan trọng trong điều trị bệnh. Theo dòng máu, thuốc có thể tới mọi cơ quan trong cơ thể nơi tế bào ung thư ẩn nấp. Hóa trị có nhiều tác dụng phụ khiến bệnh nhân lo lắng, đặc biệt là rụng tóc.
Tế bào ung thư có khả năng sinh sản nhanh hơn tế bào lành nên hóa trị chủ yếu tác dụng trên các tế bào phân chia nhanh. Trong cơ thể, các nang chân lông, tóc có khả năng phân chia nhanh nên bị ảnh hưởng của thuốc. Bệnh nhân ung thư sau khi vô thuốc đặc trị thường sẽ bị rụng tóc khoảng hai tuần sau đó. Ngoài tế bào tóc, các tế bào da, niêm mạc cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Theo bác sĩ Vũ, mức độ rụng tóc thay đổi tùy theo loại thuốc và cơ thể của mỗi người. Có bệnh nhân sẽ ít bị rụng tóc hơn người khác. Rụng tóc thường xảy ra từ từ, có thể rụng toàn bộ hoặc từng mảng. Ngoài tóc bị rụng, thuốc còn gây tình trạng tóc bị mỏng và dễ bị gãy hơn.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ BV K, người bệnh cũng không nên quá lo lắng bởi thông thường tóc sẽ mọc lại trong khoảng 1 đến 3 tháng sau khi việc trị liệu kết thúc.
Lúc này tóc có thể thay đổi về màu tóc hoặc cấu trúc tóc như trở nên xoăn hơn; hay mỏng đi ...... tuy nhiên, những thay đổi này chủ yếu là tạm thời và sau khoảng 6 tháng - 1 năm tóc sẽ trở lại bình thường.
Nhiều trẻ 12 tuổi đã mắc ung thư đại trực tràng, nguyên nhân từ thói quen hàng ngày
Tại bệnh viện K, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng, đặc biệt có những bệnh nhân phẫu thuật ung thư đại trực tràng khi mới 12,13 tuổi.
Theo BS. Phùng Ngọc Nam, BV Ung bướu Hà Nội, khi bị rụng tóc nếu người bệnh mua một bộ tóc giả, hãy thử các kiểu khác nhau cho đến khi tìm thấy một bộ thực sự ưng ý. Nên cân nhắc mua 2 bộ tóc giả, một bộ dùng hàng ngày và một bộ dùng cho những dịp đặc biệt.
Đặc biệt với những bộ tóc giả bằng chất liệu tổng hợp (nhân tạo) cần sự chăm sóc và tạo kiểu ít hơn những bộ tóc giả làm từ tóc người. Tóc nhân tạo cũng có giá rẻ hơn và bảo quản dễ hơn, không tốn nhiều công sức nên sẽ phù hợp hơn khi sức khỏe của người bệnh ung thư yếu đi trong quá trình điều trị.
Một số người thấy tóc giả nóng và ngứa có thể thay thế chúng bằng mũ hoặc khăn. Chất liệu cotton (sợi bông tự nhiên) sẽ dễ chịu cho da đầu hơn chất liệu nilon hay polyester (sợi tổng hợp).
Đáng lưu ý, theo BS Phùng Ngọc Nam, nếu tóc của bạn trở nên rất mỏng hoặc rụng hết hoàn toàn trong quá trình điều trị, hãy bảo đảm rằng da trên đầu của bạn được bảo vệ khỏi nóng, lạnh hay ánh nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF ít nhất là 30 và một chiếc mũ. Nếu trời lạnh hãy sử dụng một chiếc mũ hoặc khăn quàng để che kín da đầu và giữ ấm.
Rụng tóc có thể giảm bớt bằng cách tránh chải hoặc kéo tóc quá mức (có thể xảy ra khi bện tóc hoặc buộc tóc, sử dụng lô cuốn, máy sấy tóc, máy uốn hoặc hấp phẳng tóc).
Dùng một chiếc mạng tóc vào buổi tối, hoặc ngủ trên vỏ gối satin để giữ tóc không bị bết lại. Nhẹ nhàng với lông mày và lông mi vì chúng cũng có thể bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, khi tóc bắt đầu mọc trở lại thường dễ gãy, bạn nên ưu tiện lựa chọn tóc ngắn kiểu đơn giản; không nên sử dụng sản phẩm kích thích mọc tóc vào da đầu ở thời điểm này.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, uống nhiều nước, bổ sung các loại vitamin có trong rau củ quả tươi.....Và người mắc ung thư cũng cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ và giữ tinh thần thoải mái, lạc quan và chia sẻ với bác sỹ điều trị khi bạn cần giải đáp mọi vấn đề.
H. Anh
Những thực phẩm bình dân phòng chống ung thư hiệu quả
Thường xuyên ăn cà chua, cam, quýt, hay chỉ một tép tỏi, chút quế sẽ giúp bạn khỏe mạnh.