Quy định tỷ lệ nội địa hóa: Con dao 2 lưỡi
Những tác động của yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa (LCR) vừa được các nhà hoạch định chính sách, giới học giả, đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế tập trung phân tích tại Hội thảo APEC về "Các yêu cầu liên quan đến hàm lượng nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng" diễn ra sáng nay, 7/10/2015, ở Hà Nội.
Những tác động tích cưc và tiêu cực của việc yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa đã được tập trung phân tích bởi các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế. Ảnh: B.M |
Trên thực tế, không ít quốc gia trên thế giới sử dụng yêu cầu về nội địa hóa để khuyến khích sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc áp dụng các yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa một cách thái qua với mục tiêu bảo hộ sản xuất trong nước, đi ngược lại các cam kết quốc tế, lại ảnh hưởng tiêu cực đối với tiến trình tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư trong khu vực, cản trở sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu, gián tiếp ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong thương mại quốc tế, nhiều vụ kiện liên quan đến yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa đã được xem xét và phân xử bởi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do việc áp đặt các quy định này một cách chưa hợp lý đã vi phạm quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) cũng như Hiệp định các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMS).
Bà Tina Jing Zhang, Tổng Thư ký của một tổ chức liên minh về năng lượng của Trung Quốc lưu ý: "Yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa là chính sách thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. Nhưng cần cân nhắc có nên áp dụng biện pháp này hay không. Trung Quốc đang là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời), hiện cũng đang vấp phải nhiều khó khăn trước yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa của những nước nhập khẩu sản phẩm năng lượng tái tạo của Trung Quốc. Nói cách khác, LCR là con dao hai lưỡi, có thể tạo hạn chế nhất định, chẳng hạn doanh nghiệp trong nước phát triển được công nghệ nhưng không xuất khẩu được ra nước ngoài khi nước mình định xuất khẩu hàng hóa sang họ cũng áp dụng LCR".
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 60 đại biểu đến từ 11 quốc gia gồm: Việt Nam, Thái Lan, Maylaysia, Philippines, Mexico, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Italia, Mỹ. Ảnh: B.M |
Dẫn chứng cụ thể hơn về mặt trái của yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa, ông Ronal Steenblik, nhà nghiên cứu chính sách thương mại cao cấp, Phòng Chính sách nguồn tài nguyên thiên nhiên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế (OECD) cho biết: "Ở Đức và Anh từng có yêu cầu các nhà sản xuất điện bắt buộc phải dùng than đá trong nước với chi phí khá cao. Hậu quả là không tạo động cơ cho các nhà sản xuất điện phải cải thiện chi phí sản xuất, khiến các nhà máy lạc hậu dần, hiệu suất sản xuất thấp, phát thải các bon, khí nhà kính cao, giá thành điện cũng cao, và doanh thu từ giá bán điện không thể bù đắp lại những tác hại tiêu cực gây ra với môi trường".
"Những tác hại trái chiều của yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa là điều cần phải quan tâm. Nếu loại trừ yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa thì có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng và phát triển lành mạnh hơn", ông Ronal Steenblik nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch, lại phân tích những lý do phải áp dụng LCR, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
"Nhu cầu điện của Việt Nam tăng trưởng rất lớn. Ước tính cứ GDP tăng 1% thì nhu cầu điện lại tăng 2%. Để đáp ứng nhu cầu điện, dự kiến thời gian tới, sẽ có hàng trăm nhà máy nhiệt điện than được đưa vào hoạt động.
Việc áp dụng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa vẫn sẽ là xu thế được áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ ngành công nghiệp nhiệt điện còn non trẻ này (hiện nhiệt điện than chỉ chiếm 28% trong cơ cấu ngành điện của Việt Nam).
Thực tế thời gian qua, hình thức thầu trong nhiều dự án ngành điện của Việt Nam không đạt mục đích nội địa hóa. Hệ quả là nhà thầu nước ngoài mang thiết bị và nhân công sang, tác động tới cơ hội việc làm cũng như sự phát triển của các ngành khác tại Việt Nam như ngành công nghiệp cơ khí", ông Nguyễn Đức Cường nói.