Quý ông mê nhậu coi chừng chứng bệnh 'xương chết'
Lạm dụng rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến gan thận mà còn tăng nguy cơ đau nhức khớp, viêm khớp, giảm mật độ xương… gây ra tình trạng 'chết ở xương'
Anh Nguyễn Mạnh H. (38 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) thường xuyên bị đau thắt lưng, đi khám kết quả là thoái hóa. Vì bệnh thoái hóa nên anh H. chỉ điều trị cầm chừng xác định sống chung với bệnh.
Tuy nhiên, tình trạng đau ở thắt lưng ngày càng nặng hơn, chân anh còn đi tập tễnh người đổ về một bên.
Khi vào bệnh viện kiểm tra lại lần nữa, bác sĩ cho biết anh H. bị hiện tượng "chết xương". Xương hoại tử và làm cho tình trạng háng hai bên lệch. Tiền sử lối sống của anh H. giống rất nhiều bạn trẻ Việt đó là ham nhậu, lười vận động. Anh H cũng cho biết khớp háng hư nên việc anh ngồi khoanh chân rất khó. Nhưng đi kiểm tra không ai nghĩ khớp háng mà đều đổ lỗi cho thoái hóa cột sống.
Cũng giống anh H., anh Vũ Đức C. (41 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) vào bệnh viện khám trong tình trạng đau xương ở lưng và khớp háng. Kết quả khiến anh C. hết sức bất ngờ đó là tình trạng xương đang chết dần mà không không hay biết. Bác sĩ tư vấn anh C. phải ghép xương để cải thiện tình trạng hoại tử chỏm xương đùi.
TS Tăng Hà Nam Nan Anh - Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là bệnh còn phổ biến ở Việt Nam và đều ở người có tiền sử uống rượu bia nhiều. Bệnh khá phổ biến ở người trẻ từ 30 tới 60 tuổi, ở nam giới nhiều hơn.
Ảnh minh họa. |
Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng chết chỏm xương đùi vô khuẩn do tắc mạch máu nuôi. BS Nam cho biết chỏm xương đùi nằm ở khớp háng nhưng chỉ được nuôi bằng mạch máu “cheo leo” nên dễ bị tổn thương.
Những người dễ bị hoại tử chỏm xương đùi là người thích uống rượu bia, nhậu nhẹt. BS Nam Anh lý giải khi ăn nhậu nhiều, mỡ trong máu tăng lên làm tắc mạch máu này. Ngoài ra người sử dụng corticoid nhiều quá nhất là sau Covid-19 dùng thuốc corticoid kéo dài liều cao có thể có nguy cơ bị hoại tử chỏm xương đùi. Người lặn biển cũng dễ bị hoại tử xương đùi do bọt khí ở trong máu làm tắc mạch.
Triệu chứng:
Thứ nhất, người bệnh đau vùng khớp háng hoặc đau khớp gối. Khớp gối là “cửa sổ tâm hồn” của khớp háng nên có nhiều người đi chữa khớp gối đến khi chỏm xương đùi hỏng hết mới phát hiện hoại tử khớp háng gây đau đầu gối.
Thứ hai, bệnh nhân có triệu chứng đau vùng thắt lưng: Khớp háng gần thắt lưng nên nhiều người thấy đau vùng thắt lưng cũng vội đi khám và chụp vùng thắt lưng đều nghĩ rằng thoái hóa cột sống thắt lưng hoặc thoát vị đĩa đệm mà quên bệnh của khớp háng.
Khi bệnh nặng, bệnh nhân đi chân thấp, chân cao, người nghẹo qua 1 bên là do khớp háng bị hoại tử. Nhất là những người làm "đệ tử của lưu linh” họ không thể ngồi xếp bằng, ngồi xổm mà phải ngồi trên ghế cao.
Thứ ba, khi khám cho bệnh nhân bác sĩ có thể phát hiện thêm khớp háng khó vận động. Để phát hiện bệnh nhân chỉ cần chụp X.quang. Một số trường hợp kín đáo có thể dùng MRI. BS Nam Anh cho biết nếu bạn chụp X.quang đã thấy hoại tử chỏm xương đùi thì không cần chụp MRI.
Về vấn đề điều trị, bác sĩ Nam Anh cho biết nếu bệnh ở giai đoạn sớm khi chỏm xương chưa biến dạng thì bệnh nhân có thể điều trị bằng nhiều phương pháp như dùng thuốc, khoan giải áp, ghép xương… để phục hồi chỏm xương đùi. Ghép xương tỷ lệ thành công khoảng 70% nhưng điều kiện là ở giai đoạn sớm.
Trường hợp nặng hơn, chỏm xương đùi đã méo thì phải thay khớp háng. Mổ thay khớp háng hiện nay không còn gì là quá nặng nề. TS Nam Anh cho biết hiện nay có những ca mổ thay hai khớp háng cũng chỉ nằm viện 1 đến 2 ngày là ra viện.
Còn các biện pháp khác đến nay vẫn chưa có nên người bệnh không cần cố tìm các phương pháp khác để điều trị hoại tử chỏm xương đùi.
Để phòng bệnh, BS Nam Anh khuyến cáo những người có nguy cơ bệnh lý khớp (như người lớn tuổi, ít vận động, ăn uống thiếu khoa học, người có tiền sử đau khớp, người béo phì...) nên xây dựng lối sống khoa học thông qua chế độ dinh dưỡng hài hòa, cân đối; duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao đều đặn ít nhất 30 phút/ngày.
Khánh Chi