Rằm tháng 7 vào Chủ nhật 22/8, nên dâng hương đơn giản phù hợp điều kiện mùa dịch
Ngày Rằm tháng 7 có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Năm nay dịch bệnh bùng phát, người dân hạn chế đi lại nên việc mua sắm đồ cúng, làm lễ Vu lan tại các chùa sẽ giản lược rất nhiều.
Vì sao ngày rằm tháng 7 đặc biệt hơn những ngày rằm khác?
Theo cuốn Tập tục và nghi lễ dâng hương do Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Trụ trì chùa Quán Sứ hiệu đính, tiết Trung Nguyên còn có những tên gọi khác như tiết Vu lan hoặc gọi nôm na như dân gian nói là “ngày xá tội vong nhân”, được tiến hành vào ngày rằm tháng Bảy (ngày 15 tháng 7 âm lịch).
Tiết Trung Nguyên của Việt Nam vừa có những yếu tố nguồn gốc văn hóa Ấn Độ (qua Phật giáo) vừa có những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng Trung Hoa. Nhưng dù có xuất xứ từ đâu, tiết Trung Nguyên với người Việt cũng là tiết của dịp “xá tội vong nhân” nơi địa phủ. Dân gian cho rằng vào dịp rằm tháng 7 thì mọi tội nhân, trong đó có những vong linh của gia đình, tộc họ mình đang bị giam cầm nơi địa ngục sẽ được dịp ra khỏi âm phủ để lên dương gian.
Nhân dịp này các gia đình làm lễ dâng hương, cúng các đồ hàng mã cho vong linh người thân của gia đình mình.
Dù nghi lễ dâng hương thực hiện tại nhà hay tại các chùa, người ta cũng không quên cúng các vong linh “không nơi nương tựa” hay còn gọi là các “cô hồn”, vật phẩm là những thứ đồ ăn của người nghèo như: cháo hoa, khoai lang, ngô luộc, bỏng, gạo, muối…
Cúng cô hồn không nơi nương tự cũng được gọi là cúng chúng sinh, được thực hiện ngoài trời, ngoài cửa chứ không cúng trong nhà. Cúng chúng sinh là thể hiện đạo đức từ bi của con người nhân dịp “xá tội vong nhân”.
Cúng lễ ngày rằm tháng 7 được thực hiện từ trong nhà ra ngoài trời: cúng Gia Thần, cúng Gia Tiên và cuối cùng mới cúng Chúng sinh.
Việc cúng lễ ngày rằm tháng 7 không đơn thuần là việc cầu cúng theo mê tín mà thể hiện tấm lòng của người còn sống với người đã khuất, cũng là một dịp để tưởng nhớ công ơn những người đã hy sinh vì đất nước.
Ảnh minh họa |
Cúng rằm tháng 7 chay hay mặn?
Tùy theo điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình mà chuẩn bị lễ vật hương hoa, nhang đèn, đồ mã và mâm cỗ cúng rằm tháng 7 chay hoặc mặn.
Trong khi mâm cỗ chay thanh tịnh thường được chuẩn bị để dâng lên bàn thờ Phật thì nhiều gia đình cũng chuẩn bị mâm cỗ mặn với nhiều món thịnh soạn để cúng thần linh và tổ tiên với quan niệm "trần sao âm vậy".
Điều đặc biệt nhất là mâm cúng chúng sinh (cô hồn) ngoài trời. Người dân sẽ chuẩn bị những vật phẩm rẻ tiền, thường được coi như đồ của người nghèo để cúng cô hồn như: cháo hoa (loại cháo gạo loãng), muối và gạo, tiền mặt, nước lọc, khoai, sắn, ngô luộc, bánh kẹo, bỏng, oản, hoa quả, nến, nhang, có thể thêm đồ mã...
Thông thường nghi lễ cúng rằm tháng 7 sẽ diễn ra từ ngày mùng 2 đến ngày 15 âm lịch mà không cần xem tốt hay xấu bởi vì người xưa vẫn thường quan niệm đây là khoảng thời gian mà Diêm Vương cho mở Quỷ Môn Quan để các vong hồn được về dương giới và thụ hưởng những lễ vật mà người dân cúng tế.
Ảnh minh họa |
Văn khấn rằm tháng 7 cúng chúng sinh ngoài trời theo cuốn Tập tục và nghi lễ dâng hương
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Kính lạy:
- Đức Địa tạng vương Bồ Tát
- Đức Mục Kiền Liên Tôn giả
Kính lạy:
- Ngài bản cảnh Thành hoàng
- Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa
- Ngài bản gia Táo quân và tất cả các vị Thần linh cai quản ở trong xứ này.
Hôm nay là ngày Rằm tháng 7 năm……………….
Tín chủ con là………………………………………………..
Ngụ tại……………………………………………………………
Thành tâm kính xin: nhân ngày xá tội vong nhân, âm cung mở cửa ngục ra cho phép vong linh các cô hồn không nơi nương tựa, không mồ không mả, lẩn khuất ở gốc cây, bụi cỏ, xó chợ, đầu đường, không manh áo mỏng, đêm ngày lang thang, quanh năm đói rét cơ hàn, dù rằng chết vì lý do gì đều được về đây thụ hưởng lễ vật của tín chủ thỉnh mời: cơm canh, cháo bỏng, trầu cau, gạo muối, quả thực hoa đăng tiền vàng, quần áo đủ màu đỏ xanh. Phù hộ cho tín chủ và toàn gia người người khỏe mạnh, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, điều lành đưa tới, điều dữ mang đi.
Cẩn cáo!
Cỗ cúng rằm tháng Bảy hiếm hàng, quán dừng phục vụ, nơi chỉ chọn khách quen
Cỗ chay giá từ 750.000 đến 1 triệu đồng; cỗ mặn giá từ 1 triệu đồng trở lên... là các mức giá của mâm cỗ cúng rằm tháng 7 tại một số ít bếp còn nhận đặt online ở thời điểm này nhưng rất kén khách
Ngọc Khánh (t/h)