Quốc gia nào an toàn nhất thế giới theo đánh giá của Viện Kinh tế và Hòa bình?
Theo báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) mới công bố, quốc gia Bắc Âu Iceland một lần nữa được công nhận là quốc gia an toàn nhất thế giới.
Theo đó, Chỉ số Hòa bình Toàn cầu xếp hạng 163 quốc gia về độ an toàn dựa trên 23 yếu tố bao gồm tỷ lệ giết người, khủng bố chính trị và tử vong do xung đột nội bộ.
Các quốc gia an toàn nhất thế giới ở các vị trí tiếp theo là New Zealand ở vị trí thứ hai và Bồ Đào Nha ở vị trí thứ ba. Ngoài ra, trong số 10 quốc gia có chỉ số tốt nhất cũng bao gồm: Áo, Đan Mạch, Canada, Singapore, Cộng hòa Séc, Nhật Bản và Thụy Sĩ.
Thác nước Skogafoss ở Iceland. (Ảnh minh họa) |
Nga một lần nữa ở vị trí thứ 154, giữa Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Đồng thời, những người soạn thảo báo cáo lưu ý rằng, các chỉ số của Nga trong các lĩnh vực “An ninh và Quốc phòng”, “Quân sự hóa” và “Tiếp diễn xung đột” đã được cải thiện.
Cũng theo báo cáo này Việt Nam đứng ở vị trí thứ 64 trong bảng xếp hạng, tụt 5 bậc so với báo cáo trước đó.
Được biết, những người soạn thảo báo cáo đưa Nga vào nhóm với các quốc gia khác thuộc không gian hậu Xô Viết như: Ukraine, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Azerbaijan, Georgia, Armenia, Moldova và Belarus. Kazakhstan được công nhận là quốc gia yêu chuộng hòa bình nhất trong nhóm này chiếm vị trí thứ 70, mặc dù đã có sự sụt giảm mạnh về các chỉ số “An toàn và An ninh”. Xếp ở các vị trí cuối cùng là Iraq, Syria và Afghanistan.
Chỉ số hòa bình toàn cầu được các nhà xã hội học và kinh tế của nhóm chuyên gia quốc tế Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) xác lập. Danh sách này được tổng hợp hàng năm kể từ năm 2007.
Trước đó, tờ Izvestia hôm 10/6 trích dẫn báo cáo thường niên của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) có trụ sở tại Sydney, Australia cho hay, Indonesia, Trung Quốc, Mexico, Australia và Nga là Top 5 trong số 42 quốc gia có những tiền đề thuận lợi nhất để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Cụ thể, bốn yếu tố quyết định tiền đồ của một nền kinh tế gồm: giá trị nợ công nhỏ, tỷ lệ thất nghiệp thấp, thuế và phí thấp và ít phụ thuộc vào thương mại quốc tế.
Theo báo cáo của IEP, giá trị nợ công của Nga nhỏ, nhờ vậy, Nhà nước có thể vay vốn, nhằm giảm nhẹ các thiệt hại kinh tế do dịch bệnh lần này gây ra. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp được ghi nhận khá thấp, giúp Nga có thể phân loại người lao động và chuẩn bị tốt hơn cho các động thái tiếp theo.
Đồng thời, dạng chỉ số đánh giá như chỉ số PPI (Positive Peace Index), phản ánh sự bình ổn trong nước cũng cho thấy tiềm năng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế của Nga. Theo chỉ số này, Nga đứng ở vị trí thứ 37, Trung Quốc vị trí 34, Indonesia vị trí 39, Mexico ở vị trí 35 và Australia vị trí thứ 13.
Theo ông Steve Killelea, người đứng đầu IEP, dự kiến phải 5 năm sau khi các nước dỡ bỏ cách ly do đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu mới có thể phục hồi.
Cũng theo đánh giá của IEP, các quốc gia thoát khỏi khủng hoảng nhanh đến mức nào sẽ được xác định qua đánh giá tổng thể nền kinh tế kết hợp với chỉ số PPI. Báo cáo của IEP cho hay, những nước kết hợp hai yếu tố này tốt nhất là Australia, Đức, Iceland, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ, Estonia và Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, tình hình yếu kém nhất được ghi nhận ở Brazil, Hungary, Hy Lạp, Ý, Latvia, Ba Lan, Slovakia và Nam Phi.
Thanh Bình (lược dịch)